Tại hội nghị Quản lý Bệnh viện châu Á (HMA – Hospital Management of Asia) lần thứ 15 được tổ chức trong hai ngày 7-8/9/2016 ở TP.HCM, các diễn giả đều cho rằng cải tiến chất lượng dịch vụ; an toàn cho người bệnh; cải tiến hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị y tế; phát triển nguồn nhân lực; đổi mới công tác quản trị bệnh viện và ứng dụng CNTT… là yêu cầu cần thiết và cấp bách.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 1.300 bệnh viện, 250.000 giường bệnh; mỗi năm có hơn 150 triệu ca người bệnh ngoại trú và 15 triệu ca người bệnh nội trú, 3 triệu ca phẫu thuật và tình trạng xuống cấp về cơ sở vật chất ở một số bệnh viện, cũng như việc quản lý thủ tục chưa thống nhất, chưa khoa học đã gây ít nhiều phiền toái, lãng phí và mất nhiều thời gian cho người bệnh.
Mặc dù đã cố gắng và đạt được một số thành tích ban đầu nhưng ngành y tế Việt Nam còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức và còn học hỏi nhiều từ các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới. Mục tiêu của HMA 2016 là chia sẻ những hiểu biết, kỹ năng và đưa ra lời khuyên thiết thực với các nhà quản lý bệnh viện ở châu Á.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cho biết: Chính phủ Việt Nam đặt ưu tiên rất cao vào việc thúc đẩy các chương trình phúc lợi xã hội; Ưu tiên đầu tư lĩnh vực chăm sóc sức khỏe làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Một trong những nền tảng của chính sách Việt Nam là hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực y tế. Bộ Y tế đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện cho các cơ sở khám chữa bệnh trên cơ sở cập nhật kinh nghiệm của quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam; Xây dựng kế hoạch quốc gia về cải tiến chất lượng bệnh viện; cải tiến chất lượng xét nghiệm; Cải cách thủ tục hành chính giảm sự phiền hà với người bệnh; Xây dựng đường dây nóng để lắng nghe ý kiến phản hồi của người bệnh để chỉ đạo xử lý kịp thời; Từng bước xây dựng hệ thống đánh giá và công nhận chất lượng bệnh viện độc lập.
Ông Johan Vooren, Tổng Giám đốc mảng Health System của Philips tại khu vực Đông Nam Á, nhấn mạnh: Là một trong những quốc gia có dân số lão hóa nhanh nhất trong khu vực châu Á, dân số già tại Việt Nam vào khoảng 9,5 triệu người. Ước tính đến năm 2050, dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng gấp ba lần, lên 32 triệu người, chiếm hơn 30% tổng dân số, so với chỉ 8,9% hiện nay. Tuy nhiên, hệ thống y tế ở Việt Nam cũng đang chịu áp lực rất lớn với mật độ 1,19 bác sĩ trên 1.000 dân số. Sự phổ biến của các bệnh không lây nhiễm cũng góp phần tạo thêm gánh nặng cho hệ thống y tế vốn đã quá tải. Bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam với 23,9% đến từ các ca đột quỵ và 7,75 % đến từ các ca mắc bệnh tim mạch vành, tính trên tổng số trường hợp tử vong. Trước thực trạng đó, người dân khó có điều kiện tiếp cận các giải pháp chăm sóc sức khỏe chất lượng tốt.
“Tại khắp nơi trên thế giới, con người luôn muốn kiểm soát tốt tình trạng sức khỏe cá nhân, và các công nghệ kỹ thuật số đang cho phép họ thực hiện điều đó. Danh mục các sản phẩm và giải pháp của Philips trong 2 lĩnh vực Hệ thống y tế (Health Systems) và Chăm sóc sức khỏe cá nhân (Personal Health) trải rộng khắp các giai đoạn của quá trình chăm sóc sức khỏe liên tục, giúp mọi người xây dựng một lối sống lành mạnh để ngăn ngừa bệnh tật, bao gồm: cho phép mọi người quản lý tình trạng sức khỏe của chính họ; Chẩn đoán ngay từ lần đầu tiên; Điều trị hiệu quả; Chăm sóc tại nhà. Hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe toàn diện, Philips là một trong những đơn vị tiên phong trong các giải pháp Chụp cộng hưởng từ (MRI), siêu âm và công nghệ cải thiện chất lượng giấc ngủ”, ông Johan Vooren nói.
Trong khuôn khổ buổi hội thảo, Microsoft đã giới thiệu giải pháp Microsoft Health Innovation Lab, một sáng kiến chuyển đổi nhằm kết nối với bệnh nhân chặt chẽ hơn, trao quyền cho đội ngũ chăm sóc, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động khám chữa bệnh cũng như chuyển đổi công tác chăm sóc theo hướng ưu việt hơn. Một số các giải pháp như CLAS Healthcare, Clinic To Cloud, MedCubes, Proskriptive, Silverline và Vital Images sẽ được tích hợp để cung cấp những hệ thống y tế tiên tiến, phù hợp với các nhu cầu tương lai đặc thù của Việt Nam. Những giải pháp CNTT – TT này được cung cấp bởi các nhà phát triển ứng dụng thuộc Microsoft Health Innovation Lab tại Việt Nam, được thành lập bởi CEVA (CLAS Expara Vietnam Accelerator) và Microsoft. Microsoft Health Innovation Lab mang đến một hệ sinh thái gồm các đối tác trong ngành như các công ty địa phương và toàn cầu về y tế kỹ thuật số, các công ty y sinh đa quốc gia, các học viện cũng như các nhà đầu tư, giúp kết nối và chuyển đổi kỹ thuật số cho các bệnh viện và cơ sở y tế một cách tối ưu.
Theo Ông Callum Bir, Giám đốc khối Chăm sóc sức khỏe và Y tế Microsoft châu Á – Thái Bình Dương, việc sử dụng các thiết bị Internet vạn vật (IoT) để lấy số đo sức khỏe, các nhân viên chăm sóc có thể theo dõi bệnh nhân ngoài các bệnh viện và phòng khám, giúp các cơ sở y tế mở rộng quyền truy cập cho những bệnh nhân cần chăm sóc sức khỏe dù ở thành phố, vùng sâu vùng xa, hay tại gia với chi phí tổng thể thấp hơn. Điều này không chỉ giúp mở rộng và củng cố khả năng hợp tác giữa chuyên gia y tế với nhau, hay bác sĩ, y tá với bệnh nhân, mà còn giúp mở rộng tiếp cận tới các thông tin an toàn, thông tin hành động cho chuyên gia y tế có thẩm quyền, giúp họ đưa ra thông báo và quyết định sáng suốt nhanh hơn. Bên cạnh đó, phân tích dữ liệu dựa trên nền tảng đám mây có thể xác định khi nào các số đo vượt ngưỡng chấp nhận được, từ đó nhân viên chăm sóc có thể liên hệ với bệnh nhân để đưa ra các hành động khắc phục trước khi vấn đề trở nên quan trọng đến mức phải nhập viện.
Bác sỹ đại diện một bệnh viện trong nước chia sẻ: Quyết tâm đổi mới chất lượng dịch vụ của ngành y tế là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, cần phải có cơ chế hỗ trợ nhập khẩu các trang thiết bị máy móc, đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng giải pháp CNTT và tiêu chí đấu thầu cần minh bạch hơn nữa thì giảm bớt chi phí cho bệnh viện.
Ngoài ra, khi kết nối cá nhân, hạ tầng bệnh viện và các hệ thống tạo nên hệ sinh thái chăm sóc bệnh nhân, bệnh viện sẽ nâng cao chất lượng sức khỏe và tạo điều kiện cho nhiều người Việt tới khám bệnh hơn. Những giải pháp này sẽ chuyển đổi và nâng cao chất lượng tổng thể của việc chăm sóc trong nước, đồng nghĩa với việc mở rộng tiếp cận chăm sóc sức khỏe, trong khi có thể giảm thiểu việc thăm khám không cần thiết ở bệnh viện và các phòng khám. Microsoft đang nỗ lực để mỗi cá nhân, mỗi tổ chức chăm sóc sức khỏe đạt hiệu quả cao hơn nhờ chuyển đổi kỹ thuật số.
Trong khuôn khổ HMA 2016, những giải pháp và dịch vụ mới nhất để phục vụ công cuộc chuyển đổi sang kỹ thuật số, hiện đại hóa bệnh viện, quản lý rủi ro, nâng cao sự an toàn của bệnh nhân, hội chẩn bằng hình ảnh 3D trước khi phẫu thuật và tăng năng suất… của các nước như Hàn Quốc, Singapore, Úc, Malaysia, Thái Lan cũng được các bệnh viện châu Á quan tâm và chia sẻ kinh nghiệm.