Năm ngoái, vì yêu cầu công việc, tôi tham gia một khóa đào tạo quân sự ngắn hạn trong 1 tháng. Những nhân viên văn phòng béo phì và thiếu vận động, lần đầu tiên trong đời biết thế nào là chế độ rèn luyện nghiêm khắc của quân đội. Không khỏi có những phàn nàn, kêu ca, thậm chí phản ứng.
Nhưng sau 1 tháng nghiêm khắc tuân thủ đúng “11 chế độ trong ngày”, chúng tôi trở về nhiệm sở với một thể lực khỏe mạnh hơn, và đặc biệt là một tinh thần hưng phấn hơn rất nhiều. Đó cũng là điều mà những chỉ huy quân sự nói với chúng tôi ngay trước khi khóa đào tạo bắt đầu: Các anh sẽ rất mệt mỏi, có thể sẽ thấy khổ một chút, nhưng chắc chắn sau đây các anh sẽ thấy giá trị của bộ đội.
Từ “bộ đội” có lẽ là một trong những từ khóa quen thuộc nhất với người Việt Nam, cả với những người bạn của Việt Nam. Ở một đất nước mà đến tận bây giờ những trang sử chiến tranh vẫn là chủ đạo trong đề thi hàng năm của học sinh, hẳn nhiên người lính có một vị thế đặc biệt. Nhưng ngoài phim ảnh “cúng cụ” một năm đôi bận, một game show nặng tính tuyên truyền, những tin tức vắn tắt ở đâu đó trên báo chí, truyền hình (mà thường là chúng ta bỏ qua), thì từ lâu rồi, chúng ta có còn nhớ đến vai trò người lính?
Thật buồn – cười, ngay cả những lúc “bát đũa xô” với láng giềng, khi chúng ta họp “hội nghị Diên Hồng” ầm ầm trên…mạng, chẳng ai nghĩ tới vai trò của người lính. Khi những đoàn người xuống đường diễu hành, tay biểu ngữ tay cờ đỏ, hô vang chủ quyền biển đảo, chẳng mấy ai nghĩ tới vai trò của người lính.
Khi chúng ta cảm thấy lo ngại cho vị thế quốc gia, bàn tán xôn xao về chính sách và những hoạt động ngoại giao, quân sự, cũng không thấy ai đả động tới vai trò của người lính.
Trong khi, họ mới là những người đang và sẽ được Tổ quốc chọn để cầm súng.
Tôi nhớ có một lần ngồi uống trà đá vỉa hè, bà chủ có một cái TV màu nội địa cũ, bật xem phim truyền hình nhiều tập. Ngồi bên cạnh tôi là một anh lính còn rất trẻ, mặt lún phún lông tơ, vừa uống trà, vừa nghển cổ say sưa xem phim ké. Chừng như anh ngồi đã lâu, cốc trà đã tan hết đá, bà chủ cũng tỏ vẻ khó chịu, vặn nhỏ TV đi. Anh lính thấy vậy, cũng chẳng lấy làm phật ý, nói rất hồn nhiên: Cô vặn to lên cho cháu xem với, lâu lắm cháu mới được xem phim Hàn Quốc cô ạ.
Chắc cũng như tôi, bà chủ quán xúc động mạnh trước lời đề nghị ấy, bèn vặn TV to hết cỡ, xoay hẳn ra cho anh lính xem.
Đúng như vậy, ở doanh trại, ngoài bản tin thời sự hàng ngày và chương trình Chúng tôi là chiến sỹ của Đài truyền hình Việt Nam, những người lính không có thời gian để xem TV. Chế độ tập luyện dày đặc, kỷ luật sinh hoạt nghiêm khắc, dường như còn để khỏa lấp nhiều thiếu thốn về vật chất cũng như tinh thần mà quân đội chưa thể chu toàn. Nhưng hàng trăm nghìn người lính vẫn kiên cường rèn luyện, trưởng thành và chiến đấu.
Không khác với cha anh, những người lính hôm nay cũng bước vào quân ngũ với một ý chí và lựa chọn dũng cảm. Họ, những chàng trai mười tám đôi mươi, rời xa gia đình, đêm ngày canh giữ phên dậu của Tổ quốc từ hải đảo xa xôi, cho đến biên cương đèo heo hút gió. Ở thời đại của internet, cà phê take away và đồ ăn nhanh Mc Donal, KFC, thì những thanh niên trong quân ngũ vẫn viết thư dán tem đợi có tàu thì gửi về đất liền, vẫn cắt hoa đào hoa mai bằng giấy thủ công để tổ chức hái hoa dân chủ, vẫn gói những chiếc bánh chưng xanh ngắt bằng là bàng vuông Trường Sa ngăm ngăm đắng.
Và nhiều người trong số họ vẫn hy sinh, vẫn đổ máu vì đất nước.
Cần phải có một phương thức tuyên truyền tốt hơn, để tinh thần và khí phách của người chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam được thấu hiểu và lan tỏa. Những trang sách sử cải biên nhiều lần qua bao nhiêu năm, vẫn ngần ấy nội dung, ngần ấy ngôn từ choang choang về quân đội của dân do dân vì dân, về những trận đánh thần tốc táo bạo lừng lẫy năm châu trấn động địa cầu, về những loại vũ khí tự tạo thô sơ hồi đầu thế kỷ. Học sinh của chúng ta sợ lịch sử, dù rất tự hào về truyền thống giữ nước của cha anh, đó là lỗi của ngành giáo dục. Công chúng sôi sục nhiệt tâm yêu nước, nhưng không hiểu biết về sức mạnh quân sự của nước nhà, không chia sẻ những khó khăn với người lính, đó là lỗi của hệ thống truyền thông
Cuốn sách “Quân khu Nam Đồng” đã được đông đảo bạn đọc đón nhận
Cách đây đôi tháng, cuốn sách “Quân khu Nam Đồng” đã tạo nên một hiện tượng của ngành xuất bản, được đông đảo công chúng nhiều lứa tuổi đón nhận và khen ngợi. Cuốn sách viết về những thanh thiếu niên ở khu gia binh Nam Đồng – Hà Nội, giai đoạn đầu những năm 70 của thế kỷ trước, khi đất nước đang ở giai đoạn khẩn trương cuối cùng của cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất. Trong cuốn sách ấy, tinh thần người lính lan tỏa đến từng con chữ. Không chỉ vì chính sách hậu phương, cả xã hội lúc đó tôn trọng và ưu ái những người lính và gia đình, con cái của họ. Bởi vì lúc đó, những anh bộ đội, những người lính, không chỉ là niềm hy vọng, mà còn là niềm tự hào của cả miền Bắc.
Không phải ngẫu nhiên mà “Quân khu Nam Đồng” trở thành một hiện tượng. Cuốn sách ấy nhắc nhớ nhiều người về ký ức, và với phần thế hệ còn quá trẻ để có ký ức ấy, họ tìm thấy ở đó chất lính, cái chất mà cha anh họ vẫn luôn nói về trong niềm tự hào lấp lánh. Có quá ít những cuốn sách về người lính làm được điều ấy.