Thị trường thiết bị đeo thông minh (wearable) như vòng tay theo dõi sức khỏe hay đồng hồ thông minh, đang có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, hiện vẫn không có nhiều người dùng tại Việt Nam sở hữu những chiếc đồng hồ thông minh. Lí do lớn nhất là giá thành sản phẩm và nhu cầu người dùng.
Theo một báo cáo do Công ty Dữ liệu quốc tế (IDC) công bố ngày 2/3, tính riêng trong 3 tháng cuối năm 2016, doanh số bán các thiết bị đeo thông minh trên toàn cầu đã đạt 33,9 triệu chiếc, đồng thời tăng 25% lên 102,4 triệu chiếc trong cả năm. Các thiết bị này có thể được sử dụng phục vụ những mục đích đơn giản như theo dõi người đeo đi được bao xa cho đến tổng hợp các dữ liệu sức khỏe chi tiết hơn và thậm chí có thể phục vụ nhu cầu kết nối giữa mọi người thay vì chỉ phụ thuộc vào điện thoại thông minh.
Cụ thể, thương hiệu Fitbit tiếp tục thống lĩnh thị trường thiết bị đeo thông minh khi nắm giữ 19,2% thị phần trong quý cuối cùng của năm 2016. Apple Watch đã bán tới 4.600.000 đơn vị, tăng 13% và giúp Apple nắm vị trí thứ ba thị trường thiết bị đeo với 13.6% thị phần. Nhưng bất chấp sự tăng trưởng của Apple, Xiaomi đã nắm vị trí thứ 2 thị trường thiết bị đeo với tăng trưởng 96,2% trong quý vừa qua và xuất xưởng 5,2 triệu đơn vị thiết bị, chiếm 15,2% thị phần. Tăng trưởng của Apple và Xiaomi đã khiến cho thương hiệu dẫn đầu thị trường Fitbit giảm 22,7% thị phần với chỉ 6,5 triệu đơn vị bán ra so với 8,4 triệu đơn vị trong năm trước. Theo sau 3 thương hiệu trên là hãng Garmin xếp vị trí thứ 4 và hãng Samsung xếp vị trí thứ 5.
Báo cáo nhận định thị trường tiềm năng này đang tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh các thiết bị thông minh ngày càng hiện đại, trở thành những công cụ đa chức năng tiện dụng. Ngày càng nhiều công ty và tập đoàn mới, trong đó có các công ty thời trang hay chuyên về các sản phẩm đặc biệt khác, đang tấn công vào thị trường thiết bị đeo đầy tiềm năng này nhằm cạnh tranh với những “ông lớn” như Apple, Google hay Samsung. Sự xuất hiện của nhiều đối thủ mới với những thế mạnh trong các lĩnh vực khác nhau đã mở ra triển vọng tích cực đối với thị trường thiết bị đeo thông minh trong tương lai.
Tuy nhiên, hiện vẫn không có nhiều người dùng tại Việt Nam sở hữu những chiếc đồng hồ thông minh. Lí do lớn nhất khiến các thiết bị đeo thông minh không được ưa chuộng ở Việt Nam là giá thành sản phẩm và nhu cầu người dùng. Hiện tại, giá của một chiếc smartwatch vẫn khá cao, ngang ngửa hoặc hơn cả giá của smartphone tầm trung. Trong khi đó, smartphone hiện tại đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho công việc cũng như cuộc sống của người dùng. Tại Việt Nam, các thiết bị đeo hiện đang bán chạy chủ yếu là các mẫu vòng đeo tay thông minh, theo dõi sức khoẻ như Mi Band 2 hay IWown I5 Plus vì mức giá khá rẻ, chỉ từ khoảng 300 đến 500 nghìn đồng. Ngoài ra, đối tượng người mua vòng đeo tay thông minh hoặc smartwatch cũng chủ yếu là những người yêu thích công nghệ, người dùng smartphone trẻ. Ngoài những tính năng như xem nhanh thông báo mà không cần điện thoại hay theo dõi sức khoẻ, đo nhịp tim, đếm số bước đi bộ, smartwatch vẫn chưa có thêm tính năng gì độc đáo có thể cuốn hút người mua.
Rõ ràng các thiết bị đeo thông minh cần nhiều bước tiến đột phá hơn nếu muốn cải thiện tình hình hiện tại. Các nhà sản xuất nên trang bị và cải tiến thêm nhiều tính năng trên smartwatch của họ để hấp dẫn người mua.