Các kênh thanh toán trung gian đang góp phần hoàn thiện cho quy trình kinh doanh thương mại điện tử, thúc đẩy các dịch vụ tài chính cá nhân, dịch vụ tiện ích công ngày càng phát triển. Vai trò của trung gian thanh toán ngày càng được chú trọng khi Ngân hàng Nhà nước khuyến khích thúc đẩy dịch vụ này, từ một vài ví điện tử thí điểm năm 2008 đến nay đã có gần 20 ví được cấp phép hoạt động chính thức.
Việt Nam có tỷ lệ người truy cập Internet hiện chiếm khoảng 45% dân số, tương đương 41 triệu người; hơn 125 triệu thuê bao di động với khoảng 95 triệu dân, là một thị trường tiềm năng cho việc kinh doanh trực tuyến nói chung và dịch vụ thanh toán nói riêng, tạo đà cho sự khởi sắc của xu hướng mua sắm và thanh toán điện tử.
Theo số liệu của Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối quý 2.2016, tổng số lượng thẻ ngân hàng phát hành đã đạt hơn 106 triệu. Số liệu của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng cho thấy, số người có thực hiện thanh toán trực tuyến khi mua hàng qua mạng đã tăng từ 14% của năm 2013 lên 48% năm 2015. Những dữ liệu thị trường này đang tạo ra cơ hội và lợi thế lớn hơn cho các đơn vị đảm đương vai trò trung gian thanh toán, có thể cạnh tranh để đưa ra những dịch vụ tiện ích nhất thu hút người tiêu dùng.
Báo cáo từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho thấy, việc chi trả trực tuyến qua thẻ tín dụng, ví điện tử ngày càng tăng. Đặc biệt dịch vụ công nghệ đang ngày càng phổ cập, ý thức thanh toán trực tuyến trong cộng đồng tăng nhanh đã thúc đẩy các kênh dịch vụ tiện ích như điện, nước, Internet… cho đến các khoản vay tài chính được trả qua kênh thanh toán trung gian tăng khá nhanh. Mặt khác, nhu cầu booking các loại vé như vé máy bay, vé tàu xe, giải trí phim ảnh và mua sắm du lịch phát triển nhanh đã kéo theo các dịch vụ thanh toán ngày càng phải tiện lợi, nhanh chóng và an toàn.
Theo ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng giám đốc VietUnion – chủ quản ví điện tử Payoo, để người dùng tiếp cận với kênh thanh toán trung gian thì nhà cung cấp buộc phải đưa ra những tiện ích đa dạng và dễ dàng nhất. Với tầm nhìn này, Payoo liên tục thúc đẩy hệ thống kênh kết nối, thông qua ví điện tử của họ hiện để có thể thanh toán tất cả các loại hóa đơn điện, nước, truyền hình, điện thoại, internet, vay – trả góp, bảo hiểm, thẻ tín dụng, vé tàu xe, máy bay… với hơn 100 loại hóa đơn thanh toán khác nhau.
Ông Lĩnh cho biết, để khách hàng có thể thanh toán bất cứ lúc nào, mọi lúc mọi nơi, Payoo đã kết nối thanh toán đến hơn 4.000 điểm bán lẻ trên cả nước thông qua tất cả các chuỗi siêu thị lớn, các chuỗi cửa hàng điện máy… Đặc biệt qua chuỗi cửa hàng tiện ích 24/7 như B’smart, Circle K, FamilyMart, Ministop, VinMart, Guardian… khách hàng có thể thanh toán các khoản tiền điện, nước, vay tiêu dùng, trả góp bất cứ thời điểm nào kể cả ngoài giờ hành chính. Mạng lưới liên kết rộng lớn này đã đưa tổng giá trị giao dịch qua Payoo lên hơn 1 tỉ USD/năm và tăng trưởng vài lần so với năm trước. “Tuy nhiên con số này còn rất nhỏ bé so với tổng quy mô thị trường thanh toán và vẫn còn rất xa so với kỳ vọng của Payoo”, ông Lĩnh chia sẻ.
Là nhà sử dụng kênh thanh toán trung gian, theo ông Lê Đức Thuần – Giám đốc ngành dịch vụ FPT Shop, trong hai năm trở lại đây số lượng khách hàng đến FPT Shop thanh toán cước phí tăng nhanh, ở những thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM mỗi cửa hàng có hàng trăm lượt khách hàng đến thanh toán mỗi ngày. Việc sử dụng kênh thanh toán trung gian, theo ông Thuần, bởi các tiện ích công nghệ nói chung và dịch vụ thu hộ cước phí nói riêng đang đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi nhà bán lẻ, đặc biệt lĩnh vực bán lẻ hàng công nghệ như FPT Shop. “Thay vì phải đi nhiều lần đến từng điểm thu tiền của từng nhà cung cấp, FPT Shop kết nối với kênh thanh toán trung gian Payoo, theo đó họ chỉ cần đến thanh toán tất cả các loại hóa đơn chỉ với một lần tại một điểm duy nhất”, ông Thuần cho biết.
Tương tự, theo bà Vũ Hà My, Trưởng phòng Quản lý thương hiệu và Tiếp thị chiến lược FE Credit, FE Credit chọn Payoo làm đối tác thanh toán khoản vay để thông qua mạng lưới cửa hàng tiện ích trên cả nước cung cấp nhiều sự lựa chọn cho khách hàng. “Kênh thanh toán trung gian góp phần mang đến sự thuận tiện và chuyên nghiệp cho khách hàng, nhờ đó đưa lượng thanh toán qua giao dịch trực tuyến tăng lên”, theo bà My.
Cuối năm 2015, diễn đàn phát triển thanh toán điện tử Việt Nam đã đưa ra 10 kiến nghị đối với Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Ngân hàng Nhà nước những chính sách nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử. Theo đó các kiến nghị Bộ Tài chính có chính sách khuyến khích và có lộ trình tiến tới thanh toán điện tử với các khoản thuế từ 2018; ưu đãi thuế giá trị gia tăng cho hàng hoá và dịch vụ mua sắm trực tuyến được thanh toán điện tử. Đồng thời kiến nghị Bộ Công Thương đưa ra quy định về tiêu chuẩn/điều kiện đối với các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ theo hướng sẵn sàng thanh toán thẻ để hỗ trợ khách hàng mua sắm, chi tiêu trực tuyến thuận lợi… Tất cả những động thái này sẽ tạo nền tảng mạnh mẽ hơn cho thanh toán trực tuyến nói chung và thanh toán trung gian nói riêng phát triển đột phá trong thời gian tới.