Tối 25/11/2020, tại Hà Nội, Bộ Công thương đã tổ chức lễ công bố các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2020 với sự tham dự của Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.
Năm 2020 là lần thứ 7 Thương hiệu Quốc gia được tổ chức, kể từ lần đầu xét chọn vào năm 2008. Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ. Kết quả xét duyệt dựa trên các tiêu chí đã định sẵn thông qua hồ sơ gửi lên từ doanh nghiệp, với những tiêu chuẩn khắt khe, nhằm chọn lựa ra những thương hiệu chất lượng, đổi mới sáng tạo và năng lực tiên phong.
124 doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia 2020 tiếp kiến và báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều ngày 25/11.
Các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia đã khẳng định vị thế hàng đầu vững chắc trong lĩnh vực hoạt động của mình, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cả về lợi nhuận và doanh thu, dù gặp phải không ít khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch hội đồng Thương hiệu Quốc gia phát biểu tại buổi lễ.
Sau 9 tháng phát động với hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia, Hội đồng xét duyệt đã ban hành quyết định và trao chứng nhận cho 124 doanh nghiệp tiêu biểu đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2020.
OCB là 1 trong 7 đơn vị thuộc lĩnh vực tài chính – ngân hàng được vinh danh trong năm nay. Đây là thành quả ghi nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ trên chặng đường 24 năm xây dựng và phát triển của nhà băng này.
Tiên phong trong việc áp dụng công nghệ vào vận hành, với những sản phẩm chất lượng, dịch vụ nhanh chóng, an toàn, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, OCB hiện nằm trong top 10 ngân hàng hiệu quả nhất Việt Nam về mặt lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng, dựa trên 10 chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động và kiểm soát rủi ro. Kiên định với mục tiêu trở thành ngân hàng tốt hàng đầu Việt Nam, OCB liên tiếp đạt những kết quả kinh doanh ấn tượng. Tốc độ tăng trưởng kép (CARG) của OCB từ năm 2016-2019 đạt trên 88%. Trong vòng 5 năm, quy mô ngân hàng tăng trưởng vượt bậc khi tổng tài sản tăng 140%, vốn điều lệ tăng 122%, vốn chủ sở hữu tăng 172%.
Dựa vào triết lý quản trị rủi ro vững chắc, OCB nằm trong nhóm ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC và được Ngân hàng Nhà nước công nhận hoàn thành các hạng mục dự án Quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế Basel II vào tháng 12/2018.
Theo báo cáo tài chính riêng lẻ, tính đến thời điểm 31/10/2020, tổng tài sản của OCB đạt 130.807 tỉ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu của OCB tiếp tục tăng mạnh khi đạt 16.316 tỉ đồng, tăng tới 49% so với cùng kỳ năm 2019.
Huy động vốn trên thị trường 1 đạt 98.079 tỉ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019; dư nợ cho vay trên thị trường 1 bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp đạt 83.686 tỉ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2019.
Với những kết quả tích cực trong công tác huy động vốn và tăng trưởng tín dụng, tổng doanh thu thuần của ngân hàng đạt 5.925 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế ở mức 3.024 tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ 2019.
Năm 2020 là một năm đặc biệt, nhiều dấu mốc ấn tượng với nhà băng này. Vào tháng 6/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chấp thuận và cho phép ngân hàng Aozora (AOZ – Nhật bản) mua cổ phần OCB để trở thành cổ đông nước ngoài sở hữu 15% vốn điều lệ. Đây là thương vụ huy động nguồn vốn từ nhà đầu tư nước ngoài thành công duy nhất trong năm 2020 thuộc lĩnh vực tài chính – ngân hàng, đặc biệt trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch covid – 19.
OCB cũng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 10.959 tỷ đồng, tiến gần đến mục tiêu năm 2020 là hơn 11.275 tỷ đồng. Được biết, OCB đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE), với số lượng niêm yết hơn 10.959 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị là 10.959 tỷ đồng.
Bên cạnh đó là hàng loạt các giải thưởng uy tín từ nhiều tổ chức trong nước và quốc tế trao tặng cho nhà băng này. Một lần nữa khẳng định được vị thế của OCB trong các tổ chức tài chính tại Việt Nam, với những bước phát triển bền vững, đem lại niềm tin và thịnh vượng cho khách hàng, đối tác.
Theo VnEconomy