Home Đời sống số Ưu tiên DN nội để xây dựng thành phố thông minh

Ưu tiên DN nội để xây dựng thành phố thông minh

0
Ưu tiên DN nội để xây dựng thành phố thông minh

Với định hướng của chính quyền TP.HCM trong năm 2017 là thúc đẩy xã hội hóa nhiều chương trình ứng dụng CNTT, kêu gọi sự tham gia của các DN, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã trực tiếp đặt hàng các vấn đề của thành phố với DN về các nội dung cải cách hành chính và xây dựng thành phố thông minh.

Ưu tiên DN nội để xây dựng thành phố thông minh

Cùng với sự thay đổi tích cực đang diễn ra từ trung ương đến thành phố, với tư duy hỗ trợ và đồng hành cùng DN của các cấp lãnh đạo hiện nay thì DN cũng sẽ có sự chuyển dịch và đầu tư nguồn lực để có thể tham gia các dự án CNTT của Thành phố, góp phần vào sự phát triển chung. Không chỉ có ngành CNTT mà DN của bất kỳ ngành nghề nào cũng cần được thông tin kịp thời và chính xác về nhu cầu, nguồn vốn đầu tư, cơ chế để DN có thể tham gia, được hỗ trợ, được tháo gỡ khó khăn kịp thời khi DN gặp khó khăn, vướng mắc.

TP.HCM vừa là thị trường, môi trường trải nghiệm cho các DN mạnh dạn ứng dụng các giải pháp CNTT. Tại hội nghị gặp gỡ đầu năm ngành Công nghệ thông tin – Viễn thông (CNTT-VT) năm 2017 do Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM tổ chức, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Thành phố sẽ phải đặt hàng các DN rất nhiều vấn đề ứng dụng khoa học kỹ thuật, CNTT để phát triển. Chính quyền Thành phố rất cần DN vì không có DN sẽ không có tăng trưởng kinh tế, không có phát triển. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Thành phố năm 2017 là 8,4%. Muốn đạt được chỉ tiêu này thì DN phải đóng vai trò then chốt. Lãnh đạo Thành phố kỳ vọng sự đóng góp của các DN CNTT.
Theo ông Tuyến, đề án đô thị thông minh mà TP.HCM đang xây dựng sẽ hướng đến việc ứng dụng CNTT để giải quyết những vấn đề nóng của thành phố như giao thông, chống ngập, nước thải, nông nghiệp công nghệ cao, an toàn vệ sinh thực phẩm,…

Ông Tuyến cũng nhấn mạnh, có rất nhiều giải pháp của các tập đoàn CNTT lớn của nước ngoài đã được giới thiệu. Nếu chọn lựa giữa DN, công ty tư vấn, chuyên gia trong nước và nước ngoài thì Thành phố sẽ ưu tiên chọn các giải pháp của DN trong nước. Việc hợp tác với DN Việt không chỉ là mong muốn của DN mà còn là mục tiêu chung của Thành phố.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, muốn xây dựng thành phố thông minh thì chính quyền Thành phố phải đóng vai trò chủ thể, hợp tác với DN, hiệp hội để cho ra một nền tảng kiến trúc và chuẩn kỹ thuật giao tiếp. Sau đó, công bố cho DN để họ dựa trên chuẩn đó mà phát triển giải pháp; tránh tình trạng phát triển ồ ạt, đầu tư tràn lan, thiếu sự kết nối và đồng bộ.

Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM cho biết, Sở đã trực tiếp đặt hàng với các DN về đề xuất các dự án cụ thể để triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025”, trong đó, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gắn với xây dựng chính quyền điện tử, các ứng dụng CNTT phục vụ người dân, DN và các vấn đề bức xúc liên quan đến an sinh cuộc sống của người dân. Cụ thể trong năm 2017, TP.HCM sẽ giao cho Sở Thông tin và Truyền thông lên kế hoạch để các DN CNTT có thể phối hợp với chính quyền các cấp, hợp tác giữa các DN CNTT giới thiệu các giải pháp xây dựng chính quyền điện tử để giải quyết các bài toán xử lý rác, giao thông, quản lý điện, nước thải… Những vấn đề này vừa là thách thức vừa là cơ hội để các DN tìm thị trường, hợp tác làm ăn.
Trong Quý 1/2017, TP.HCM sẽ hoàn chỉnh và thông qua đề án xây dựng đô thị thông minh. Trong đó, 10 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện khảo sát khi xây dựng đề án thành phố thông minh bao gồm: y tế, giao thông, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, cải cách hành chính, chỉnh trang đô thị, nguồn nhân lực, môi trường… Hiện, đang bắt đầu triển khai khảo sát dữ liệu ở các sở ban ngành để xây dựng trung tâm dữ liệu dùng chung cho toàn Thành phố, trước mắt là dữ liệu về DN và dân cư.

Trong Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, các DN CNTT-VT cũng kiến nghị thành phố hỗ trợ ưu đãi thuế cho doanh nghiệp, hỗ trợ công tác xúc tiến quảng bá sản phẩm phần mềm ra nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp CNTT-VT khởi nghiệp và đổi mới tạo ra các sản phẩm và dịch vụ CNTT đáp ứng nhu cầu phát triển của TP.HCM cũng như nhu cầu của thị trường thế giới.

Ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc công ty TNHH DV TV Thuế Trọng Tín, hội viên YBA, đề xuất: Phía các DN hoạt động trong lĩnh vực CNTT cũng nên đầu tư vào các phần mềm quản lý DN như quản lý công việc, quản lý nhân sự để phục vụ tốt hơn nhu cầu của mình. Bởi thực tế những phần mềm nước ngoài với chi phí rất cao lại chưa phù hợp với đặc thù, con người và mô hình kinh doanh của các DN Việt.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y Tế đề xuất các doanh nghiệp hợp tác cùng nhau để xây dựng giải pháp bệnh án điện tử; Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) nêu ý định lập chợ thông minh. Trong cái chợ này phải có sàn giao dịch CNTT để các công ty có thể biểu diễn, trình diễn các ý tưởng với nhau. Tại hội nghị gặp gỡ đầu năm ngành CNTT-VT, một số giải pháp được các DN giới thiệu như: Ứng dụng máy bay không người lái Drone nhằm thu thập và xử lý dữ liệu liên quan đến quản lý lưu lượng xe, giám sát nước và nước thải, xe tự lái,… (Liên minh các doanh nghiệp phát triển gia công phần mềm Việt Nam – VNITO); VNPT TP.HCM cũng giới thiệu các giải pháp một cửa điện tử (VNPT-iGate), giải pháp quản lý, điều hành văn bản (VNPT-iOffice), cổng thông tin điện tử (Vn Portal), dịch vụ chữ ký số (VNPT-CA), Y tế thông minh (VNPT-HIS); Quản lý thu gom vận chuyển rác (Công ty TNHH tư vấn CNTT P.A.T); Số hóa tài liệu DOCPro (Công ty FSI);…

NO COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here