Đánh dấu sự hỗ trợ của Qualcomm đối với người dùng thương hiệu Việt, Q-mobile lần đầu tiên giới thiệu một loạt smartphone dùng hệ điều hành Windows Phone 8.1. Dịp này, Khám Phá Mobile Review đã trò chuyện với ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam và Đông Dương.
Ông có thể cho biết chi tiết quá trình hợp tác để đưa chipset Qualcomm vào sản phẩm của Q-mobile?
Để ra mắt smartphone mới không đơn giản, trung bình nhà phát triển phần cứng sẽ mất trên một năm và không thể làm nhanh được hơn. Cụ thể, từ việc định nghĩa sản phẩm, thiết kế, thống nhất về cấu hình, tính năng, sau đó chọn nền tảng phần cứng, tiếp đến là nền tảng phần mềm, rồi đến giai đoạn tùy biến các chọn lựa (vì khi chọn hệ điều hành Android hay Windows Phone cho smartphone thì cần rất nhiều giai đoạn tùy chỉnh), những ứng dụng tích hợp…
Ví dụ khi vào Việt Nam hay bất kỳ thị trường nào khác, nhà sản xuất phải tìm hiểu khả năng tương thích với mạng, băng tần, Việt hóa những tính năng trên điện thoại và còn rất nhiều tính năng khác phải tùy chỉnh. Tuy nhiên, chương trình thiết kế tham chiếu Qualcomm (Qualcomm Reference Design – QRD) đã giúp cho các nhà sản xuất rút ngắn thời gian phát triển sản phẩm từ trên 1 năm xuống còn 2 – 3 tháng. Các thiết kế tham chiếu của Qualcomm có sẵn các phần mềm giúp các nhà thiết kế điện thoại có thể chọn ngay trên thiết bị. Nhưng khi chọn thiết kế tham chiếu rồi, vẫn phải làm định nghĩa sản phẩm về mặt ý tưởng. Với thiết kế tham chiếu, các nhà sản xuất điện thoại vẫn có thể thay đổi kích thước màn hình, RAM, bộ nhớ trong, camera chọn như thế nào tùy theo nhu cầu thị trường, sau đó là tùy chỉnh cho hệ điều hành. Cuối cùng, mới đi vào giai đoạn sản xuất đại trà.
Sau Viettel, Qmobile, Qualcomm sẽ có hợp tác với những thương hiệu nào tại Việt Nam?
Sản phẩm Q-Smart thương hiệu Việt Nam đầu tiên sử dụng hệ điều hành Windows Phone không chỉ tại Việt Nam mà còn là đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á, Thái Bình Dương. Lý do Việt Nam là một trong 10 nước hàng đầu trên thế giới ứng dụng Windows Phone, cho thấy Windows Phone đã phát triển rất mạnh tại Việt Nam. Qualcomm cùng với Qmobile và Microsoft hợp tác cùng nhau trong nhiều tháng để ra mắt sản phẩm này. Qualcomm rất vui mừng và cho rằng đây là thị trường rất tiềm năng, phát triển nhanh và là sân chơi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia. Có thể nói chương trình hợp tác với Qmobile và Microsoft để ra mắt điện thoại Q-Smart Windows Phone nằm trong chương trình chung của Qualcomm trên toàn cầu.
Sẽ không ngạc nhiên nếu thương hiệu Việt Nam khác cũng sẽ đưa ra thị trường những điện thoại smartphone chạy bằng hệ điều hành Windows Phone. Vì đây là thị trường khá thú vị ở 2 điểm. Thứ nhất là thị trường phát triển nhanh và khá lớn. Hàng triệu điện thoại Windows Phone sẽ được cung cấp ra thị trường trong thời gian tới. Thư hai, chính là sự hỗ trợ đặc biệt từ Microsoft. Tôi cho rằng Windows Phone là nền tảng đầy tiềm năng mà các công ty sẽ phải quan tâm.
Qualcomm đánh giá như thế nào về tính sáng tạo qua dòng sản phẩm của nhà sản xuất so với tham chiếu Qualcomm đưa ra?
Có rất nhiều những lĩnh vực khác nhau của điện thoại đi động mà nhà sản xuất có thể đưa sự sáng tạo của mình vào. Bắt đầu từ việc chọn tùy chỉnh cho hệ điều hành đến giao diện người dùng (User Interface – UI). UI là phần rất quan trọng vì hiện Android là nền tảng chung, mỗi hãng đều có UI khác nhau. Đưa UI phù hợp thị trường người dùng Việt Nam là điều quan trọng, tạo nên sự khác biệt của điện thoại.
Nhà sản xuất đã sử dụng thiết kế tham chiếu của Qualcomm, chọn hệ điều hành Windows Phone 8.1 của Microsoft, nhưng việc tùy chọn UI là quan trọng. Ngoài ra, họ có thể đưa sáng tạo vào đó là cài đặt lại hoặc tùy chọn những app có sẵn trên điện thoại. Việc mua điện thoại thông minh rồi vào Google store, vào Microsoft App store để download app về rất đơn giản. Nhưng đối với hơn ba mươi triệu người Việt Nam đang dùng điện thoại di động phổ thông (feature phone) thì việc đó không đơn giản. Rất nhiều khảo sát do Qualcomm thực hiện cho thấy rằng, người dùng điện thoại phổ thông chuyển sang sử dụng smartphone một cách thoải mái là điều không dễ dàng.
Về quy trình kiểm chuẩn để gắn logo Qualcomm, các nhà sản xuất điện thoại phải gửi qua trung tâm kiểm định của Qualcomm ở Bắc Kinh 4 mẫu để làm các bài kiểm tra về phần cứng và tính tối ưu tương thích của hệ điều hành. Nếu các cả đều đạt yêu cầu thì Qualcomm đồng ý ký hợp đồng “đồng thương hiệu” (Co-branding).
Công nghệ tăng tốc wifi mới của Qualcomm vừa phát triển đã sẵn sàng trên các dòng sản phẩm như thế nào, thưa ông?
Qualcomm không chỉ làm chipset, mà là công ty nghiên cứu tất cả liên quan đến di động. Mọi người biết đến Qualcomm là biết đến 3G, phần wifi là phần rất lớn trong Qualcomm, biểu hiện là cách đây vài năm Qualcomm mua lại Atheros, một trong những công ty hàng đầu thế giới về wifi hiện nay. Công nghệ wifi cũng phát triển liên tục, tốc độ tăng rất nhiều và được tích hợp vào Snapdragon. Công nghệ mới nhất là 802.11 a/c hỗ trợ MIMO tức là hỗ trợ nhiều kênh chuyển tiếp cùng lúc, truyền dữ liệu trên nhiều sóng cùng một lúc để tăng tốc độ trao đổi dữ liệu trên wifi. Những chipset cao cấp của Qualcomm đã tích hợp wifi chuẩn 802.11 a/c gồm có Snapdragon 800, và một số chip thuộc dòng Snapdragon 600. Hầu hết tất cả Snapdragon của Qualcomm đều tích hợp wifi mới.
Qualcomm có làm với nhà mạng Việt Nam để hợp tác thử nghiệm mạng 4G ở Việt Nam chưa?
Về 4G, các nhà mạng Việt Nam đã làm thử nghiệm rồi. Qualcomm cũng tham gia tư vấn trong vài năm qua về mặt công nghệ, băng tần, nhưng mới chỉ là thử nghiệm. Công nghệ 4G khác với 3G. 3G thì có 3-4 băng tần, trên thế giới thì khá chuẩn. Còn 4G thì có đến 30-40 băng tần khác nhau, có nhiều công nghệ khác nhau. Ví dụ như HDP (High Density Packaging), DPD (Digital Pre-Distortion)… Vai trò Qualcomm là tư vấn để các nhà mạng có chiến lược, còn thử nghiệm thì dẫn đến việc chọn thiết bị hạ tầng, băng tần, công nghệ và tuân thủ theo quy định nhà nước cho cấp giấy phép ở băng tần nào, công nghệ nào… đó cũng là chiến lược khá lớn.
Hiện nay có khoảng 300 mạng trên thế giới ra mắt 4G trên hơn 100 nước, có 500 mạng đang thử nghiệm. Khi 4G trở thành xu hướng chung của thế giới, các quốc gia nếu cũng phát triển theo xu hướng chung này thì người dân sẽ có lợi. Các thiết bị hạ tầng, GPS, xây dựng mạng sẽ rẻ đi rất nhiều, nội dung 4G nhiều hơn, khi đấy xem phim HD trên smartphone không còn là mơ ước. 4G có rất nhiều ứng dụng khác như xem TV trên 4G, thay vì TV phải có box phát qua đường dây thì chất lượng không cao thì giờ có thể phát qua 4G. 4G bắt đầu có thể đưa ra một số mô hình kinh doanh mới cho các ngành công nghiệp khác như ôtô. Và hiện tại rất nhiều hãng lớn trên thế giới bán xe có hệ thống 4G, tất cả người ngồi trên đó có thể truy cập wifi khi xe chạy hơn 100km/h, mỗi xe đều có ứng dụng thông tin giải trí (infotainment) kết nối 4G.
Trong năm nay, Qualcomm tập trung phát triển đưa những dòng chip giá rẻ cho thị trường?
Qualcomm nổi tiếng về các con chip cao cấp. Về mặt chiến lược, Qualcomm nhận thấy tiềm năng thị trường smartphone giá rẻ là rất lớn. Không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil có mức sống cũng không cao vì thế phân khúc chiếm nhiều nhất vẫn là phân khúc giá từ 100-200 USD. Đây là phân khúc mà các hãng điện thoại bán được nhiều nhất. Và tôi cũng không ngạc nhiên nếu trong thời gian tới xuất hiện nhiều điện thoại dưới 100 USD, và thị phần cũng tăng rất nhanh. Vì thế chiến lược sản phẩm, Qualcomm có Snapdragon 800, 600, 400, 200, trong đó Snapdragon 200 chính là đáp ứng phân khúc đó. Mọi người biết đến Q-mobile bán rất nhiều ở thị trường Việt Nam, những smartphone được bán nhiều nhất hiện nay ở phân khúc giá thấp là dùng Qualcomm Snapdragon 200. Qualcomm liên tục đầu tư chip Snapdragon 200, giờ là 8212 quad core và 8210 là dual core. Sang năm, sẽ có những con chip mới nằm trong phân khúc giá rẻ để các nhà sản xuất điện thoại có thể đưa ra những điện thoại giá rẻ cho thị trường mới nổi như Việt Nam.
Về mặt chipset, Qualcomm đã bắt đầu sản xuất hàng loạt, tức là ở giai đoạn thương mại hóa, cho cả Snapdragon 805 và Snapdragon 410. Chúng ta sẽ thấy điện thoại ở phân khúc LTE 4G giá thấp trung bình dựa trên Snapdragon 410 và 805, nếu không vào nửa cuối năm nay thì sẽ là nửa đầu năm sau.
Trân trọng cám ơn và kính chúc ông sức khỏe!