Home Công nghệ số Smart city: Ứng dụng IoT trong lĩnh vực tự động hoá

Smart city: Ứng dụng IoT trong lĩnh vực tự động hoá

0

Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa tại Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ và cả nước đang hướng đến một nền kinh tế thông minh. Những xu hướng này là cơ hội lớn cho các tập đoàn công nghệ, công ty hoạt động trong lĩnh vực tự động hoá đưa ra các giải pháp để có thể kết nối cho thành phố thông minh (smart city) cũng như ứng dụng trong công nghiệp 4.0.

Kết nối qua nền tảng Internet vạn vật (Internet of things – IoT) là một trong những lĩnh vực chiến lược của các tập đoàn công nghệ, tự động hóa. Tại hội thảo “Giải pháp kết nối cho thành phố thông minh và ứng dụng trong công nghiệp 4.0” do tập đoàn Bosch tổ chức ngày 27/6/2017 tại TPHCM, nhiều công nghệ tiên tiến nhắm đến thị trường Việt Nam qua các giải pháp kết nối, đặc biệt là trong lĩnh vực smart city.

Theo các chuyên gia công nghệ, vấn nạn kẹt xe tại các đô thị lớn, đặc biệt là TP.HCM đang rất nan giải. Do đó, giải pháp quản lý giao thông, gồm: quản lý bãi đỗ xe thông minh (Intelligent Parking Management), quản lý giao thông thông minh (Intelligent Traffic Management), thiết bị hỗ trợ Retrofit e-Call… giúp đỗ xe dễ dàng hơn, tối ưu hóa hiệu suất các bãi đỗ xe và đảm bảo an toàn giao thông cho cả cơ quan điều phối giao thông cũng như người điều khiển phương tiện giao thông đặc biệt được quan tâm. Ngoài ra, còn có các giải pháp quản lý cảng biển và sân bay. Các giải pháp công nghệ này giúp tối ưu hóa năng suất, hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn và tổn thất nhờ cải tiến trong giám sát trực quan, có thể theo dõi dòng lưu chuyển và đám đông của người và phương tiện. Trong số các công nghệ được Bosch giới thiệu ở trên có giải pháp cảm biến Transport Data Logger có thể theo dõi quá trình bốc dỡ và vận chuyển các mặt hàng dễ hư hỏng.

Bên cạnh đó, còn có giải pháp thông minh dành cho các khu thương mại như hệ thống phân tích bán lẻ, hệ thống giám sát tải không xâm nhập (Non-Intrusive Load Monitoring System) giúp tăng cường an ninh về người và tài sản, cũng như tối ưu hóa mức độ tiêu thụ năng lượng; Khu dân cư thông minh: Kết nối các thiết bị gia dụng “nhà ở thông minh” trong tương lai. Các giải pháp như báo cháy, đồng hồ nước thông minh chạy bằng nước (Water-powered Smart Water Meter) và hệ thống theo dõi vi khí hậu (Micro Climate Monitoring System) giúp tăng cường an ninh và an toàn cho cư dân, tối đa hóa hiệu quả tiêu thụ nước và cảnh báo người dùng về mức độ ô nhiễm không khí xung quanh.

Tất cả những giải pháp trên không nằm ngoài xu hướng Công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra một cách mạnh mẽ trên toàn cầu thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)… Đó cũng chính là quá trình chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số.

Ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Bosch Việt Nam, cho biết: “Kết nối quá trình sản xuất để tinh gọn quy trình, đồng thời nâng cao năng suất. Trong đó, có các thiết bị kết nối trong công nghiệp, máy móc được trang bị cảm biến của Bosch và hệ thống huấn luyện cơ điện tử dạng module mMS4.0 phù hợp với các trường đại học, cao đẳng khối kỹ thuật hay các trung tâm đào tạo nghề; Xu hướng công nghệ trong công nghiệp: Lĩnh vực này ghi nhận mức tăng doanh số ấn tượng so với năm trước cũng như đạt kỷ lục về doanh số ở bộ phận truyền động và điều khiển. Các dự án của khối này tập trung vào giải pháp cho ngành công nghiệp ô tô, các cơ sở đào tạo, cũng như giúp khách hàng từng bước đưa ứng dụng của Công nghiệp 4.0 vào trong hoạt động sản xuất, theo dõi, quản lý và tổ chức một cách thông minh hơn”.

Cũng theo ông Huệ, ngành hàng hệ thống an ninh của Bosch ghi nhận mức tăng trưởng hai con số ở các sản phẩm chủ lực như hệ thống video giám sát, hệ thống âm thanh hội nghị, hệ thống cảnh báo cháy, hệ thống quản lý ra vào tòa nhà và hệ thống âm thanh biểu diễn chuyên nghiệp. Các giải pháp và công nghệ của bộ phận hệ thống an ninh góp phần bảo đảm an toàn về người, tài sản và phương tiện cho các dự án và trụ sở quan trọng như Đại học Quốc gia Hà Nội, khu căn hộ Masteri Thảo Điền, Hệ thống giám sát giao thông trên Đại lộ Võ Văn Kiệt, trụ sở Văn phòng Chính phủ, Tòa nhà German House, phòng họp APEC 2017,… Đối với hàng tiêu dùng, lĩnh vực này cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ từ bộ phận dụng cụ điện cầm tay. Các sản phẩm mới với nhiều cải tiến là động lực tăng trưởng chính cho cả ngành hàng. Dòng sản phẩm dành cho ngành xây dựng nhận được sự tín nhiệm hàng đầu. Ngoài ra, nhu cầu đối với các sản phẩm để tự thao tác DIY (do-it-yourselt) và doanh số bán hàng qua kênh trực tuyến tại Việt Nam cũng gia tăng.

Hầu hết các diễn giả đều cho rằng: xu hướng Mobility sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới.

Ông Tô Dũng Thái, Tổng giám đốc VNPT VinaPhone, chia sẻ: khi mà cước viễn thông đang ngày càng giảm mạnh thì có thể sẽ phải bỏ cước SMS và cước gọi thay vào đó cước phí data. Thách thức của các nhà viễn thông cùng với các đơn vị sản xuất thiết bị là làm sao cho các thiết bị kết nối với nhau một cách thông minh, truyền tải dữ liệu và cung cấp thông tin để phục vụ cho việc quản lý và nâng cao chất lượng cuộc sống con người.

Để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ đổi mới sáng tạo TP.HCM (SIHUB) và Công ty Bosch Việt Nam vừa ký biên bản hợp tác. Theo đó, phía Bosch sẽ cử chuyên gia cùng SIHUB đánh giá, tham vấn các dự án khởi nghiệp; đồng tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp về mặt kỹ thuật công nghiệp hàng năm. Trong nghiên cứu của mình, Bosch sẽ cùng với SiHub và cộng đồng khởi nghiệp và doanh nghiệp mới triển khai các dự án thông minh trên nền tảng IoT, phù hợp với điều kiện Việt Nam và nhu cầu của TP.HCM. Ngoài ra, các nhóm khởi nghiệp tại SiHub sẽ có cơ hội tham quan các trung tâm nghiên cứu – phát triển của Bosch để tìm hiểu môi trường làm việc và năng lực công nghệ của Bosch.

Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, cho biết: “TP.HCM đang hướng đến đô thị thông minh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo ra những sản phẩm mới; trong đó, cộng đồng khởi nghiệp là một phần để thực hiện nhiệm vụ này. Việc hợp tác với Bosch Việt Nam cũng hướng tới giúp cộng đồng khởi nghiệp TP.HCM có cơ hội tiếp cận với công nghệ của Bosch, thúc đẩy năng lực sáng tạo và năng lực khởi nghiệp để tạo ra những sản phẩm có giá trị cao gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.

Được biết, Bosch sẽ tiếp tục đầu tư thêm 47 triệu USD cho nhà máy Bosch Gasoline Systems ở Đồng Nai, cũng như tăng cường lực lượng và năng lực của đội ngũ nghiên cứu và phát triển (R&D). Hiện nay, Bosch có trên 3.100 cộng sự tại Việt Nam, hơn 40% trong số này làm việc tại hai trung tâm R&D tại TP.HCM là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Ô tô và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ và các Giải pháp Doanh nghiệp. Dự kiến đến năm 2020, tất cả sản phẩm điện tử mới của Bosch sẽ có khả năng kết nối. Chìa khóa để đạt được điều này là trí thông minh nhân tạo (AI). Trong vòng 5 năm tới, Bosch sẽ đầu tư thêm 300 triệu Euro vào trung tâm phát triển trí thông minh nhân tạo.

Previous articleVNPT VinaPhone trao giải chương trình Chung vui Vina, Tri ân mọi nhà
Next articleSamsung bán Note 7 FE tại Hàn Quốc ngày 7/7

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here