Thế Giới Di Động cho biết sẽ mở chuỗi cửa hàng bách hóa, bán đường, sữa, bột giặt, dầu gội… và các mặt hàng tươi sống như thịt, rau, trái cây…
Với các mặt hàng nhu yếu phẩm như trên, chuỗi cửa hàng mới của Thế Giới Di Động sẽ nhắm vào khách hàng đang mua hàng tại các tiệm tạp hóa và chợ truyền thống, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động Trần Kinh Doanh trả lời ICTnews cho biết.
Theo mô tả của ông Doanh, có thể hình dung chuỗi cửa hàng mới của Thế Giới Di Động sẽ giống như các cửa hàng Coop Food (của Coop Mart), Satrafoods (Tổng công ty thương mại Sài Gòn), hay như New Chợ trước đây (của BigC).
Một siêu thị Thế Giới Di Động chuyên kinh doanh hàng công nghệ – Ảnh: Thegioididong.com
Trước đó, trong đại hội cổ đông thường niên hôm 26/8/2015, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (MWG) công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị thông qua kế hoạch kinh doanh thử nghiệm chuỗi bán lẻ mới, là chuỗi cửa hàng bách hóa ông Doanh vừa đề cập.
Thế Giới Di Động là nhà bán lẻ thiết bị công nghệ như điện thoại di động, máy tính bảng, laptop, kinh doanh SIM và thẻ cào, phụ kiện dành cho các thiết bị công nghệ,… Nói trong buổi gặp gỡ các nhà đầu tư hôm 7/8/2015, ông Nguyễn Đức Tài – đồng sáng lập kiêm chủ tịch hội đồng quản trị Thế Giới Di Động – cho biết nhà bán lẻ này đang dẫn đầu thị phần bán lẻ điện thoại di động, chiếm 30% thị phần cả nước, trong khi hệ thống xếp thứ hai là FPT Shop chỉ chiếm 10% thị phần. Công ty cổ phần Thế Giới Di Động còn sở hữu hệ thống Điện máy Xanh với 37 siêu thị đến thời điểm viết bài này, dẫn đầu số lượng siêu thị điện máy so với các đối thủ, và chiếm 5% thị phần điện máy sau Nguyễn Kim, Điện máy Chợ Lớn. Cũng trong hôm 7/8, ông Tài cho biết 7 tháng đầu năm 2015, MWG đạt doanh thu 12.893 tỷ đồng.
Là ‘ngôi sao’ trong lĩnh vực bán lẻ hàng công nghệ nhưng khi Thế Giới Di Động quyết định mở chuỗi cửa hàng bách hóa tiêu dùng – một lĩnh vực mới hoàn toàn – khiến nhiều người ngạc nhiên.
Nói về tiềm năng của lĩnh vực kinh doanh mới, ông Trần Kinh Doanh cho biết các chợ và hiệu tạp hóa đang chiếm đến 85% thị phần hàng tiêu dùng thiết yếu. Chuỗi mới của Thế Giới Di Động sẽ nhắm đến khách hàng đang tiêu tiền vào khu vực này.
Ông Doanh cho biết thế mạnh của chuỗi cửa hàng mới là độ phủ rộng khắp, rất thuận tiện cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, mặc dù ngành kinh doanh mới không có sự tương đồng về sản phẩm với mặt hàng mà Thế Giới Di Động đang kinh doanh, nhưng có sự tương đồng vì cùng là hoạt động bán lẻ.
Tuy vậy, ông Doanh thừa nhận rằng gần như 100% công việc kinh doanh mới hoàn toàn mới lạ so với việc kinh doanh hàng công nghệ. Tổng giám đốc Thế Giới Di Động cho biết có điều chuyển một vài nhân sự hiện tại của công ty sang kinh doanh lĩnh vực mới, điều này đồng nghĩa với việc hầu hết nhân sự cho chuỗi mới đều được tuyển thêm từ bên ngoài. Về cơ sở vật chất và mặt bằng kinh doanh, ông Doanh chia sẻ, hầu như không tận dụng được gì từ những thứ hiện có mà phải đầu tư mới hoàn toàn.
Trong khi Điện máy Xanh đã mở được 37 cửa hàng phủ khắp TP.HCM và cả nước thì chuỗi bách hóa tiêu dùng mới của Thế Giới Di Động dường như đi theo một hướng rất khác. Ông Trần Kinh Doanh cho biết 30-50 cửa hàng đầu tiên trong năm 2015 sẽ chỉ tập trung ở một địa bàn rất nhỏ trong một quận ở TP.HCM. Như vậy có thể thấy chuỗi cửa hàng mới sẽ có độ phủ rất dày đặc, gần như tương đương với các cửa hàng bách hóa nhỏ lẻ hiện nay.
Điều này dễ dàng được minh chứng khi ông Doanh nói thêm, Thế Giới Di Động kỳ vọng mở được 6.000-8.000 cửa hàng vào năm 2018 đến 2020, chiếm khoảng 10-15% thị phần. Số lượng cửa hàng như vậy là rất lớn nếu so với hệ thống cửa hàng Thế Giới Di Động hiện nay ‘chỉ khoảng’ 400 cửa hàng nhưng hầu như đi đâu cũng gặp.
Với sự tham gia của Thế Giới Di Động, lĩnh vực bán lẻ hàng tiêu dùng hẳn sẽ nóng lên vì thị trường này đang có sự tham gia của các đơn vị giàu truyền thống như Coop Mart, Satra, Vissan, hay các đơn vị có yếu tố nước ngoài như BigC, Lotte Mart, Aeon, hay như Vingroup,… Với diện tích 150 – 400 m2 mỗi cửa hàng, chuỗi cửa hàng mới của Thế Giới Di Động có thể sẽ là mối đe dọa cho các cửa hàng hiện tại như Coop Food, Satrafoods, Vissan, C Express, Citimart…
Ông Trần Kinh Doanh cho biết công ty vẫn chưa thống nhất tên mới cho chuỗi cửa hàng bách hóa tiêu dùng sắp mở.