Tại Hội nghị Nhà sáng tạo châu Á (AIS) diễn ra tại TP.HCM ngày 24/7/2019, bà Josephin Galla, Tổng giám đốc SAP Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp tại Việt Nam đi tiên phong trong việc xây dựng các mô hình kinh doanh mới thông qua CMCN 4.0.
CMCN 4.0 đang thay đổi ngành sản xuất từ những nhóm quy trình, hệ thống và nguồn lực rời rạc, lỗi thời để chuyển sang những quy trình tích hợp xuyên quốc gia trong chuỗi giá trị của từng ngành công nghiệp. Điều này tạo ra cơ hội để đổi mới và tăng sự hài lòng của khách hàng. Do đó, các doanh nghiệp trên toàn cầu đang ngày càng quan tâm ứng dụng những công nghệ thông minh để tránh bị tụt hậu.
Đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa từng khách hàng
Theo bà Josephin Galla, người tiêu dùng ngày nay có khả năng kết nối và nắm bắt thông tin tốt hơn. Họ không chỉ kỳ vọng một sản phẩm bình thường, được sản xuất hàng loạt, mà mong muốn có những sản phẩm được cá nhân hoá theo nhu cầu của bản thân. Người tiêu dùng có xu hướng tìm kiếm một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt khi tiếp xúc với những sản phẩm và dịch vụ của các thương hiệu.
Điều này đẩy các doanh nghiệp vào một tình thế khó khăn khi họ có thể chưa sẵn sàng đáp ứng được những nhu cầu mới này. “Các ngành công nghiệp hiện nay vẫn vận hành theo mô hình dây chuyền lắp ráp. Để đáp ứng tốt hơn những nhu cầu mới của khách hàng, doanh nghiệp phải vượt qua nhiều thách thức như làm chủ chuỗi cung ứng trong thời gian thực, nhạy bén, đổi mới sản phẩm và thay đổi mô hình sản xuất”, Josephin Galla nói.
Bà Josephin khắng định: “Để tránh bị tụt hậu, chúng ta cần phải kết hợp dữ liệu hoạt động với dữ liệu trải nghiệm trong một nền tảng thông minh sử dụng những công nghệ thông minh mới nhất như Trí tuệ nhân tạo (AI), học máy và Internet vạn vật (IoT). Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về quá khứ, hiện tại và nắm bắt được xu hướng phát triển trong tương lai”.
Ông Trần Thái Bình, phó giám đốc khối CNTT Sacombank chia sẻ: “Trong xu hướng phát triển của thị trường theo cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số ngày càng trở nên phổ biến và cần thiết đối với các cá nhân và doanh nghiệp, trong đó có ngân hàng. Giải pháp SAP CRM đã giúp chúng tôi phân tích 360 độ cơ sở dữ liệu của hệ thống khách hàng hiện hữu và tiềm năng, nắm bắt được xu hướng chuyển động của các công cụ tương tác hiệu quả với từng đối tượng khách hàng. Nhờ đó, Sacombank đã có thể xây dựng một mô hình tích hợp hiện đại và thông minh trong cả 4 phương diện: bán hàng, dịch vụ, marketing và phân phối. Việc hoàn thành dự án SAP CRM là mảnh ghép quan trọng, giúp Sacombank tạo thêm những trải nghiệm và tối đa hóa giá trị cho các khách hàng.”
Ông Hang Sẩm Nang, Giám đốc công nghệ Công ty cổ phần thương mại cơ khí Tân Thanh cho biết: “Với năng lực sản xuất lên đến 3000 Sơmi Rơmoóc hàng năm, cùng hệ thống phân phối và trạm dịch vụ sửa chữa trải dài khắp nước, Tân Thanh cần một hệ thống ERP đủ mạnh để tăng cường khả năng kết nối giữa các bộ phận trong doanh nghiệp, chuẩn hóa quy trình hoạt động, đồng thời cung cấp các thông tin chính xác và minh bạch tới lãnh đạo. Sau một thời gian dài tìm hiểu và đánh giá, chúng tôi đã quyết định lựa chọn giải pháp SAP S/4HANA. Tân Thanh có niềm tin việc vận hành hệ thống SAP S/4 HANA sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, minh bạch hóa dữ liệu, đồng thời hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định với những thông tin chính xác và kịp thời. Nhìn xa hơn, hệ thống ERP này sẽ giúp Tân Thanh nâng cao tính cạnh tranh và phát triển bền vững hơn”.
Nắm bắt tiềm năng tăng trưởng
Cùng với chương trình “Made in Vietnam 4.0” do chính phủ Việt Nam đề xuất, SAP đã đặt trọng tâm chính trong năm 2019 là giúp các doanh nghiệp Việt Nam trở thành doanh nghiệp thông minh, cũng như hỗ trợ họ nắm bắt thời cơ của nền kinh tế giá trị thế hệ mới. Doanh nghiệp thông minh đồng nghĩa với năng suất cao hơn trong khi tốn ít sức hơn, tự động hóa các quy trình, gây ấn tượng mạnh với khách hàng, trao quyền cho nhân viên và kiến tạo doanh thu.
Hội nghị Nhà đổi mới châu Á – Asian Innovators Summit được tổ chức hôm nay với chủ đề “Tiếp sức cho nền kinh tế sức mạnh số Việt Nam” sẽ giúp nâng cao vị thế của SAP đối với các tập đoàn, các tổ chức dịch vụ công, và những doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề tham gia sự kiện này. Khi trở thành Doanh nghiệp thông minh, các doanh nghiệp Việt Nam có thể giải quyết vấn đề năng suất, tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực và xa hơn là toàn cầu. SAP đang ở một vị trí quan trọng để giúp các công ty số hóa nhằm phát huy lợi thế của nền kinh tế sôi động và đóng vai trò là doanh nghiệp tiên phong của Made in Vietnam 4.0. Một năm mới thú vị đang ở phía trước chúng ta với vô vàn cơ hội chưa từng có,” bà Josephin Galla cho biết thêm.