Roborock vừa ra mắt 5 sản phẩm Robot hút bụi thông minh S8 MaxV Ultra, S8 Max Ultra, Qrevo Pro và Máy hút bụi cầm tay không dây Flexi Pro và Flexi Lite. Được kế thừa công nghệ và tính năng trước đó, 5 sản phẩm mới ra mắt lần này đến từ Roborock được cải tiến và tích hợp thêm nhiều tính năng đột phá cho trải nghiệm làm sạch thông minh hơn…

Đầu tiên, robot hút bụi thông minh S8 MaxV Ultra là robot hút bụi cao cấp nhất của S8 Max Series. Thiết kế chổi bên có thể mở rộng sát mép FlexiArm độc quyền, máy hút bụi có thể len lỏi và bao phủ góc tường, làm sạch bụi bẩn tận trong góc khuất.

Bên cạnh đó S8 Max Ultra còn được tích hợp giẻ lau cạnh và giẻ lau có thể nâng tránh làm ướt thảm. Giẻ lau cạnh sẽ vươn ra khi máy hút bụi cần làm sạch cạnh tường liền mạch với tốc độ quay lên đến 185 vòng/phút và khoảng cách với mép tường, góc tường chỉ 1,68mm.

Giẻ lau có thể nâng tối đa 20mm với công nghệ rung 4000 lần/giây giúp làm sạch các vết bẩn trên sàn hiệu quả và sau khi xác định làm sạch thảm, tránh làm thảm bị ướt. Giẻ lau còn được tự động làm sạch bằng nước nóng lên đến 60 độ C tại trạm sạc và sấy khô để loại bỏ vi khuẩn, mùi hôi trên giẻ lau.

Để giảm tình trạng máy hút bị tóc rối mắc vào làm cản trở quá trình làm sạch, S8 MaxV Ultra còn trang bị thêm 2 bàn chải con lăn giúp hút sạch tóc rối và các mảnh vụn với lực hút 10.000 Pa với S8 Max Ultra là 8.000 Pa, cùng với dao cắt ẩn bên trong cắt tóc rối thành từng đoạn.

S8 MaxV Ultra còn được trang bị công nghệ Reactive Ai 2.0 với ánh sáng cấu trúc 3D và camera RGB để nhận diện chướng ngại vật và điều khiển thiết bị bằng giọng nói “Hello Rocky”

Roborock Flexi Series sạch trơn với Flexi Pro và Flexi Lite

Một lướt làm sạch ngay vết bẩn ướt và khô với lực hút 17,000 Pa và tính năng tự làm sạch con lăn với bằng 2 luồng nước nóng 60°C. Sau khi được làm sạch cơ bản, Flexi sẽ khởi động tính năng Làm Sạch Chuyên Sâu nếu cảm biến DirtectTM phát hiện con lăn còn bẩn. Tiếp theo con lăn sẽ được sấy khô tự động trong vòng 5 phút với không khí nóng 70°C từ đế sạc, loại bỏ môi trường phát triển vi khuẩn có hại. Cảm biến này còn cảm biến được mức độ bụi bẩn và hiển thị trên màn hình để điều chỉnh công suất hút Tối đa hay Tự động để có được trải nghiệm làm sạch tối ưu nhất.

Thiết kế FlatReach giúp Flexi Pro có thể gập được 180° sát sàn, dễ dàng loại bỏ được vết bẩn nằm sâu trong gầm giường, gầm tủ, gầm sofa,…Với khả năng kết nối Ứng dụng Roborock, người dùng có thể kiểm tra trạng thái của Flexi Pro từ xa, cũng như tùy chỉnh tốc độ con lăn, lên lịch tự làm sạch và làm khô cùng nhiều tính năng khác.

Chạm gần hơn, sạch sâu hơn với Roborock Qrevo Pro

Roborock Qrevo Pro với thiết kế FlexiArm giúp tiếp cận cạnh tường lên tới 1.85mm với giẻ lau có thể mở rộng để đảm bảo góc tường được làm sạch kỹ lưỡng. Hiệu quả làm sạch tốt hơn với Bộ Giẻ Lau Quay Kép có thể nâng lên đến 10mm với tốc độ quay lên đến 200 vòng/phút và tính năng tự động giặt lại giẻ lau và tự động lau lại sàn.

Robot có thể kiểm tra độ bẩn của giẻ khi giặt và tự động giặt lại nếu giẻ lau chưa sạch đạt yêu cầu bằng, Qrevo Pro cũng hỗ trợ giặt giẻ lau với nước nóng lên đến 60°C để có thể loại bỏ được vết dầu mỡ cứng đầu và sấy khô giẻ với không khí ấm tại trạm sạc. Tương tự, đối với các khu vực có mật độ bụi hoặc vết bẩn cứng đầu, robot sẽ tiến hành lau lại lần nữa để đảm bảo sàn được làm sạch hoàn toàn.

Bên cạnh đó, Roborock Qrevo Pro còn có có thể kết nối và điều khiển robot qua Ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Được biết, S8 MaxV Ultra sẽ mở bán vào ngày 12 tháng 04 với giá bán lẻ chính thức 32.990.000 VND, S8 Max Ultra (độc quyền tại CellphoneS) với giá bán lẻ chính thức 28.990.000 VND.

Flexi Pro (độc quyền tại Mi Vietnam) được mở bán vào ngày 12 tháng 04 với giá bán lẻ chính thức 12.990.000 VND, Flexi Lite với giá bán lẻ chính thức 9.490.000 VND.

Roborock Qrevo Pro (độc quyền tại Mi 360) sẽ được mở bán vào ngày 04 tháng 04 với giá bán lẻ chính thức 19.990.000 VND.

Dịp này, S8 MaxV Ultra có giá khuyến mãi 28.990.000 VND, S8 Max Ultra (độc quyền CellphoneS) có giá khuyến mãi 25.990.000 VND. Quà tặng mở bán Máy sấy tóc Laifen Premium trị giá 3.890.000 VND (Áp dụng 12/04 – 30/04/2024)

Flexi Pro (độc quyền tại Mi Vietnam) với giá khuyến mãi 11.990.000 VND, Flexi Lite với giá khuyến mãi 8.990.000 VND (Áp dụng 12/04 – 30/04/2024)

Qrevo Pro (độc quyền tại Mi 360) với giá khuyến mãi 17.990.000 VND, quà tặng mở bán là Máy sấy tóc Laifen SE trị giá 2.490.000 VND (Áp dụng 04/04-30/4/2024).

Trong quý 1/2024, Bộ Công an đã phát hiện hơn 20 triệu cảnh báo các hoạt động tấn công mạng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước…

Tại buổi họp báo Chính phủ ngày 3/4, một số cơ quan báo chí đặt câu hỏi tới đại diện Bộ Công an, đề nghị thông tin về hoạt động chống phá của tội phạm trên không gian mạng? Kinh nghiệm của ngành công an về vấn đề này?

Thông tin về tội phạm chống phá trên không gian mạng, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, trong tháng 3 vừa qua, hoạt động tấn công mạng diễn ra rất phức tạp.

Quý 1/2024, Bộ Công an đã phát hiện hơn 20 triệu cảnh báo các hoạt động tấn công mạng; riêng tháng 3, phát hiện hơn 7 triệu cảnh báo, tăng 6% so với tháng trước.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, thời gian qua, hệ thống mạng của nhiều cơ quan tổ chức, doanh nghiệp bị tấn công, đánh cắp dữ liệu. Bộ Công an cũng phát hiện nhiều dữ liệu có nội dung bí mật đã bị đánh cắp. Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng đang bị hoạt động tấn công mạng.

Bộ Công an đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tăng cường công tác đảm bảo an ninh, bảo vệ hệ thống mạng; đồng thời mong muốn người dân tham gia tố giác tội phạm, không tin, không nghe, không làm theo những hướng dẫn, yêu cầu quá chi tiết qua điện thoại, tránh bị lừa đảo.

Ngoài ra, hoạt động chống phá của tội phạm mạng diễn ra rất phức tạp, các thế lực thù địch hoạt động chống đối, phá hoại chính trị, tư tưởng gia tăng, các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo về tình hình chính trị nội bộ, chia rẽ đoàn kết. Tội phạm mạng gia tăng hoạt động tấn công mạng để đánh cắp thông tin, lừa đảo.

Người phát ngôn Bộ Công an cũng cho biết thêm, tội phạm lợi dụng không gian mạng để tổ chức đánh bạc và đánh bạc cũng gia tăng.

Tháng 3/2024, Cục Cảnh sát hình sự đã khởi tố 42 vụ với 252 đối tượng đánh bạc lên đến hàng trăm tỷ đồng. Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng cũng xảy ra tương đối lớn (605 vụ), bắt giữ 377 đối tượng, số tiền các nạn nhân bị chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng.

Từ các việc trên, Bộ Công an đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp tăng cường công tác đảm bảo an ninh, nội dung này trong buổi họp Chính phủ đã đề cập.

Bộ Công an cũng mong muốn nhân dân tham gia tố giác tội phạm, không tin, không nghe, không làm theo các hướng dẫn qua điện thoại, qua các dịch vụ để cảnh giác tránh bị lừa đảo.

Từ 0 giờ ngày 2/4, hệ thống công nghệ thông tin của Tổng công ty Dầu Việt Nam – CTCP PVOIL bị tấn công có chủ đích mã hóa dữ liệu (ransomware) và làm cho hệ thống bị ngưng trệ…

Hiện, PVOIL đã phối hợp với Bộ Công an xử lý theo pháp luật và có văn bản báo cáo các cơ quan chức năng nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như khắc phục sự cố trên trong thời gian sớm nhất.

Thông báo trên fanpage PVOIL cho biết, trong thời gian khắc phục sự cố, để đảm bảo cung cấp xăng dầu (mặt hàng thiết yếu, không thể gián đoạn nguồn cung cho thị trường), PVOIL và các đơn vị thành viên vẫn duy trì phục vụ bán hàng cho các khách hàng; tuy nhiên, không thể phát hành được hóa đơn điện tử, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ và chỉ thực hiện phiếu xuất kho để phục vụ hàng đi trên đường bao gồm đầy đủ các thông tin cần thiết.

Sau khi hệ thống được khắc phục hoạt động trở lại bình thường, PVOIL sẽ phát hành hóa đơn điện tử, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ và thực hiện các thủ tục khác theo đúng quy định hiện hành.

Được biết, PVOIL là một trong 34 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đang hoạt động trên thị trường. Doanh nghiệp này có khoảng 760 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước, không gồm các đại lý nhượng quyền thương mại. Vụ việc này khiến toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin, gồm website, email, ứng dụng thanh toán PVOIL Easy của doanh nghiệp này và các đơn vị thành viên ngừng hoạt động.

Trong thông tin phát đi tối ngày 2/4, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết: theo thông tin vận hành, quản trị hệ thống hóa đơn điện tử của cơ quan thuế, dữ liệu hóa đơn từ PVOIL gửi đến cơ quan thuế chỉ phát sinh đến 4 giờ ngày 2/4 và hệ thống hóa đơn điện tử của cơ quan thuế không có dấu hiệu bị tấn công gián tiếp qua hệ thống của PVOIL.

Tổng cục Thuế đang hỗ trợ PVOIL trong quá trình khắc phục sự cố công nghệ thông tin. Tổng cục Thuế đã tạm thời đóng cổng kết nối trực tiếp và sẽ mở lại khi hệ thống PVOIL đã được khắc phục.

Trong thời gian khắc phục sự cố, để đảm bảo cung cấp xăng dầu (mặt hàng thiết yếu, không thể gián đoạn nguồn cung cho thị trường), PVOIL và các đơn vị thành viên vẫn tiếp tục bán hàng cho các khách hàng.

Cuối tuần trước, Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT cũng đã bị tấn công ransomware. Sau hơn 1 tuần kể từ thời điểm phát hiện, sự cố đã cơ bản được khắc phục và hệ thống của VNDIRECT đã khôi phục hoạt động giao dịch từ ngày 1/4.

Thời gian qua, tấn công ransomware vào các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam đang có xu hướng tăng cao, Cục An toàn thông tin đã cảnh báo tới các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên toàn quốc khẩn trương rà soát và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng cho các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình.

Trong đó nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng là kiểm tra, đánh giá đảm bảo an toàn thông tin các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý, trong trường hợp phát hiện các nguy cơ, lỗ hổng, điểm yếu, cần lập tức triển khai các biện pháp khắc phục, đặc biệt là các hệ thống thông tin lưu trữ, xử lý thông tin cá nhân, dữ liệu cá nhân. Đồng thời, các đơn vị cũng được lưu ý ưu tiên triển khai các giải pháp giám sát, cảnh báo sớm để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường và xử lý, khắc phục nhanh các sự cố tấn công mạng vào hệ thống…

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng, Cục An toàn thông tin đề nghị các công ty chứng khoán rà soát, tổ chức triển khai bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các hệ thống thông tin…

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa đề nghị các công ty chứng khoán rà soát, tổ chức triển khai bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý; có biện pháp khắc phục các nguy cơ, lỗ hổng, điểm yếu đối với các hệ thống thông tin và hoàn thành trước ngày 15/4.

Công văn của Cục An toàn thông tin gửi các công ty chứng khoán nêu rõ, trong thời gian qua, đã có một số hệ thống công ty chứng khoán xảy ra sự cố an toàn thông tin mạng và gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với doanh nghiệp chứng khoán, gây tâm lý hoang mang và ảnh hưởng đến niềm tin vào tính an toàn của các sàn giao dịch chứng khoán tại Việt Nam nói riêng và thị trường tài chính nói chung.

Sự việc có liên quan đến website và Fanpage của Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT (VND) bị tấn công từ ngày 25/3.

Các công ty chứng khoán cần tổ chức triển khai các nhiệm vụ liên quan theo Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, đặc biệt là tổ chức thống kê, phân loại các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý; xây dựng kế hoạch triển khai hoàn thành quy định bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ (theo tiến độ tháng), bảo đảm 100% hệ thống thông tin đang vận hành phải được phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin chậm nhất trong tháng 9/2024 và triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin theo hồ sơ đề xuất cấp độ được phê duyệt chậm nhất trong tháng 12/2024.

Đồng thời, các công ty chứng khoán tổ chức thực thi hiệu quả, thực chất, thường xuyên, liên tục công tác bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp, đặc biệt là nâng cao năng lực của lớp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp và duy trì liên tục, ổn định kết nối, chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia trực thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông; ưu tiên sử dụng các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ an toàn thông tin mạng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hoặc làm chủ công nghệ.

Ngoài ra, các công ty chứng khoán cần xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố đối với hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Thông tư số 20/2017/TT-BTTTT ngày 12/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về điều phối, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trên toàn quốc; triển khai phương án sao lưu định kỳ hệ thống và dữ liệu quan trọng để kịp thời khôi phục khi bị tấn công mã hóa dữ liệu và báo cáo sự cố về Cục An toàn thông tin theo quy định; tham gia mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia theo quy định tại Điều 7 Quyết định số 05/2017/QĐ-TTg ngày 16/3/2017 của Thủ tướng.

Song song đó, rà soát, triển khai các nhiệm vụ liên quan theo Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng Việt Nam; thực hiện định kỳ săn lùng mối nguy hại để phát hiện kịp thời các dấu hiệu hệ thống bị xâm nhập. Đối với hệ thống đã phát hiện lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng, sau khi khắc phục lỗ hổng, cần thực hiện ngay việc săn lùng mối nguy hại nhằm xác định khả năng bị xâm nhập trước đó.

VNDIRECT cho hay, dự kiến trong ngày 28/3/2024, Công ty sẽ thực hiện kiểm tra (test) thông luồng giao dịch với các Sở giao dịch chứng khoán. Đây là một bước đi quan trọng trong việc khôi phục lại hệ thống giao dịch.

“Mặc dù giai đoạn nhận diện, khôi phục đã hoàn tất nhưng chúng tôi vẫn còn phải tiếp tục dành thời gian với rất nhiều công việc như kiểm soát dữ liệu, đảm bảo tính toàn vẹn và chính xác với thông tin tài sản của khách hàng. Đối diện với bài toán xử lý rủi ro hệ thống, chúng tôi nhận được rất nhiều sự chia sẻ, hỗ trợ và ủng hộ từ các chuyên gia công nghệ, cơ quan quản lý nhà nước cùng các khách hàng, đối tác, các doanh nghiệp và nhiều công ty chứng khoán tại Việt Nam. Trong lúc hệ thống cần thêm thời gian để trở lại hoạt động bình thường, chúng tôi vô cùng xin lỗi quý khách hàng, đối tác, cổ đông, cùng các tổ chức, cá nhân liên quan vì rủi ro ngoài mong muốn này…”, văn bản VNDIRECT gửi đến các cơ quan truyền thông.

Cục An toàn thông tin vừa cảnh báo 6 lỗ hổng an toàn thông tin ảnh hưởng mức cao và nghiêm trọng trong các sản phẩm Microsoft công bố tháng 3/2024, có thể bị hacker tấn công thực thi mã từ xa…

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng gửi cảnh báo tới tất cả các đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin, an toàn thông tin của các bộ, ngành, địa phương cùng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các ngân hàng và tổ chức tài chính.

Đáng chú ý, trong 6 lỗ hổng mới tồn tại ở sản phẩm Microsoft thì có tới 5 lỗ hổng sau khi khai thác thành công, hacker có thể tấn công thực thi mã từ xa.

Cụ thể, các lỗ hổng an toàn thông tin trong các sản phẩm Microsoft lần này, bao gồm: Lỗ hổng CVE-2024-21408 trong Windows Hyper-V cho phép đối tượng tấn công thực hiện tấn công từ chối dịch vụ (DoS); 5 lỗ hổng gồm CVE-2024-26198 trong Microsoft Exchange Server, CVE-2024-21407 trong Windows Hyper-V, CVE-2024-21334 trong Open Management Infrastructure (OMI), CVE-2024-21426 trong Microsoft SharePoint và CVE-2024-21411 trong Skype for Consumer đều cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa.

Để đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, Cục An toàn thông tin đề nghị các đơn vị kiểm tra, rà soát để xác định những máy tính sử dụng hệ điều hành Windows có 2 khả năng bị ảnh hưởng bởi 6 lỗ hổng an toàn thông tin mức cao và nghiêm trọng kể trên. Trường hợp bị ảnh hưởng, các đơn vị cần khẩn trương cập nhật bản vá kịp thời nhằm tránh nguy cơ bị hacker tấn công mạng.

“Các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp cũng được yêu cầu phải tăng cường hơn nữa công tác giám sát, sẵn sàng phương án xử lý khi phát hiện có dấu hiệu bị khai thác, tấn công mạng. Đồng thời, các đơn vị còn cần thường xuyên theo dõi kênh cảnh báo của các cơ quan chức năng và các tổ chức lớn về an toàn thông tin nhằm phát hiện kịp thời các nguy cơ tấn công mạng”, Cục An toàn thông tin khuyến cáo.

Theo Cục An toàn thông tin, việc đơn vị chưa quan tâm cập nhật và xử lý những lỗ hổng, điểm yếu đã được cảnh báo có thể khiến hệ thống của đơn vị đó có thể bị chiếm quyền điều khiển, bị tấn công mạng dẫn đến những tổn thất nặng nề về uy tín, tài sản.

Các chuyên gia cũng dự báo rằng một xu hướng tấn công mạng nổi bật của năm 2024 là khai thác lỗ hổng an toàn thông tin, nhất là những lỗ hổng ảnh hưởng mức cao và nghiêm trọng trong các sản phẩm công nghệ phổ biến, từ đó dễ dàng xâm nhập vào hệ thống và từ đó chiếm quyền điều khiển, đánh cắp thông tin, tài sản của tổ chức.

Trong đó, có một số lỗ hổng đã và đang được các nhóm tấn công lợi dụng để thực hiện các cuộc tấn công có chủ đích – APT. Những lỗ hổng an toàn thông tin nguy hiểm, có ảnh hưởng diện rộng đều đã được Cục An toàn thông tin cảnh báo và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương cách khắc phục; tuy vậy nhiều đơn vị vẫn chưa rà soát và xử lý.

Trường hợp cần hỗ trợ, các đơn vị có thể liên hệ đầu mới của Cục An toàn thông tin là Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia – NCSC theo số điện thoại 02432091616 hoặc email: [email protected].

Các nhà nghiên cứu của Kaspersky đã phát hiện ra các lỗ hổng trong robot đồ chơi thông minh có thể biến trẻ em trở thành mục tiêu cho tội phạm mạng. Lỗ hổng này cho phép tin tặc kiểm soát hệ thống robot để trò chuyện video với trẻ em mà không cần thông qua sự đồng ý của cha mẹ.

Chưa dừng lại ở đó, các rủi ro liên quan đến ứng dụng của hệ thống robot này còn mở ra các mối nguy hiểm khác, như các thông tin cá nhân của trẻ gồm tên, giới tính, độ tuổi và thậm chí cả vị trí địa lý cũng có thể bị đánh cắp. Đây là một loại robot đồ chơi trẻ em chạy bằng hệ điều hành Android trang bị camera và micro, tận dụng trí tuệ nhân tạo để nhận dạng, gọi tên trẻ em, tự động điều chỉnh phản hồi dựa trên tâm trạng của trẻ và sau một thời gian, robot sẽ làm quen với trẻ.

Để khai thác hết các tính năng của robot, phụ huynh cần tải xuống ứng dụng điều khiển trên thiết bị di động. Ứng dụng này cho phép cha mẹ theo dõi quá trình học tập của trẻ và thậm chí thực hiện cuộc gọi video với trẻ thông qua robot.

Ở giai đoạn thiết lập, cha mẹ được hướng dẫn kết nối robot với thiết bị di động của họ thông qua Wifi, sau đó, họ sẽ cung cấp tên và tuổi của trẻ cho thiết bị. Tuy nhiên, các chuyên gia Kaspersky đã phát hiện ra một vấn đề bảo mật đáng lo ngại: Giao diện Lập trình Ứng dụng (Application Programming Interface) yêu cầu thông tin trẻ lại thiếu tính năng xác thực, trong khi đây là bước kiểm tra quan trọng để xác nhận ai được phép truy cập vào nguồn mạng của người dùng. Điều này tiềm ẩn nguy cơ tội phạm mạng có thể can thiệp và đánh cắp nhiều loại dữ liệu, bao gồm tên, tuổi, giới tính, quốc gia cư trú và thậm chí cả địa chỉ IP của trẻ, bằng cách ngăn chặn và phân tích tần suất truy cập mạng. Lỗ hổng này cho phép kẻ gian kích hoạt cuộc gọi video trực tiếp với trẻ, hoàn toàn bỏ qua sự đồng ý từ tài khoản của cha mẹ. Nếu trẻ chấp nhận cuộc gọi, kẻ tấn công có thể trao đổi bí mật với trẻ mà không cần sự cho phép của cha mẹ. Trong trường hợp này, kẻ tấn công có thể thao túng, dụ dỗ trẻ ra khỏi nhà hoặc hướng dẫn trẻ em thực hiện các hành vi nguy hiểm.

Hơn nữa, các vấn đề bảo mật của ứng dụng trong thiết bị di động của cha mẹ có thể cho phép kẻ tấn công điều khiển robot từ xa và truy cập vào mạng trái phép. Thông qua sử dụng các phương pháp brute-force để khôi phục mật khẩu OTP, và tính năng không giới hạn số lần đăng nhập thất bại, kẻ tấn công có thể liên kết robot với tài khoản của riêng mình từ xa, từ đó vô hiệu hóa quyền kiểm soát thiết bị của chủ sở hữu.

Ông Nikolay Frolov, Nhà nghiên cứu bảo mật cấp cao của Kaspersky ICS CERT nhận xét: “Khi mua đồ chơi thông minh, điều quan trọng không chỉ là tính giải trí và giáo dục của chúng mà ta còn nên để tâm đến cả các tính năng an toàn và bảo mật. Mặc dù có một nhận định chung rằng giá cao đồng nghĩa với việc bảo mật tốt hơn, nhưng cần lưu ý rằng ngay cả những loại đồ chơi thông minh đắt tiền nhất cũng không hoàn toàn miễn nhiễm với các lỗ hổng mà kẻ tấn công có thể lợi dụng. Do đó, cha mẹ phải xem kỹ những đánh giá về đồ chơi, luôn cập nhật phiên bản mới nhất cho các thiết bị thông minh và giám sát chặt chẽ các hoạt động vui chơi của trẻ”.

Đây là những phát hiện được các chuyên gia của Kaspersky chia sẻ trong phiên thảo “Bảo vệ những người dễ bị tổn thương trong môi trường kỹ thuật số” tại Triển lãm công nghệ toàn cầu 2024 (Mobile World Congress).

Đội ngũ Kaspersky đã nhanh chóng báo cáo tất cả các lỗ hổng cho nhà sản xuất để được vá lại.

Để đảm bảo an toàn cho các thiết bị thông minh, các chuyên gia của Kaspersky đã đưa ra những lời khuyên sau:
• Thường xuyên cập nhật thiết bị công nghệ: Cập nhật phần mềm được lặp trình trên phần cứng của thiết bị điện tử (firmware) và phần mềm (software) cho tất cả các thiết bị được kết nối, bao gồm cả đồ chơi thông minh. Các bản cập nhật này thường chứa các bản vá bảo mật quan trọng để khắc phục các lỗ hổng.
• Nghiên cứu sản phẩm kỹ trước khi mua: Kiểm tra kỹ lưỡng về mức độ bảo mật và quyền riêng tư của nhà sản xuất trước khi mua đồ chơi thông minh hoặc bất kỳ thiết bị kết nối nào. Chọn thiết bị từ các thương hiệu uy tín, ưu tiên các thương hiệu chú trọng bảo mật và cung cấp các bản cập nhật thường xuyên.
• Thận trọng với việc trao quyền truy cập cho ứng dụng: Xem xét và giới hạn quyền truy cập của các ứng dụng di động cho các thiết bị thông minh. Chỉ cấp quyền truy cập cho các tính năng, dữ liệu và hạn chế cấp các đặc quyền không cần thiết.
• Tắt nguồn sản phẩm khi không sử dụng: Tắt nguồn đồ chơi thông minh khi không sử dụng để ngăn chặn việc rò rỉ dữ liệu. Nếu thiết bị có micrô, hãy cất giữ ở nơi khó tiếp cận, che hoặc hướng camera đi hướng khác khi không sử dụng.
• Sử dụng giải pháp bảo mật đáng tin cậy: Sử dụng giải pháp bảo mật tin cậy để giúp bảo vệ toàn bộ hệ sinh thái thiết bị thông minh của người dùng.

Đóng vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế, xu hướng số hóa của ngành ngân hàng được nhận định sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của quốc gia. Tuy nhiên, khi môi trường số trở nên phát triển, các cuộc tấn công mạng nhắm vào các tổ chức tài chính ngày càng gia tăng và những sự cố này phần lớn sẽ xảy ra trên không gian mạng.

Theo Kaspersky Security Bulletin 2023 Statistics, đã có 325.225 phần mềm độc hại, được thiết kế để chiếm đoạt tiền thông qua truy cập trực tuyến vào tài khoản ngân hàng. Các phần mềm độc hại này đã được Kaspersky phát hiện và ngăn chặn trong năm 2023, giảm tương đương 30% so với năm trước.

Trong báo cáo Crimeware and Financial Threats in 2024, các chuyên gia của Kaspersky cũng dự đoán về sự gia tăng trong việc khai thác các hệ thống thanh toán trực tiếp. Theo đó, tội phạm mạng sẽ khai thác các lỗ hổng trong phần mềm mã nguồn mở (open-source software) nhằm xâm phạm an ninh mạng của doanh nghiệp và điều này có khả năng dẫn đến rò rỉ dữ liệu và tổn thất tài chính. Do đó, các tổ chức tài chính phải nâng cao cảnh giác và tăng cường các giải pháp đảm bảo an ninh mạng.

“Cùng với sự tiện lợi, nỗ lực số hóa cũng dẫn đến những mối đe dọa tiềm năng cho các tác nhân độc hại xâm nhập vào hệ thống tài chính ngân hàng. Trước đây, chúng sử dụng các phương thức tấn công đơn giản, nhắm mục tiêu vào một số hệ thống thông tin nhất định; hiện nay, khi công nghệ tài chính tiến bộ, các ngân hàng đang ứng dụng công nghệ vào các dịch vụ, giải pháp toàn diện, mở thêm các cổng kết nối, tích hợp với các ứng dụng của bên thứ ba. Điều này vô hình chung đã tạo cơ hội cho tội phạm mạng thực hiện hành vi phá hoại hệ thống quan trọng. Chúng tôi kêu gọi các ngân hàng đề cao cảnh giác trước mối đe dọa này và không ngừng tăng cường an ninh mạng trong doanh nghiệp”, Ông Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Kaspersky cho biết.

Bên cạnh đó, công ty an ninh mạng này cũng tiết lộ một số nguyên nhân điển hình khiến dữ liệu người dùng bị rò rỉ:
• Hệ thống bảo mật ngân hàng: Các lỗ hổng trong hệ thống, ứng dụng hay chính sách bảo mật thông tin khách hàng của ngân hàng là một trong số những nguyên nhấn khiến tài khoản của người dùng dễ bị tin tặc tấn công.
• Đường dây mua bán dữ liệu người dùng: Kẻ lừa đảo trao đổi, buôn bán thông tin người dùng từ nhân viên ngân hàng, bao gồm số tài khoản, số CMND/CCCD, địa chỉ, số điện thoại… Theo tin tức, một đường dây buôn bán thông tin người dùng có quy mô lớn tại Việt Nam đã bị phát hiện với sự tiếp tay của nhân viên từ 13 ngân hàng trong năm 2023.
• Rò rỉ dữ liệu từ bên thứ ba: Các tổ chức tài chính thường tập trung đầu tư vào an ninh mạng để hạn chế hết mức có thể sự xâm phạm của các tác nhân độc hại. Do đó, các tác nhân này có xu hướng nhắm mục tiêu vào các công ty bên thứ ba để vượt qua các chương trình an ninh mạng, đánh cắp dữ liệu và thực hiện các hoạt động bất hợp pháp.

Liên quan đến thông tin nhạy cảm, báo cáo Kaspersky Security Bulletin (KSB) mới nhất tiết lộ rằng đã có 30% dữ liệu người dùng, như thông tin đăng nhập, thông tin tài chính và thông tin cá nhân, được rao bán trên darknet hàng tuần trong năm 2023. Các tác nhân độc hại sẽ khai thác những thông tin này để thực hiện những hành vi gian lận tài chính, đánh cắp danh tính và các hoạt động phạm pháp khác. Đầu tháng 2 tại Việt Nam, đã có trường hợp một người dùng Facebook báo cáo rằng dù không thực hiện bất kỳ giao dịch nào nhưng tài khoản ngân hàng trực tuyến, liên kết ví điện tử, của người dùng này vẫn tự động trừ 43 triệu đồng.

Bà Võ Dương Tú Diễm, Giám đốc Kaspersky khu vực Việt Nam, nhận xét: “Quả thực không có hệ thống nào là an toàn tuyệt đối, tuy nhiên, các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác đều tập trung đầu tư vào bảo mật thông tin để giảm khả năng các tác nhân độc hại xâm phạm vào hệ thống của các tổ chức. Hơn nữa, người dùng nên tránh cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc và gửi mã xác minh cho người khác trong quá trình giao dịch tiền, để những kẻ lừa đảo khó có thể truy cập vào tài khoản và chiếm đoạt tiền”.

Theo đó, Kaspersky cung cấp những lời khuyên sau để giúp người dùng giảm thiểu nguy cơ vi phạm dữ liệu:
• Hạn chế cài đặt các ứng dụng thay thế hoặc không rõ nguồn gốc; Vì các ứng dụng bên ngoài Google Play, Apple Store, chất lượng và mức độ an toàn không đảm bảo nên từ đó, tội phạm mạng có thể truy cập vào thiết bị của người dùng và đánh cắp dữ liệu, tiền bạc.
• Không chia sẻ mã xác minh với bất kỳ đối tượng nào vì hệ thống dịch vụ giao dịch sẽ mặc định các thao tác trên hệ thống là của người dùng.
• Kích hoạt thanh toán bằng sinh trắc học và Face ID để tăng mức độ bảo mật khi thực hiện giao dịch tiền.
• Bảo vệ tất cả các thiết bị công nghệ khi thực hiện giao dịch trực tuyến bằng giải pháp bảo mật đáng tin cậy, như Kaspersky Internet Security với tính năng Safe Money hoặc Kaspersky Premium, để bảo vệ người dùng ở bất kỳ nơi nào khi họ cung cấp thông tin chi tiết thẻ ngân hàng hoặc thanh toán trên Internet.

Ngày 18/3/2024, Tổng Công ty Viễn thông Viettel thông báo, toàn bộ khách hàng dùng Internet FTTH Viettel sẽ được trang bị miễn phí camera an ninh thế hệ mới nhất. Mỗi hợp đồng Internet được tặng miễn phí tối đa 02 camera trong nhà. Khách hàng có thể đổi sang camera ngoài trời nhưng cần đóng phí phụ thu 300.000đ/ 1 camera. Khách hàng sẽ được miễn phí lắp đặt camera đầu tiên (trị giá 150.000đ/camera) nếu đăng ký mới từ gói Internet SUN1 trở lên.

Chương trình tặng camera áp dụng với điều kiện khách hàng hòa mạng mới theo hình thức đóng cước trước (6 tháng trở lên) và cam kết dùng dịch vụ tối thiểu 24 tháng. Đối với khách hàng là thuê bao FTTH đang hoạt động cần đăng ký gói Cloud từ 40.000đ/camera/tháng (trong 24 tháng) để được hưởng ưu đãi.

Tính năng nổi bật của Camera Viettel là ứng dụng AI phân biệt người và vật, hình ảnh sắc nét nhờ công nghệ chuẩn nén H265, full HD 1080, tính năng gọi khẩn cấp SOS từ camera lên ứng dụng, tự động xoay 360 độ bám theo mọi chuyển động, tính năng đàm thoại 2 chiều.

Ngoài ra, dịch vụ Cloud Camera đi kèm giúp khách hàng lưu trữ (không giới hạn dung lượng) và xem lại (không giới hạn số lần) các đoạn video trên ứng dụng Viettel Home trong 7 ngày/15 ngày/30 ngày gần nhất với cước phí tương ứng là 40.000 đồng/ 60.000 đồng và 90.000 đồng. Đây là giải pháp tối ưu thay thế cho thẻ nhớ/đầu ghi và có tính ổn định, bảo mật cao, tránh rủi ro mất dữ liệu trong trường hợp hỏng/mất thẻ nhớ, đầu ghi hay thậm chí mất camera. Đặc biệt, giá cước dịch vụ Cloud Camera của Viettel được coi là rẻ nhất khu vực châu Á và chỉ bằng 1/3 gói dịch vụ tương tự của nhà cung cấp khác trên thị trường trong nước. Hơn nữa, Cloud camera Viettel bảo mật tuyệt đối nhờ đặt server tại Việt Nam, trong khi một số nhà cung cấp khác đặt server tại nước ngoài gây rủi ro về lộ lọt dữ liệu.

Nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dùng, Viettel phát triển mạng lưới phân phối rộng khắp, hỗ trợ khách hàng 24/7 trên toàn quốc. Đội ngũ kỹ thuật viên của Viettel sẽ trực tiếp lắp đặt và hướng dẫn sử dụng thiết bị tại nhà.

Để đăng ký dịch vụ và nhận ưu đãi, mời khách hàng liên hệ 18008168 (miễn phí) hoặc cửa hàng Viettel trên toàn quốc. Thông tin chi tiết về sản phẩm, dịch vụ Viettel, khách hàng truy cập http://viettel.vn/camera.

Chiều 19/3, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) thông báo đã chính thức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số đối với khối băng tần C2 (3700-3800 MHz) phục vụ cho chiến lược phát triển mạng 5G trên cả nước trong thời gian tới.

Băng tần 3700-3800 MHz là dải băng tần tầm trung đang được nhiều nhà mạng lớn trên thế giới tìm kiếm và sử dụng nhờ lợi thế về băng thông lớn, tốc độ mạnh, độ trễ thấp cùng chi phí đầu tư hiệu quả, đáp ứng được các mạng lưới 5G tiên tiến nhất hiện nay.

Với VNPT, việc trúng đấu giá khối băng tần C2 có ý nghĩa rất quan trọng, cho phép VNPT nhiều lựa chọn thiết bị mạng, chi phí triển khai mạng 5G hợp lý nhất, đáp ứng chiến lược triển khai mạng 5G (Vinaphone) tốc độ cao nhất tại Việt Nam. Cùng với dải băng tần 3.700 – 3.800 MHz, VNPT cũng đang sở hữu dải băng tần 1.800 MHz, đây sẽ là lợi thế lớn trong việc thúc đẩy mạng 5G trong thời gian tới, đồng thời tạo tiền đề cho việc phát triển mạng 6G trong tương lai.

Đại diện Tập đoàn VNPT cho biết, đấu giá băng tần là bước đầu theo quy định của Nhà nước về việc triển khai 5G tại Việt Nam. Sau khi trúng đấu giá băng tần 3.700 – 3.800 MHz, VNPT sẽ tích cực chuẩn bị để có thể sớm triển khai thương mại hóa 5G thành công. Đại diện VNPT cho biết thêm, để tăng cường hiệu quả triển khai 5G, VNPT sẽ triển khai mô hình hợp tác chia sẻ hạ tầng với nhà mạng trúng băng tần 3800-3900 MHz trong lần đấu giá lại sắp tới. Việc hợp tác này không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực của các nhà mạng mà còn đem lại cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất với dịch vụ 5G.

Trong thời gian qua, VNPT đã có sự chuẩn bị một cách kỹ lưỡng và bài bản chiến lược phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ số để có thể phát huy tối đa sức mạnh của 5G. Tập đoàn VNPT ưu tiên việc phát triển hạ tầng mạng 5G theo hướng nâng cao trải nghiệm của người dùng, đem đến tốc độ cao, dung lượng lớn, độ trễ thấp nhất mà vẫn tối ưu chi phí nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, gia tăng hiệu quả kinh doanh.

Theo Viện công nghệ Massachusetts (Mỹ), băng tần có tần số càng cao sẽ có băng thông lớn, tốc độ mạnh, độ trễ thấp và dung lượng cao, tuy nhiên sẽ bị hạn chế về độ phủ và dễ bị cản trở bởi các vật thể vật lý lớn như các tòa nhà và cây cối. Hiện, băng tần 5G trên thế giới đang được chia làm 4 nhóm gồm băng tần thấp (dưới 1.000 MHz), băng tần tầm trung 1 (1.000 – 2.600 MHz) và tầm trung 2 (3.500 – 7.000 MHz), cuối cùng là băng tần tầm cao (24.000 – 48.000MHz). Mỗi loại băng tần đều có các ưu điểm, nhược điểm khác nhau. Vì vậy, thực tế hầu hết các nhà mạng đều cố gắng sử dụng đồng thời nhiều loại băng tần khác nhau để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tối ưu chất lượng dịch vụ.

Doanh thu lĩnh vực an toàn thông tin mạng trong quý 1/2024 đạt 804 tỷ đồng, lợi nhuận 54 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ doanh thu sản phẩm nội địa so với nước ngoài đạt 46% và nộp ngân sách nhà nước 41 tỷ đồng…

Tại hội nghị giao ban Quản lý nhà nước quý 1/2024 với các Sở Thông tin và truyền thông ngày 11/3, báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, doanh thu lĩnh vực an toàn thông tin mạng ước đạt 804 tỷ đồng, tăng 46,8% so với cùng kỳ năm 2023 (548 tỷ đồng); tỷ lệ doanh thu sản phẩm nội địa so với nước ngoài đạt 46% và nộp ngân sách nhà nước ước đạt 41 tỷ đồng, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2023 (31,8 tỷ đồng).

Lợi nhuận đạt 54 tỷ đồng, tăng 22,72% so với cùng kỳ 2023 (44 tỷ đồng).

Ngoài ra, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng là 132, tăng 5% so với cùng kì năm 2023 (126 doanh nghiệp); Đồng thời, số lao động làm việc trong lĩnh vực này là 3.881 người, tăng 11,1% so với cùng kì năm 2023 (3.492 người).

Cũng trong quý 1/2024, số vụ tấn công mạng 1.812 cuộc, giảm 38% so với cùng kỳ 2023 (2.921 cuộc). Số IP botnet tính đến tháng 2/2024 là 432.437 địa chỉ, tăng 13% so với cùng kỳ tháng 2/2023 (382.606 địa chỉ).

Bên cạnh đó, tổng số chứng thư số công cộng đã cấp tính đến hết tháng 2/2024 là 7.916.979 chứng thư số tăng 34,26% so với cùng kỳ năm 2023 (là 5.896.657 chứng thư số); tổng số chứng thư số công cộng đang hoạt động tính đến tháng 2/2024 là 3.126.968 chứng thư số tăng 56,97% so với cùng kỳ năm 2023 (là 1.992.024 chứng thư số). Trong đó, số chứng thư số chuyên dùng Chính phủ đang hoạt động tính đến tháng 2/2024 là 695.268 chứng thư số tăng 29,6 % so với cùng kỳ năm 2022 (là 536.145 chứng thư số).

Về nhiệm vụ trọng tâm quý 2/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ xây dựng, ban hành Sổ tay Hướng dẫn bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; Xây dựng văn bản Hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin cấp bộ, tỉnh; Xây dựng văn bản bổ sung các chỉ tiêu an toàn thông tin tại Công văn 1552/BTTTT-THH về hướng dẫn kỹ thuật triển khai Đề án 06.

Đồng thời, Bộ cũng xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Chiến lược An toàn an ninh mạng quốc gia đến hết năm 2024; Xây dựng Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021 – 2025” đến hết năm 2024.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy; Xây dựng Thông tư về công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài; công nhận chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài.