Trong 6 tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng 55%; trong đó, thanh toán qua QR code tăng 152% và MoMo, ZaloPay hay ViettelPay phổ biến trong đời sống…
Chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu, yêu cầu bắt buộc của các ngành, lĩnh vực trên toàn cầu trong đó ngành tài chính ngân hàng tiên phong đi trước một bước, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, thống kê trong 6 tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng 55% về số lượng; qua kênh Internet là 76% về số lượng và 1,79% về giá trị. Đáng chú ý, thanh toán qua kênh điện thoại di động ghi nhận tăng tương ứng là 65% và 77% và qua phương thức QR code tăng tương ứng là 152% và 301% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, việc thanh toán qua ATM giảm 4,62% về số lượng và 6,43% về giá trị. Điều này phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng nhanh ở Việt Nam. Lý giải về việc những mã QR ngày càng phổ biến, các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng nhất là chi phí đầu tư thấp, chỉ cần một tờ giấy in với mức phí chưa tới 1.000 đồng, không cần tới máy tính, một quầy thu ngân hay máy POS. Thanh toán qua mã QR hiện đang chiếm tỷ lệ cao nhất và dự báo tỷ lệ này còn có thể tiếp tục tăng trong nhiều năm tới.
Vừa qua, ví điện tử ZaloPay vừa ra mắt thanh toán qua QR code đa năng. Thông qua việc kết hợp giữa ZaloPay và VietQR, người dùng sẽ có thể linh hoạt sử dụng ứng dụng ngân hàng bất kỳ hoặc ví điện tử ZaloPay để quét mã thanh toán. ZaloPay QR đa năng hiện đã được đưa vào sử dụng tại các hệ thống cửa hàng bán lẻ và dịch vụ lớn trên cả nước, đặc biệt các chuỗi mua sắm, ăn uống như: Viettel Store, Mykingdom, Decathlon, Coolmate, Lee&Tee, Sukiya, Tous les Jours, KFC, Pepper Lunch, Papa’s Chicken, Bonchon Chicken…
Tại buổi gặp mặt truyền thông chiều 7/8 ở TP.HCM, bà Lê Lan Chi, Tổng giám đốc ZaloPay, cho biết: Từ thực tế các chủ hộ kinh doanh phải đau đầu quản trị và vận hành nhiều QR code riêng biệt và trưng bày rất nhiều mã khác nhau trong một diện tích quầy thu ngân hạn chế, ZaloPay đã nghiên cứu và phát triển giải pháp QR code đa năng. Đặc biệt, khi thanh toán bằng QR code đa năng này, hệ thống quản lý ZaloPay tích hợp đầy đủ chức năng sẽ thông báo tự động các giao dịch và trạng thái thanh toán giúp doanh nghiệp không cần thay đổi cách vận hành mà vẫn tiếp nhận, quản lý và đối soát nguồn tiền từ các ngân hàng một cách nhanh chóng, thuận tiện.
THANH TOÁN, CHUYỂN KHOẢN NGÂN HÀNG QUA QR CODE
Sáng 7/8, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã ra mắt dịch vụ VietQRCash. Giai đoạn đầu, có 8 ngân hàng triển khai dịch vụ này, bao gồm: Nam A Bank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank, Saigonbank, Sacombank và NCB. Với tổng số lượng ATM của các ngân hàng đầu tiên triển khai dịch vụ VietQRCash chiếm hơn 60% tổng số lượng ATM hiện có trên thị trường sẽ là điều kiện thuận lợi giúp người dùng gia tăng trải nghiệm khi sử dụng dịch vụ mới.
Sacombank cho biết, ngân hàng đã triển khai dịch vụ rút tiền bằng mã VietQR tại ATM ngoại mạng, giúp khách hàng có thêm phương án rút tiền nhanh chóng từ ATM của nhiều ngân hàng khác nhau thông qua ứng dụng Sacombank Pay. Dịch vụ tiện ích này đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện hạ tầng số hóa với tiêu chuẩn VietQR cũng như bước phát triển mới trong hành trình số hóa các sản phẩm, dịch vụ thanh toán của ngân hàng.
Bên cạnh tính năng rút tiền VietQR tại ATM ngoại mạng, Sacombank đã triển khai thành công tính năng eKYC trên Sacombank Pay giúp khách hàng dễ dàng mở tài khoản và thẻ thanh toán ngay trên ứng dụng; liên kết với các tài khoản/thẻ/khoản vay/tiết kiệm tại Sacombank theo xu hướng “One stop bank” (ngân hàng một chạm).
Ngoài Sacombank, khách hàng của Nam A Bank chỉ cần truy cập ứng dụng Open Banking, quét mã QR hiển thị trên màn hình ATM của các ngân hàng cùng triển khai dịch vụ này. Sau khi chọn loại thẻ, khách hàng có thể lựa chọn số tiền cần rút trên Open Banking và hoàn thành bước xác thực bằng mã PIN trên ATM. Hạn mức và phí giao dịch tương tự như quy định hiện nay đối với giao dịch rút tiền trên ATM bằng thẻ NAPAS.
Thời gian qua, Nam A Bank đã sớm áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo – AI, thanh toán di động, chuyển khoản nhanh, thanh toán bằng QRcode, điện toán đám mây… vào các hoạt động của Ngân hàng. Nam A Bank cũng đã đưa robot – Robot OPBA vào phục vụ giao dịch trên toàn hệ thống. Đồng thời, cũng là một trong những ngân hàng Việt đầu tiên triển khai điểm giao dịch số tự động OneBank trên toàn quốc thực hiện hầu hết các giao dịch ngân hàng, đặc biệt nộp rút tiền khác chủ tài khoản một cách nhanh chóng, an toàn, bảo mật.
“Không cần “bỏ túi” thẻ vật lý, cũng không phải lo quên thẻ hay thẻ bị hư hỏng, chỉ cần 1 chiếc smartphone có kết nối Internet, người dùng có thể rút tiền mặt mọi lúc thông qua phương thức quét mã VietQR ngay trên máy ATM để hạn chế rủi ro lộ thông tin thẻ do gắn thiết bị theo dõi”, đại diện Nam A Bank chia sẻ.
Trong thời gian tới, các ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai áp dụng các công nghệ mới, tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), máy học, Blockchain và cuộc đua làm chủ dữ liệu, tận dụng sức mạnh dữ liệu lớn sẽ trở nên phổ biến hơn.
Được biết, VietQR là nhận diện thương hiệu chung cho các dịch vụ thanh toán, chuyển khoản bằng mã QR được xử lý qua mạng lưới NAPAS. Mã QR sử dụng tuân thủ theo tiêu chuẩn thanh toán QR của EMV Co. (Tổ chức toàn cầu quản lý thông số kỹ thuật EMV) và Tiêu chuẩn cơ sở cho mã QR do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành.