Home Tin tức Phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền...

Phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số

0

Cùng với đó tạo ra nền tảng hạ tầng kỹ thuật bảo đảm việc triển khai chính phủ điện tử (CPĐT) nói chung và triển khai các dự án nền tảng quan trọng quyết định sự thành công của phát triển CPĐT, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số.

Với hiện trạng ứng dụng CNTT, vấn đề kết nối, chia sẻ dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật CNTT hiện nay, nhu cầu cấp bách trong thời gian tới cần phải có giải pháp để khắc phục tình trạng cát cứ thông tin, thúc đẩy khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu số giữa các cơ quan nhà nước, tạo ra các công cụ và ứng dụng hỗ trợ quá trình chỉ đạo, điều hành.

Theo dự thảo Đề án giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu và tái cấu trúc hạ tầng CNTT tại các bộ, ngành, địa phương và danh sách các nền tảng dùng chung của Chính phủ điện tử đang được triển khai lấy ý kiến, ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước được triển khai rộng rãi nhằm đổi mới quy trình nghiệp vụ, nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, nâng cao hiệu quả hiệu suất công việc.

Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu (CSDL) tại các bộ, ngành, địa phương còn mang tính chất đóng, triển khai riêng lẻ, thiếu tính kết nối, dẫn đến tình trạng khó chia sẻ, tích hợp dữ liệu.

Theo khảo sát của Văn phòng Chính phủ, năm 2018, trong khoảng 700 hệ thống thông tin, CSDL tại các bộ, ngành, địa phương chỉ có khoảng 70 hạ tầng CSDL được kết nối với nhau (chiếm 10%), hầu hết chỉ trong ngành, lĩnh vực hoặc nội bộ bộ, ngành, địa phương và chủ yếu là kết nối trực tiếp, chưa có các kết nối, chia sẻ liên bộ, ngành, địa phương. Theo đánh giá của các bộ, ngành, địa phương, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do thiếu hành lang pháp lý thúc đẩy việc kết nối, chia sẻ dữ liệu (31/66 đơn vị, chiếm 46,9%); thiếu dữ liệu (27/66 đơn vị, chiếm 40,9%); thiếu nền tảng kết nối, chia sẻ (49/66 đơn vị, chiếm 74,3%); dữ liệu chưa được chuẩn hoá (47/66 đơn vị, chiếm 71,2%); thiếu chuẩn kết nối và chia sẻ (28/66 đơn vị, chiếm 57,5%).

Trong thời gian qua, một số văn bản có nội dung quy định việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống ứng dụng CNTT đã được ban hành nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về dữ liệu chia sẻ, phương thức chia sẻ dữ liệu, dẫn tới khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng các CSDL và hệ thống thông tin, cũng như tình trạng trùng lặp, dư thừa dữ liệu, gây lãng phí nguồn tài nguyên thông tin.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển CPĐT, bao gồm 6 CSDLQG: về dân cư, đất đai quốc gia, đăng ký doanh nghiệp, thống kê tổng hợp dân số, tài chính, bảo hiểm.

Trong số 6 CSDLQG ưu tiên thực hiện, hiện có 2 cơ sở dữ liệu đã sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu. CSDLQG về đăng ký doanh nghiệp đã được triển khai từ năm 2010, đến nay đã cập nhật dữ liệu của hơn 1 triệu doanh nghiệp trên cả nước, sẵn sàng kết nối, chia sẻ thông qua hệ thống kết nối, liên thông ở Trung ương và địa phương (NGSP). Theo kế hoạch của Bộ KH-ĐT, dự kiến đến hết năm 2019, CSDLQG về đăng ký doanh nghiệp sẽ triển khai, kết nối, chia sẻ dữ liệu cho khoảng 15 bộ, ngành, địa phương và sẽ mở rộng phạm vi trên cả nước trong quý I/2020.
Đối với CSDL chuyên ngành về bảo hiểm xã hội đã kết nối với hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch thông qua hệ thống NGSP để phục vụ liên thông khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ emdưới 6 tuổi. Kết nối này hiện đãsẵn sàng để có thể triển khai rộng khắp cho các địa phương trong năm 2019.

Tuy nhiên, theo dự thảo tờ trình của Bộ TT-TT, đến thời điểm hiện tại, việc triển khai các CSDLQG ưu tiên, tạo nền tảng phát triển CPĐT còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Với xu hướng thế giới hiện nay, việc chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu và số liệu tổng hợp thu thập từ các hệ thống thông tin và CSDL từ các cơ quan hành chính đang được triển khai mạnh mẽ. Với công nghệ Big Data, hồ sơ dữ liệu, khai phá dữ liệu… việc quản trị dữ liệu của Chính phủ một cách hiệu quả là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, để bảo đảm khối lượng dữ liệu khổng lồ được khai thác, sử dụng hiệu quả thì việc bảo đảm hạ tầng kỹ thuật CNTT cho lưu trữ, phân tích, quản trị dữ liệu lớn là cần thiết. Do đó, bên cạnh các định hướng công nghệ, tích hợp và sửdụng dữ liệu tổng hợp từ các cơ quan hành chính nhà nước phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, việc chuẩn bị hạ tầng cho kho dữ liệu này cần đặc biệt được quan tâm.

Từ thực trạng hiện nay, việc phê duyệt Đề án “Giải pháp tích hợp, chia sẻ và tái cấu trúc hạ tầng CNTT tại các bộ, ngành, địa phương” và danh mục các nền tảng dùng chung của CPĐT và phương án đầu tư, thuê dịch vụ CNTT để triển khai các hạng mục này là hết sức cần thiết và cấp bách.

Previous articleVietjet mở đường bay TP.HCM – Pattaya
Next articleRobot hóa lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here