TP.HCM hiện có khoảng 124 doanh nghiệp có quỹ phát triển khoa học công nghệ với số vốn hơn 4.000 tỷ đồng và đã giải ngân hơn 1.200 tỷ đồng…
Tại Hội nghị triển khai các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.HCM năm 2023 diễn ra ngày 9/3, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM Nguyễn Việt Dũng, cho biết: Năm 2022, Việt Nam có 71 thương vụ công bố gọi vốn thành công với 727 triệu USD. Trong đó, TP.HCM có 45 thương vụ, thu hút được 591 triệu USD, chiếm 80% lượng vốn thu hút vào startup trên cả nước, phần lớn tập trung vào lĩnh vực Fintech.
LIÊN KẾT QUỐC TẾ, KÊU GỌI NGUỒN VỐN TỪ NƯỚC NGOÀI
Hiện nay, có khoảng 200 quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam, bao gồm 40 quỹ nội địa. Trên địa bàn Thành phố có 124 doanh nghiệp có quỹ phát triển khoa học công nghệ với số vốn lên đến hơn 4.000 tỷ đồng và đã giải ngân hơn 1.200 tỷ đồng. TP.HCM cũng là địa phương có số doanh nghiệp công nghệ nhiều nhất cả nước, với 111 doanh nghiệp.
Trong 5 năm gần đây, TP.HCM liên tục tổ chức các cuộc thi về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đã thu hút hơn 2.000 dự án tham gia. Bên cạnh đó, khoảng 250 dự án được lựa chọn vào các chương trình ươm tạo vườn ươm. Theo thống kê, có 61 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình SpeedUP dưới hình thức thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ thông qua các vườn ươm và trung tâm khởi nghiệp. Các hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.HCM đang tập trung vào huấn luyện, đào tạo; kết nối liên kết hệ sinh thái; ươm tạo các dự án khởi nghiệp…
Tuy nhiên, theo ông Dũng, số vốn thu hút đầu tư cho các startup vẫn rất thấp. Chẳng hạn như Ấn Độ cách đây vài năm mà họ đã thu hút 13 tỷ USD vốn đầu tư cho các dự án khởi nghiệp chỉ trong một quý.
Do đó, Sở Khoa học và Công nghệ cũng đang hướng đến các chương trình liên kết quốc tế nhằm kêu gọi nguồn vốn nước ngoài cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước như chương trình hợp tác với cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chương trình tập huấn cho cộng đồng startup giải quyết những thách thức thường gặp của Israel.
ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI SÁNG TẠO KHU VỰC CÔNG
Năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục tham mưu xây dựng cho Thành phố các chính sách thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong khu vực công. Đối với những vấn đề đã có sản phẩm, giải pháp công nghệ thì Thành phố sẽ mời gọi các startup triển khai. Với những vấn đề Thành phố đang đặt hàng nhưng chưa có sản phẩm, dịch vụ phù hợp thì sẽ đặt hàng và lựa chọn đơn vị thực hiện.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, nhiều công ty công nghệ lớn đang sa thải lao động, đã tác động nhất định đến thị trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên toàn cầu. Do đó, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ cũng đề nghị cộng đồng khởi nghiệp trong nước tìm ra những cơ hội, tích cực đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo khu vực công.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM Nguyễn Việt Dũng cho rằng, nhiều vấn đề trong khu vực công đang rất cần doanh nghiệp tham gia giải quyết bằng các giải pháp công nghệ. Thị trường đổi mới sáng tạo khu vực công rất lớn nhưng các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ ít nhìn vào thị trường này.
Để thu hút các dự án đầu tư cho đổi mới sáng tạo khu vực công, Sở Khoa học và công nghệ cũng đang tham mưu cho Thành phố thực hiện cơ chế ưu đãi về thuế, miễn thuế, giảm thuế thu nhập cá nhân cho các thành phần chủ chốt trong hệ sinh thái.
Được biết năm 2022, TP.HCM chính thức triển khai chương trình đổi mới sáng tạo trong khu vực công, kêu gọi các giải pháp, ý tưởng cải thiện hoạt động quản trị nhà nước trong lĩnh vực công và đã có 3 đơn vị là Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Cục Thuế TP.HCM triển khai tìm kiếm giải pháp từ cộng đồng khởi nghiệp vào công tác quản lý, quản trị điều hành. Thành phố đã đặt hàng triển khai 134 nhiệm vụ khoa học công nghệ. Trên 60% là các nhiệm vụ ứng dụng trực tiếp tại các sở, ngành, quận, huyện, chủ yếu là chương trình nghiên cứu phục vụ quản lý và phát triển đô thị.
Đối với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, TP.HCM có các nhóm chính sách tập trung vào hoạt động tập huấn, huấn luyện nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của cộng đồng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; ươm tạo cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua hỗ trợ các cuộc thi, chương trình tuyển chọn từ các vườn ươm; chương trình SpeedUp. Thành phố ưu tiên cho các chương trình chuyển đổi số, AI, y tế và giáo dục và các nhiệm vụ triển khai dưới 12 tháng.
Đồng thời, Thành phố cũng có nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất chất lượng, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường khoa học công nghệ. Sở Khoa học và Công nghệ cũng đang quản lý 4 nền tảng trực tuyến nhằm đào tạo, huấn luyện nâng cao năng suất chất lượng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; một sàn giao dịch khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tập trung những công nghệ, thiết bị muốn chuyển giao của các đơn vị trong và ngoài nước và nền tảng triển lãm trực tuyến giới thiệu sản phẩm của các startup.
Phát động giải thưởng I-Star năm 2023
Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TPHCM (I-Star) năm 2023 nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp của Thành phố. Đặc biệt, các giải pháp giải quyết các vấn đề mà Thành phố đang rất quan tâm như: xây dựng hạ tầng số để thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số, cải cách hành chính và quản trị đô thị hiện đại, y tế và giáo dục thông minh, các giải pháp công nghệ cho thành phố thông minh, giải pháp ứng dụng công nghệ Blockchain, AI…
Đối tượng tham dự Giải thưởng I-Star 2023 gồm 4 nhóm: các doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; các giải pháp đổi mới sáng tạo; các tác phẩm báo chí truyền thông về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; các cá nhân, tổ chức khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo có đóng góp tích cực cho cộng đồng.
Lễ công bố kết quả và trao giải thưởng sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TPHCM 2023 (WHISE 2023). Toàn bộ bài dự thi Giải thưởng I-Star 2023 sẽ được Ban tổ chức đăng tải công khai và cập nhật tại https://doimoisangtao.vn/giaithuong2023