Không thể phủ nhận số hóa dữ liệu thúc đẩy sự nhảy vọt về tốc độ tăng trưởng kinh tế, giảm thiểu quy trình, nâng cao giá trị sống của con người. Tuy nhiên, khi tất cả thông tin của chúng ta đều cần lưu trữ bằng số thì sự thất thoát dữ liệu là không thể tránh khỏi.
Rò rỉ thông tin người dùng trên mạng
Thất thoát dữ liệu (Data Breach) dễ xảy ra hơn rất nhiều lần những gì người ta có thể tưởng tượng. Những tài khoản trên các mạng xã hội, các website, thông tin thanh toán online qua thẻ ngân hàng, hồ sơ bệnh án, thông tin cá nhân phải khai khi đăng ký các loại dịch vụ qua internet… – tất cả những nơi nào người dùng từng để lại thông tin của mình, dù vô tình hay có chủ ý, đều có nguy cơ khiến họ trở thành nạn nhân bị đánh cắp danh tính (Indentity theft).
Nguy hiểm nhất là nạn nhân bị thất thoát dữ liệu không hề biết mình là nạn nhân cho tới khi xảy ra chuyện. Những hệ lụy của việc bị đánh cắp thông tin không chỉ dừng lại ở việc bị “bán thông tin” cho các mục đích thương mại, bị mất cắp tài khoản ngân hàng, mà đáng sợ hơn là việc bị mạo danh cho các mục đích xấu liên quan đến pháp luật.
Cứ 39 giây xảy ra một vụ tấn công
Theo nghiên cứu của Trend Micro, cứ 39 giây lại xảy ra một vụ tấn công an ninh mạng. Trong năm 2018 có 445,6 triệu trường hợp bị thất thoát dữ liệu, với 56% là rò rỉ từ mạng xã hội. Những câu chuyện bê bối về việc để lộ thông tin khách hàng của mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook liên tục diễn ra trong năm ngoái là minh chứng điển hình nhất cho nguy cơ này.
Khi doanh nghiệp bị lộ thông tin, hệ quả sẽ còn kinh khủng hơn vậy gấp nhiều lần. Ví dụ, vụ tấn công nội bộ của tội phạm công nghệ nhằm vào hãng máy bay Boeing đã khiến hãng này thiệt hại lên tới 2 tỷ USD và để lại hậu quả dai dẳng trong suốt 30 năm. Điều quan trọng hơn, khi doanh nghiệp bị tấn công mạng, thiệt hại còn xảy ra với nhiều người khác như nhân viên, đối tác, khách hàng…
Để không trở thành nạn nhân
Tội phạm công nghệ có thể tấn công chúng ta bất cứ lúc nào sơ hở, hoặc yếu thế. Nói đúng ra, chúng còn nguy hiểm hơn, vì không có hình dạng xác định để có thể cảnh giác, và hoạt động ngày càng tinh vi hơn.
Bí quyết để tự bảo vệ tối ưu là phải cẩn thận hết mức khi khai báo thông tin cá nhân lên bất cứ phương tiện nào, nhất là mạng xã hội. Hãy đặt mật khẩu cho các tài khoản của mình đủ khó và thay đổi liên tục để tránh mất cắp, đồng thời không nhấp vào bất cứ đường link lạ nào mà bản thân chưa hiểu rõ.
Về phía doanh nghiệp, việc nghiêm túc đầu tư vào hệ thống bảo mật là điều cần phải làm. Tuy nhiên, cũng theo nghiên cứu của Trend Micro thì mới chỉ có 3% tài liệu của các doanh nghiệp được bảo mật đúng cách. Đó là lý do những vụ tấn công công nghệ nhắm vào doanh nghiệp vẫn liên tục diễn ra hàng ngày hàng giờ trên toàn thế giới.
Là đơn vị đi đầu trong hoạt động nâng cao nhận thức này với chuỗi sự kiện Security Trends hàng năm cập nhật về xu hướng công nghệ bảo mật cho cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên viên bảo mật, Trend Micro cho biết việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công nghệ bảo mật là cần thiết không kém việc phát triển các giải pháp bảo mật. “Thất thoát dữ liệu gây tổn thất nặng nề về mặt tài chính và làm gián đoạn hàng loạt các hoạt động quan trọng khác của chính doanh nghiệp, tổ chức và nhiều đối tác, khách hàng. Nhưng ngăn chặn chúng không phải điều bất khả thi. Hiện nay, để ngăn chặn được điều này, có rất nhiều loại giải phù hợp với các công ty thuộc mọi quy mô với mọi khả năng tài chính. Vấn đề là doanh nghiệp có sẵn sàng đầu tư cho chúng hay không”, đại diện Trend Micro cho biết.
Vào ngày 4/6 và 6/6 tại Hà Nội và TP.HCM, Trend Micro Việt Nam cùng hệ sinh thái các đối tác trong ngành CNTT sẽ cùng tổ chức sự kiện SecurityTRENDs 2019. Đây là sự kiện thường niên của thương hiệu bảo mật thông tin hàng đầu thế giới này tại Việt Nam. Tại chương trình, các chuyên gia trong và ngoài nước giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo mật thông tin sẽ chia sẻ các kiến thức hữu ích cũng như cập nhật những giải pháp tiên tiến nhất để ngăn chặn các cuộc tấn công mạng.