Home Tin tức Điện thoại và linh kiện xuất khẩu đạt 4 tỷ USD, 91,32...

Điện thoại và linh kiện xuất khẩu đạt 4 tỷ USD, 91,32 triệu người dùng smartphone

0
Điện thoại Galaxy S22 series vừa ra mắt.

Điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 4 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng kim ngạch xuất khẩu và giảm 34,4% so với cùng kỳ năm trước…

ĐIỆN THOẠI, LINH KIỆN XUẤT KHẨU ĐẠT 4 TỶ USD

Theo số liệu được Tổng cục Hải quan công bố ngày 10/2, kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2022 sơ bộ đạt 30,84 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu tháng sơ bộ đạt 29,45 tỷ USD, tăng 11,3%. Cán cân thương mại tháng 1/2022 xuất siêu 1,39 tỷ USD.

Đáng chú ý, trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 63,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 4 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 34,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 3,5 tỷ USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước; hàng dệt may và may mặt đạt 3,3 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục có dấu hiệu phục hồi khi thời gian làm việc trong tháng 1/2022 ngắn do rơi vào kỳ nghỉ Tết Âm lịch nhưng các chỉ số vẫn tăng trưởng khả quan.

91,32 TRIỆU NGƯỜI DÙNG SMARTPHONE

Tại Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước tháng 1/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, tháng 1/2022 là tháng cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán, doanh thu, sản lượng của lĩnh vực tăng trưởng khoảng 30% so với cùng kỳ 2021.

Cụ thể, doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 11,496 nghìn tỷ, tăng 3% so với cùng kỳ 2021. Ngoài ra, số thuê bao điện thoại smartphone đạt 91,32 triệu (chiếm 72,6% số thuê bao điện thoại di động), tăng 1,01% so với cùng kỳ 2021.

Ngoài ra, số thuê bao băng rộng cố định hộ gia đình là 18,66 triệu, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước chiếm 68% hộ gia đình; Ứng dụng công nghệ thông tin tính đến ngày 20/1/2022, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện đưa lên mức độ 4 là 96,74% và 63/63 địa phương hoàn thành kết nối thử nghiệm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác dịch vụ xác thực thông tin công dân phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Trong đó, 54/63 tỉnh, thành phố xây dựng, cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử, phiên bản 2.0 và 54/63 tỉnh, thành phố xây dựng Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2021-2025; 52/63 tỉnh, thành phố xây dựng ban hành Chương trình/Kế hoạch chuyển đổi số.

Về lĩnh vực an toàn thông tin mạng trong tháng 1/2022, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT) thuộc Cục An toàn thông tin đã ghi nhận và hướng dẫn khắc phục 1.383 sự cố tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam (197 cuộc Phishing, 125 cuộc Deface, 1.061 cuộc Malware), tăng 10,29% so với tháng 12/2021; Số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng botnet là 879.342 địa chỉ, giảm 9,29% so với tháng 12/2021.

Được biết, tổng số chứng thư số công cộng đã cấp tháng 1/2022 là 4.581.000, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2021 (4.014.701); Tổng số chứng thư số công cộng đang hoạt động tháng 1/2022: 1.690.000 chứng thư số, tăng 7,03 % so với cùng kỳ năm 2021 (1.578.959).

Cũng trong tháng 1/2022, tổng doanh thu công nghiệp ICT ước đạt 222.762 tỷ đồng (khoảng 9,6 tỷ USD) giảm khoảng 23% so với cùng kỳ 2021. Số lượng thuê bao truyền hình trả tiền đạt 16,4 triệu thuê bao, tăng 1,2% so với cùng kỳ 2021 (16,2 triệu). Số lượng Mạng xã hội Việt Nam được cấp phép đạt 854, tăng 12% so với cùng kỳ 2021; số lượng tài khoản người dùng các trang mạng xã hội Việt Nam đạt 97 triệu, tăng 6,6% so với cùng kỳ 2021.

Previous articleFPT Shop trao tặng 500 triệu đồng cho Đội tuyển Bóng đá Nữ Việt Nam
Next articleZalo là ứng dụng liên lạc hàng đầu của người Việt

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here