Home Công nghệ số Xây dựng smart city cần phối hợp giữa công nghệ và quản...

Xây dựng smart city cần phối hợp giữa công nghệ và quản trị

0

Xây dựng thành phố thông minh “Smart City” đang trở thành một trào lưu của các đô thị trên thế giới và Việt Nam cũng đang bước đầu tiếp cận. Chúng ta đã và đang chứng kiến sự thay đổi trong tổ chức đi lại, cung cấp năng lượng, phân phối hàng hóa, quản lý cơ sở hạ tầng và cung cấp năng lượng, giám sát môi trường, bảo đảm an ninh, bảo vệ tài nguyên, và cung cấp dịch vụ công ở khu vực đô thị…

Smart City có thể hiểu đây là nơi ứng dụng gia tăng hiệu quả mạng lưới dịch vụ truyền thống bằng công nghệ số hóa và thông tin truyền thông phục vụ đời sống và kinh doanh hướng đến sáng tạo cạnh tranh và bền vững. Trên quan điểm này, thành phố thông minh là nơi biết cách đầu tư thích đáng để trở thành nơi ứng dụng tốt công nghệ để giải quyết các vấn đề đô thị. Các vấn đề hiện nay được chia theo lĩnh vực gồm nền kinh tế thông minh, đi lại thông minh, cư dân thông minh, môi trường thông minh, quản lý đô thị thông minh và cuộc sống thông minh… Cuộc sống đang đang thay đổi từ cách giao tiếp (Skype, Facebook Messenger), tìm kiếm và học hỏi (Google, Wikipedia), mua sắm và phân phối (Amazon, Alibaba), đi lại (Uber, Grab, và Didi Chuxing), và cách ở (Air Bnb). Năng lực mới do công nghệ đem lại như điện toán đám mây, kết nối và đo lường trực tuyến, xử lý dữ liệu quy mô lớn khi ứng dụng công nghệ tin học – truyền thông, nhận dạng, công nghệ số, di động, và internet vạn vật (IoT) giúp thành phố xây dựng các chiến lược thích ứng mới nhằm tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và năng lượng, nâng cao khả năng ứng phó và chống chịu với thách thức, phối hợp giải quyết các vấn đề ở quy mô lớn hơn, toàn diện hơn, và kịp thời hơn.

Tại Hội thảo QD.TEK Technology Day 2017 với chủ đề Smart City Infrastructure diễn ra ngày 17/8/2017, ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Công nghệ FPT Information System, cho biết: Xu hướng toàn cầu đô thị hóa đang phát triển rất nhanh. Đến năm 2050, 70% dân số sống trong các đô thị, thành phố lớn. Ở Việt Nam, hiện có khoảng 30% người dân sống trong các đô thị. Việt Nam cũng như các quốc gia đang phát triển có tốc độ tăng trưởng nhanh (quốc gia mới nổi) thì tốc độ đô thị hóa rất cao. Dự báo đến năm 2050, 50-60% dân số Việt Nam sẽ sống trong các đô thị. Do đó, cuộc cạnh tranh không chỉ diễn ra ở các quốc gia mà còn ở trong từng khu đô thị. Quốc gia nào sở hữu nhiều đô thị có nhiều tiện ích phục vụ người dân, tiềm lực kinh tế thì quốc gia đó rất mạnh. Và bên cạnh những đô thị lớn mạnh như thế sẽ có cả một chuỗi các vùng, khu vực lân cận tạo thành chuỗi cluster và dần hình thành Mega City. Mega City là một thành phố được định nghĩa trên 8 triệu dân, và nền kinh tế vào khoảng 250 tỷ USD. Thành phố Hồ Chí Minh rất có tiềm năng trở thành một Mega City vào năm 2030.

“Khó có thể nói thành phố thông minh sẽ gồm các đặc điểm nào do khả năng mở rộng không ngừng của các ứng dụng công nghệ. Chúng ta đã chứng kiến thay đổi trong tổ chức đi lại, cung cấp năng lượng, phân phối hàng hóa, quản lý cơ sở hạ tầng và cung cấp năng lượng, giám sát môi trường, bảo đảm an ninh, bảo vệ tài nguyên, và cung cấp dịch vụ công ở khu vực đô thị… Có thể hiểu đây là ‘nơi ứng dụng gia tăng hiệu quả mạng lưới dịch vụ truyền thống bằng công nghệ số hóa và thông tin truyền thông phục vụ đời sống và kinh doanh hướng đến sáng tạo cạnh tranh và bền vững’. Trên quan điểm này, thành phố thông minh là nơi biết cách đầu tư thích đáng để trở thành ‘nơi ứng dụng tốt công nghệ để giải quyết các vấn đề đô thị’. Các vấn đề hiện nay được chia theo lĩnh vực gồm nền kinh tế thông minh, đi lại thông minh, cư dân thông minh, môi trường thông minh, quản lý đô thị thông minh và cuộc sống thông minh”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, mỗi thành phố/quốc gia có chiến lược riêng phụ thuộc bối cảnh phát triển. Các nước đã phát triển xây dựng thành phố thông minh trong giai đoạn hậu đô thị hóa. New York, Barcelona, London, Amsterdam, Munich, Tokyo… cần thông minh hơn để đối mặt thách thức dân số già, biến đổi khí hậu, an ninh và duy trì vị thế cạnh tranh. Mỗi thành phố lại có ưu tiên riêng đáp ứng khả năng cạnh tranh trên thế mạnh của mình. Một số quốc gia có đủ nguồn lực và điều kiện phát triển thí điểm các thành phố mới có tính biểu tượng như Songdo – Hàn Quốc hay Singapore. Các nền kinh tế mới nổi có tiềm lực đầu tư quy mô lớn như Trung Quốc – 285 dự án thử nghiệm tại trên 100 thành phố, Ấn độ – xây dựng dự án ở 100 thành phố. Các quốc gia khác cũng thí điểm xây dựng mới như Malaysia có Putrajaya, và Tiểu vương quốc Arập thống nhất là Dubai. Tuy nhiên, dường như các dự án xây mới có quy mô dùng làm ‘biểu tượng’ có chi phí đầu tư lớn và phù hợp với nhóm cư dân ‘ưu tú’ có khả năng chi trả cao. Việc nhân rộng phụ thuộc vào tiềm lực kinh tế.

Còn ông Magnus Zederfeldt, Giám đốc Cấp cao khu vực châu Á Thái Bình Dương Tập đoàn Axis Communications cho biết: Thành phố thông minh là sự kết hợp chặt chẽ giữa công nghệ và quản trị bao gồm cả thể chế. Dưới góc độ xã hội, lợi ích lớn nhất khi phát triển thành phố thông minh là “giúp tạo ra sự phối hợp hành động để đối mặt với thách thức ở cấp độ lớn hơn”. Đây là kết quả của phương thức quản trị mới khi phát huy ứng dụng công nghệ mới. Mục tiêu của phối hợp hành động là phát huy tốt hơn nguồn lực con người, nguồn lực xã hội cùng với sức mạnh công nghệ để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, bền vững hơn.

Ông Đặng Thạch Quân, Giám đốc Công ty Phân phối Công nghệ Quang Dũng (QD.TEK), chia sẻ: “Nền tảng của thành phố ‘thông minh’ là cách thức chia sẻ và hợp tác nên có thể bắt đầu bằng tìm cơ chế để các bên mở các kho dữ liệu để chia sẻ và kết nối phối hợp với nhau. Tất nhiên các nền tảng của công nghệ như hạ tầng viễn thông, chất lượng cảm biến, hệ thống đo lường, các trung tâm thu thập phân tích và xử lý dữ liệu lớn (big data)… cần được khai thác hiệu quả, minh bạch. Trong đó, hạ tầng truyền dẫn qua mạng cáp cho đến vô tuyến, từ hệ thống an ninh vật lý cho đến hạ tầng điện đóng một vai trò quan trọng. Tất cả đều kết nối và bổ trợ cho nhau để tạo nên một hạ tầng vững chắc cho các ứng dụng (cơ sở nền tảng cho các công ty khởi nghiệp về công nghệ cung cấp dịch vụ) góp phần làm thành phố thông minh hơn.

Báo cáo của World Bank năm 2016, bối cảnh phát triển của các thành phố ở Việt Nam có tốc độ đô thị hóa nhanh và xuất phát điểm thấp. Nếu như các nước phát triển tìm cách làm mới thành phố của họ trong khuôn khổ hạ tầng đã ổn định thì Việt Nam còn nhiều cơ hội để xây dựng mới bởi Việt Nam mới đi được nửa chặng đường đô thị hóa (35%/70%).

Dự báo trong những thập kỷ tới, tốc độ này vẫn được duy trì và tập trung ở các vùng đô thị lớn, các đô thị loại 1 và 2, đô thị gắn với khu kinh tế mở, các đô thị nghỉ dưỡng, đô thị cửa khẩu. Bên cạnh một số điều kiện khách quan thuận lợi là không ít khó khăn. Dân số thành thị trẻ, năng động, độ phủ internet cao, tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh cùng xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng… Tuy nhiên, World Bank cũng khuyến cáo: Tốc độ đô thị hóa nhanh trong bối cảnh năng suất lao động thấp, khả năng tạo việc làm phi nông nghiệp ổn định ở thành phố là những khó khăn trước mắt.

Bên cạnh đó, nợ công cao và tiềm lực kinh tế còn hạn chế, và năng lực quản trị quốc gia còn hạn chế là những thách thức lâu dài cần làm rõ khi lựa chọn chiến lược đầu tư cho thành phố thông minh. Hiện trạng phát triển đô thị cho thấy nhiều vấn đề cần giải quyết. Những vấn đề nổi bật về phát triển đô thị bao gồm tắc nghẽn, ô nhiễm, thiếu nhà ở tại các thành phố lớn…

Ngoài ra, việc khó phối hợp trong quản lý có mối quan hệ chặt chẽ với việc thiếu nền tảng để tích hợp quy hoạch và quản lý. Mỗi cơ quan chuyên ngành (kế hoạch đầu tư, quy hoạch, xây dựng, tài nguyên – môi trường, giao thông vận tải và phòng cháy chữa cháy) sử dụng cơ sở dữ liệu riêng không dễ dàng chia sẻ, chưa kết nối trực tuyến. Tổ chức quản lý phát triển chủ yếu làm theo quy trình tuần tự dẫn tới tác động liên ngành khó được xử lý, gây trở ngại cho sự phát triển. Chẳng hạn, Thành phố Hồ Chí Minh nơi đang cần giải quyết tắc đường và ngập lụt cần sớm bổ sung công cụ đánh giá tác động giao thông (Traffic Impact Assessment) để cung cấp thêm cơ sở duy trì khả năng vận hành của hệ thống giao thông. Vấn đề ngập lụt cần bổ sung các công cụ tính toán tài chính để khuyến khích khả năng chống chịu và giảm gánh nặng ngân sách.

Previous articleLazada khuyến mãi mua sắm trực tuyến nhân dịp Quốc Khánh
Next articleOppo khai trương Brand shop tại Crescent Mall Quận 7

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here