Sự xuất hiện của tiền ảo tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức trong việc kiểm soát dòng tiền, rủi ro phát sinh trong thanh toán và an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Tiền mã hóa/tiền ảo là loại tiền kỹ thuật số được thiết lập trên nền tảng công nghệ chuỗi khối (blockchain), vận hành trên một cuốn sổ cái phân tán (distributed ledger), một bảng ghi tất cả các giao dịch được cập nhật và lưu trữ bởi các thành viên tham gia hệ thống, cho phép người dùng thực hiện các giao dịch thanh toán an toàn và lưu trữ loại tiền này một cách ẩn danh và không thông qua một bên trung gian thứ ba.
Tại Hội thảo “Một số vấn đề về tiền điện tử, tiền ảo và ứng dụng điện toán đám mây” vừa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Microsoft tổ chức tại Hà Nội. Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ Trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Sự xuất hiện của đồng tiền điện tử, tiền ảo đã tạo ra nhiều cơ hội, thách thức trong việc kiểm soát dòng tiền, rủi ro phát sinh trong thanh toán và an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, nhất là trước xu hướng các hoạt động tài chính ứng dụng công nghệ của các tổ chức không phải là ngân hàng (non-bank) đang phát triển rất mạnh. Đây chính là bài toán khó của các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách.
Theo đại diện Microsoft, 3 nội dung quan trọng đó là những xu hướng về tiền ảo đối với các Ngân hàng Trung Ương; Ứng dụng công nghệ blockchain trong lĩnh vực thanh toán và Những thay đổi số hóa thông qua công nghệ điện toán đám mây.
Khảo sát của Trung tâm nghiên cứu thuộc Đại học Cambrigde (Anh) đối với các Ngân hàng Trung ương trên thế giới cho thấy hiện có đến 82% các ngân hàng mong muốn ứng dụng công nghệ Blockchain trong việc kiểm soát tiền ảo/tiền mã hóa; 55% các ngân hàng ứng dụng Blockchain trong lĩnh vực thanh toán… Đồng thời, đại diện Microsoft cũng trình bày một số sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại mà Microsoft đang nghiên cứu và phát triển, cũng như đưa ra những khuyến nghị cho Ngân hàng Nhà nước trong việc ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin hiện đại vào hoạt động ngân hàng.
Cũng cách đây chưa lâu, nhóm nghiên cứu Anti-Malware của Kaspersky Lab vừa xác định được hai botnet trên các máy tính bị nhiễm phần mềm độc hại và chúng cài đặt âm thầm những phần mềm đào tiền ảo hợp pháp được sử dụng để tạo tiền ảo (“mine”) dựa trên công nghệ blockchain.
Trong một trường hợp, các chuyên gia an ninh mạng vừa xác định được hai botnet trên các máy tính bị nhiễm phần mềm độc hại. Tội phạm mạng đang bí mật cài đặt những phần mềm đào tiền ảo trên hàng ngàn máy tính cá nhân.
Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia Kaspersky Lab cũng cho thấy, đằng sau các botnet mới được phát hiện, các tội phạm phân phối phần mềm khai thác với sự trợ giúp của các chương trình phần mềm adware mà nạn nhân đang cài đặt tự nguyện. Sau khi chương trình adware được cài đặt trên máy tính của nạn nhân nó tải về một thành phần độc hại trình cài đặt đào tiền.
Thành phần này cài đặt phần mềm khai thác tiền ảo và ngoài ra, thực hiện một số hoạt động để đảm bảo rằng phần mềm này hoạt động càng lâu càng tốt. Các hoạt động này cụ thể là cố gắng vô hiệu hóa phần mềm bảo mật; Theo dõi tất cả các ứng dụng khởi chạy và đình chỉ các hoạt động của riêng chúng nếu một chương trình giám sát các hoạt động hệ thống hoặc quá trình điều khiển được bắt đầu. Đồng thời, đảm bảo bản sao của phần mềm đào tiền ảo luôn có mặt trên ổ cứng và khôi phục lại nếu nó bị xóa.