Mọi người cho rằng họ hiểu được giá trị của dữ liệu, nhưng họ hoàn toàn không đánh giá cao tầm quan trọng của nó cho đến khi bị mất đi. Những phát hiện này là một phần của nghiên cứu “My Precious Data” của Kaspersky Lab, cho thấy người dùng sẽ lo lắng thế nào khi làm mất dữ liệu, thậm chí là những dữ liệu không được xem là quan trọng với họ.
Trong quá trình nghiên cứu, người dùng đồng ý rằng những dữ liệu cá nhân quan trọng (hình ảnh, clip riêng tư và nhạy cảm) là dạng dữ liệu làm họ lo lắng nhất khi bị mất. Ví dụ, viễn cảnh bị mất danh bạ điện thoại được xem là rất phiền hà cho người dùng, nằm trong ba loại dữ liệu gây phiền nhiễu nhất khi bị mất mặc dù thực tế là thông tin danh bạ nằm trong vị trí rất thấp trong tầm quan trọng của dữ liệu.
Nghiên cứu này cho thấy những mâu thuẫn trong tầm quan trọng mà con người đặt vào dữ liệu của họ, và thực tế của những phiền toái mà họ gặp phải khi mất dữ liệu mà họ không thấy quan trọng đối với họ lúc đầu.
Trong một phần của nghiên cứu, Kaspersky Lab đã làm việc với các nhà tâm lý học tại Đại học Wuerzburg để đo phản ứng tâm lý của người dùng đối với việc mất dữ liệu trong một loạt ba thí nghiệm. Trong khi các nhà tâm lý học dự kiến sẽ thấy phản ứng mạnh mẽ hơn đối với việc mất dữ liệu quan trọng, họ rất ngạc nhiên khi thấy rằng những người tham gia cũng có những dấu hiệu buồn phiền khi họ mất các dữ liệu tầm thường.
Trong quá trình thử nghiệm, các nhà tâm lý đo độ tiết mồ hôi của người tham gia. Người dùng tiết nhiều mồ hôi khi họ tin là mình đã mất nhiều dữ liệu quan trọng, tuy vậy thì mức độ tiết mồ hôi cũng không giảm bao nhiêu khi các dữ liệu kém quan trọng bị mất đi.
Mô hình tương tự đã được tìm thấy trong hai thí nghiệm khác. Ví dụ, nhiệt độ đầu mũi của người dùng giảm khi mất dữ liệu quan trọng đã được mô phỏng. Chỉ số thể hiện sự căng thẳng này cho thấy những người trả lời thực sự sợ hãi. Tuy nhiên, nhiệt độ đầu mũi cũng giảm khi người tham gia tin là mình bị mất các dữ liệu không quan trọng và sự khác biệt nhiệt độ so với trường hợp trên là không đáng kể. Kết quả xảy ra tương tự khi làm thí nghiệm quan sát nét mặt người dùng.
Mặc dù các thí nghiệm cho thấy người dùng đổ mồ hôi lạnh, và trông có vẻ chán nản với ý nghĩ là mình bị mất dữ liệu, thì sự khác biệt về việc tiết mồ hôi, nhiệt độ đầu mũi và biểu hiện của nỗi buồn không nhiều khi so sánh giữa việc mất dữ liệu quan trọng và dữ liệu bình thường. Điều này chứng tỏ rằng ngay cả những dữ liệu nhỏ cũng gây mất bình tĩnh về thể chất, và người trả lời chỉ nhận ra được mức độ quan trọng của dữ liệu đối với họ, khi họ tin rằng họ đã mất nó.
Andrei Mochola, Giám đốc Kinh doanh Khách hàng tại Kaspersky Lab bình luận: “Nghiên cứu cho thấy rằng vấn đề mất dữ liệu gây ra phản ứng cảm xúc và thể chất ở người. Tuy nhiên, thực tế dường như là người dùng không thực sự biết loại dữ liệu nào có giá trị hơn với họ cho đến khi nó thực sự bị mất, vì nhiều người có phản ứng về thể chất ngay cả khi họ tưởng rằng mình đã mất dữ liệu không quan trọng. Có lẽ điều này giải thích tại sao người dùng không có sự quan tâm và bảo vệ cần thiết cho những dữ liệu mà họ lưu trữ trên các thiết bị của mình, mặc dù họ luôn cho là nó rất quan trọng. Họ vẫn chưa thực sự hiểu được giá trị của dữ liệu của mình, và có biện pháp thích hợp để bảo vệ nó.”