Home Tin tức Ba ý tưởng AI xuất sắc của Việt Nam tham dự vòng...

Ba ý tưởng AI xuất sắc của Việt Nam tham dự vòng loại AI For Accessibility Hackathon

0

Cuộc thi AI for Accessibility Hackathon do Microsoft tổ chức đã tìm được ba ý tưởng AI đại diện cho Việt Nam tiếp tục tham dự vòng loại khu vực châu Á Thái Bình Dương (APAC).

Ba ý tưởng được chọn là: Ý tường Smile – đến từ MTI Technology; Ý tưởng D-Map – đến từ trung tâm Khuyết tật và Phát triển DRD; Ý tưởng Smart Eye – đến từ SaigonThink. Các ý tưởng này sẽ được tiếp tục vào vòng loại khu vực châu Á Thái Bình Dương để ứng tuyển tiếp theo cho chương trình AI for Accessibility toàn cầu.

AI for Accessibility được công bố tại sự kiện thường niên Microsoft Build vào năm 2018. Thông qua chương trình này, Microsoft dành ra 25 triệu đô trong 5 năm nhằm khuyến khích những ý tưởng ứng dụng công nghệ, cụ thể là trí thông minh nhân tạo (AI) vào việc xây dựng một thế giới hòa nhập và tiếp cận cho người khuyết tật. Cụ thể, Microsoft sẽ tài trợ chi phí dưới hình thức điểm sử dụng dịch vụ trên đám mây Azure và tư vấn về kỹ thuật cho những ý tưởng nổi bật giúp cải thiện (1) vấn đề việc làm, (2) cuộc sống và (3) kết nối và cộng đồng cho người khuyết tật.

Ý tường Smile của MTI Technology

Theo như đội chơi cho biết trong quá trình thực hiện khảo sát tại nhiều trường học khiếm thính địa phương cũng như các tổ chức phi lợi nhuận, trẻ em khiếm thính bẩm sinh thường mất 2-3 năm để có thể hoàn thành một năm học của trẻ bình thường. Chính vì những hạn chế ở khả năng nghe nói của trẻ, các thầy cô và phụ huynh cũng đối mặt với nhiều khó khăn trong việc dạy các em nhận biết mặt chữ cũng như ngôn ngữ ký hiệu.

Smile là giáo trình dạy và học ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ khiếm thính, với các cấp bậc từ đơn giản đến phức tạp. Người dùng xem hướng dẫn thực hiện ký hiệu qua video, sau đó thực hành ký hiệu bằng thiết bị cảm ứng như Leap Motion hoặc Microsoft Kinect. Smile còn có tính năng nhận diện và dịch ngôn ngữ ký hiệu, giúp trẻ khiếm thính có thể giao tiếp dễ dàng hơn với các thầy cô và phụ huynh của mình.

Ý tưởng D-Map – Trung tâm Khuyết tật và Phát triển DRD

Bản thân là người khuyết tật, các thành viên đến từ trung tâm DRD đã đưa ra ý tưởng nâng cấp ứng dụng D.Map hiện có của mình với các tính năng AI. Giải pháp D.Map sử dụng khả năng nhận biết và phân tích hình ảnh, video từ nhiều nguồn khác nhau (dữ liệu chia sẻ từ người dùng, dữ liệu hình ảnh và video từ camera của thành phố, tòa nhà) để đưa ra những thông tin cần thiết, giúp người khuyết tật nhận biết và đánh giá khả năng tiếp cận của các tuyến đường, tòa nhà hoặc các nơi công cộng khác. Đội chơi cũng mang hoài bão mong muốn ứng dụng này sẽ góp phần giúp xây dựng TP.HCM thành một thành phố thông minh và dễ tiếp cận cho người khuyết tật đầu tiên tại Việt Nam.

Ý tưởng Smart Eye – đến từ SaigonThink

Đây là ý tưởng tích hợp các tính năng nhận diện vật thể, chữ viết, khuôn mặt, cảnh vật,… vào một chiếc kính kết nối tai nghe dành cho người khiếm thị. Smart Eye sẽ miêu tả thế giới xung quanh trong thời gian thực, giúp người khiếm thị biết được xung quanh mình hiện đang có gì và đang diễn ra những sự việc gì. Với công cụ này, người khiếm thị có thể tự tin di chuyển cũng như thực hiện những công việc hàng ngày như đi chợ, mua hàng, đọc sách mà không hề, hoặc có rất ít rào cản so với người bình thường.

Ý tưởng Grab cho người khuyết tật – đến từ đội Grab và Enable Code

Xuất phát từ mong muốn tạo việc làm cho người khuyết tật, giúp họ có nhiều cơ hội được tiếp xúc và trải nghiệm nhiều hơn ngoài xã hội, đội chơi đã đưa ra ý tưởng giúp người khuyết tật có thể tham gia trở thành nhân viên giao hàng của GrabFood. Theo chia sẻ của đội chơi, ý tưởng của họ sẽ sử dụng những nguồn dữ liệu chung do người dùng cung cấp, hoặc từ các camera quan sát của thành phố, từ đó dùng AI để thực hiện các phân tích hình ảnh, video và đề xuất ra tuyến đường đi phù hợp nhất cho người khuyết tật, giúp họ có thể thực hiện đơn hàng trong thời gian ngắn như các nhân viên giao hàng bình thường khác.

Ý tưởng MDD – đến từ New Ocean Information System (NOIS)

Nhận thấy các đối tượng khuyết tật về tâm thần là các đối tượng ít nhận được sự đồng cảm từ xã hội so với các nhóm người khuyết tật khác, đội NOIS đã đưa ra giải pháp nhận biết những đối tượng này thông qua hình ảnh và video từ camera của thành phố, từ đó phân tích và dự đoán hành vi của đối tượng. Mục đích của giải pháp này là để giúp chính quyền địa phương nhận được thông báo và dự đoán hành vi, để có thể đưa ra những hỗ trợ kịp thời trong trường hợp những đối tượng này có khả năng tự tổn hại đến bản thân.

Theo Ban Tổ chức, 5 tiêu chí đánh giá (1) Xác định đối tượng và rào cản cụ thể, (2) Đáp ứng nhu cầu rõ ràng, (3) sự sáng tạo, (4) Yếu tố AI, (5) khả năng triển khai trên diện rộng; ban giám khảo đã chọn ra ba ý tưởng phù hợp nhất với tiêu chí của chương trình.

Previous articleBE Group hợp tác Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp nâng cao kỹ năng nghề cho tài xế
Next articleXiaomi ra mắt Mi9 Lite dành cho chụp ảnh chuyên nghiệp, giá 7,5 triệu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here