Home Tin tức Khai phá dữ liệu số, thành công chuyển đổi số

Khai phá dữ liệu số, thành công chuyển đổi số

0

“Khai phá dữ liệu số, thành công chuyển đổi số” là chủ đề của chuỗi sự kiện Tuần lễ Chuyển đổi số TP.HCM năm 2023 hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 tại TP.HCM…

Sự kiện do Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Tin học TP.HCM (HCA) và Thời báo Ngân hàng phối hợp tổ chức, dưới sự bảo trợ của UBND TP.HCM, diễn ra trong 2 ngày 17-18/10.

NÂNG CAO NHẬN THỨC, THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI SỐ

Chuỗi sự kiện Tuần lễ Chuyển đổi số TP.HCM 2023 bao gồm các hoạt động truyền thông quảng bá nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; Tuyên truyền, phát động phong trào thi đua “Khai phá dữ liệu số, thành công chuyển đổi số” của TP.HCM năm 2023; Tổ chức cuộc thi tìm hiểu kiến thức về chuyển đổi số với chủ đề: “Tuổi trẻ Thành phố – Tiên phong chuyển đổi số”; Tổ chức hoạt động ra quân phổ biến, hỗ trợ người dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ số…

Ngoài ra, còn có các hoạt động, sự kiện chào mừng Ngày chuyển đổi số quốc gia lĩnh vực xuất bản, in và phát hành; Hội thi Thử thách Trí tuệ nhân tạo (AI Challenge) TP.HCM năm 2023; Chuỗi Hội thảo chuyên đề và triển lãm chủ đề “Công nghệ nâng tầm cuộc sống”; Giới thiệu và triển lãm về các nền tảng số của TP.HCM, các giải pháp, sản phẩm thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng; các giải pháp, ứng dụng của doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp; Diễn đàn Khoa học sinh viên quốc tế lần 7 – năm 2023.

Cùng với đó là hoạt động triển lãm công nghệ của hơn 40 gian hàng gồm các mô hình, nền tảng số từ sở, ban, ngành của Thành phố; các giải pháp, ứng dụng công nghệ gắn với các lĩnh vực như: chính quyền số, dữ liệu số, giáo dục số, y tế số, văn hóa số, du lịch số, doanh nghiệp số, ngân hàng số, Fintech…; các ý tưởng, sản phẩm công nghệ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức khẳng định, Thành phố sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số của TP.HCM và Năm dữ liệu số quốc gia năm 2023.

“Những hoạt động của Tuần lễ Chuyển đổi số TP.HCM sẽ mang lại kết quả truyền thông, nâng cao nhận thức của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp Thành phố về công cuộc thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hiệu quả kinh tế số đem lại đóng góp chung cho phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố”, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức nhấn mạnh.

Thời gian qua, Thành phố đã đưa vào vận hành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP.HCM (hợp nhất Cổng dịch vụ công và Một cửa điện tử Thành phố), kết nối hệ thống định danh công dân theo Đề án 06. Cụ thể, Thành phố đã thiết lập 1.590 thủ tục hành chính trên môi trường số; Rà soát tái cấu trúc công bố 740 dịch vụ công trực tuyến; Đã triển khai 635/740 dịch vụ công trực tuyến; Thanh toán lệ phí trực tuyến gần 13,5 tỷ đồng; Tổ chức cấp gần 470.000 chữ ký số miễn phí cho người dân…

Tuần lễ Chuyển đổi số TP.HCM 2023 cũng là dịp để các xu hướng công nghệ mới như: AI, IoT, cloud, big data, AR/VR/3D, RPA, blockchain, 5G, Web 3.0, Metaverse… đến gần hơn với những người yêu công nghệ. Dịp này, Ban Tổ chức Hội thi thử thách trí tuệ nhân tạo TP.HCM 2023 sẽ tổng kết và trao giải cuộc thi, sau hơn 2 tháng triển khai và nhận được quan tâm của hơn 2.700 thí sinh.

KHAI PHÁ DỮ LIỆU SỐ, THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÂN HÀNG

Tại sự kiện Tuần lễ Chuyển đổi số TP.HCM 2023, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng cho rằng, dữ liệu và việc phân tích, khai thác, kết nối dữ liệu là yếu tố quyết định tạo nên thành công của quá trình thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động chuyển đổi số trong ngành ngân hàng. Trong thời đại kỹ thuật số, dữ liệu có thể được sử dụng để hiểu, nắm bắt hành vi và xu hướng tiêu dùng của khách hàng, giúp các ngân hàng, doanh nghiệp xác định các cơ hội mới, đưa ra quyết định đúng đắn hơn và nâng cao hiệu quả hoạt động.

“Đối với ngành ngân hàng, phát triển và khai thác hiệu quả dữ liệu số là một trong những nhiệm vụ giải pháp để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số ngành ngân hàng, cũng như thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Dữ liệu không chỉ giúp ngân hàng xác thực, định danh khách hàng mà còn thông qua các ứng dụng công nghệ để phân tích, nắm bắt hành vi và xu hướng tiêu dùng, từ đó đưa ra quyết định trong phát triển, cung ứng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao hiệu quả hoạt động”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán đã và đang tích cực triển khai việc ứng dụng, kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin dữ liệu dân cư trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, đặc biệt là thanh toán và tín dụng nhằm đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong nền kinh tế.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã thường xuyên rà soát và hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối, khai thác dữ liệu, ứng dụng công nghệ nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên cơ sở đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật thanh toán trong hoạt động ngân hàng. Ngành ngân hàng cũng đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và phối hợp với Bộ Công an triển khai Đề án 06, trong đó gồm các nhiệm vụ cụ thể về ứng dụng dữ liệu dân cư để làm sạch thông tin, xác thực khách hàng và ứng dụng trong triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, các dịch vụ ngân hàng khác.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho hay, trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch chuyển đổi số và Đề án 06 của ngành ngân hàng. Trong đó tập trung: (i) hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số, bao gồm các chính sách về kết nối, khai thác dữ liệu; (ii) đảm bảo các hệ thống ứng dụng ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác, nhất là khu vực hành chính công, mở rộng hệ sinh thái số để phục vụ thanh toán trực tuyến với dịch vụ liền mạch, tiện ích; (iii). Đặc biệt tăng cường công tác đảm bảo an ninh an toàn, bảo mật thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng, tiếp cận các dịch vụ ngân hàng…

Dịp này, đánh dấu gia nhập thị trường Việt Nam, Công ty công nghệ phần mềm Silverlake Axis cũng giới thiệu các giải pháp công nghệ tài chính (fintech) và ngân hàng số, tích hợp liền mạch vào hệ sinh thái công nghệ sẵn có và thúc đẩy sự phát triển của ngành BFSI (ngân hàng, dịch vụ tài chính và bảo hiểm). Tại Việt Nam, đối tác của Silverlake Axis là KMS Solutions sẽ tư vấn, triển khai 2 giải pháp Mobius và Silverlake Symmetri.

NO COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here