Hạ tầng truyền dẫn qua mạng cáp cho đến vô tuyến hay hệ thống an ninh vật lý cho đến hạ tầng điện… tất cả đều kết nối và bổ trợ cho nhau để tạo nên một hạ tầng vững chắc cho các ứng dụng góp phần làm thành phố “thông minh” hơn.
Để xây dựng đô thị thông minh, không thể thiếu phần lõi là các giải pháp hạ tầng. Ngoài những giải pháp hạ tầng viễn thông-công nghệ thông tin, hạ tầng truyền dẫn cáp, truyền dẫn vô tuyến, hệ thống an ninh vật lý, hạ tầng điện, còn có những giải pháp mới như truyền dẫn vô tuyến cho mạng trục, mạng phân phối, cho vật thể di động của Radwin (Israel), giải pháp Metro Wifi phủ sóng diện rộng cho thành phố của hãng Sweratel (Thụy Điển)… Những giải pháp này hiện đang được nhiều doanh nghiệp và thành phố trên thế giới sử dụng. Trong đó, thiết bị an ninh giám sát camera Axis của Axis Communications (Thụy Điển) được nhiều khách tham quan tâm. Giải pháp này được triển khai trong các tòa nhà lớn, tham gia vào các dự án giám sát vi phạm giao thông của các thành phố lớn, giám sát các tuyến đường cao tốc, trạm thu phí, trạm cân… trên toàn quốc.
Theo ông Lê Nhân Tâm, Đại diện VNPT, cần có 3 yếu tố là: Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Nếu thiếu 1 trong 3 yếu tố này, không thể hình thành đô thị thông minh. VNPT hiện đang là đối tác của nhiều tỉnh, thành phố trong việc xây dựng thành phố thông minh như TP.HCM, Phú Quốc (Kiên Giang), Buôn Mê Thuột (Đăk Lăk), Đà Lạt, Mỹ Tho, Bình Dương, Hà Nam, Cà Mau… Mô hình thành phố thông minh của VNPT mang lại nhiều lợi ích cho người dân với dịch vụ công trực tuyến, các giải pháp tiên tiến cho hệ thống giáo dục, chăm sóc sức khỏe và các bảo đảm về an sinh xã hội. Ngoài ra, việc phát triển các giải pháp của đô thị thông minh cũng giúp chính quyền giảm tải thủ tục hành chính, đảm bảo xây dựng đô thị bền vững.
Ông Tôn Tích Phương, Tổng giám đốc Công ty QD.TEK miền Bắc cho biết, các giải pháp từ hạ tầng truyền dẫn qua mạng cáp cho đến truyền dẫn vô tuyến, từ hệ thống an ninh vật lý cho đến hạ tầng điện… đều kết nối và bổ trợ cho nhau, tạo nên một hạ tầng vững chắc cho các ứng dụng thành phố thông minh. Đây sẽ là xu hướng chung của thế giới trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0 và Internet cho Vạn vật (Internet of Things – IoT).
Đại diện đến từ Dell EMC cho rằng, để bắt đầu triển khai thành phố thông minh, có thể “khởi động” với thành phố an toàn (Safe City), dựa trên các phương tiện như camera, cảm biến mà thành phố đã lắp đặt, như vậy chi phí ban đầu sẽ tiết kiệm hơn so với các lĩnh vực khác phải đầu tư mới. Hiện nay, các thành phố đã có hệ thống camera công cộng, camera an ninh, camera giao thông, camera tư nhân… Do đó, làm sao để dữ liệu từ tất cả camera này được quy về một đầu mối để phân tích và xử lý. Ở các thành phố thông minh, dữ liệu từ mọi camera sẽ tập trung lại một trung tâm điều hành duy nhất. Khi sự cố xảy ra, nhân viên ở các trung tâm này sẽ đóng vai trò điều phối giải quyết vấn đề.
Cùng quan điểm này, ông Magnus Zederfeldt, Giám đốc khu vực của Axis Communications khu vực Nam châu Á Thái Bình Dương, cho biết: “Bây giờ camera không chỉ “nhìn” mà còn có thể “suy nghĩ”. Camera có thể đo thân nhiệt, đo các tiếng ồn khả nghi (tiếng súng chẳng hạn), hoặc “nhìn” thấy đám đông trên 50 người tụ tập,… sau đó phân tích dữ liệu và gửi về cho khu vực điều khiển. Với những phát hiện mang tính khả nghi cao, camera sẽ lập tức gửi cảnh báo gây chú ý, thay vì phải có người đứng canh. Bên cạnh vấn đề chi phí, các chuyên gia cũng cho rằng cần hợp nhất các dữ liệu thu được từ nhiều nguồn để từ đó xử lý thông tin, đưa ra các quyết định.
Nhằm mang lại các giải pháp và sản phẩm hạ tầng công nghệ tiên tiến cho thị trường Việt Nam, trong xu hướng phát triển chung của thế giới về việc xây dựng hạ tầng cho thành phố thông minh, Tập đoàn VNPT và Công ty phân phối công nghệ Quang Dũng (QD.TEK) đã tổ chức Ngày hội Công nghệ 2017 với chủ đề “Hạ tầng cho thành phố thông minh”. Nhiều giải pháp công nghệ và hạ tầng hiện đại cho việc triển khai thành phố thông minh đã được giới thiệu như AXIS Communications, CommScope, DellEMC, D-Link, Gemalto, Milestone, Radwin, Sweratel, Vertiv…