Bosch hoàn thành năm đầu tiên chương trình đào tạo nghề kỹ thuật công nghiệp (TGA) dành cho 46 học viên.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức, ông Sigmar Gabriel.
Bosch là một trong những nhà đầu tư công nghệ cao lớn nhất của châu Âu tại Việt Nam. Chương trình TGA kết hợp giữa đào tạo lý thuyết tại Trường cao đẳng Công nghệ và Kỹ thuật LILAMA2 tại Việt Nam và học qua thực hành tại Bosch. Khi tốt nghiệp, các học viên sẽ được cấp hai giấy chứng nhận tốt nghiệp từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam và LILAMA2.
Trong chuyến thăm CHLB Đức gần đây, khi đề cập đến chương trình hợp tác đào tạo nghề TGA giữa Bosch và LILAMA2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu: “Tập đoàn Bosch đã giúp phát triển mô hình đào tạo kép kết hợp đào tạo lý thuyết và qua thực hành mà Chính phủ (Việt Nam) ủng hộ và khuyến khích. Tôi kỳ vọng Bosch tiếp tục đẩy mạnh mô hình này tại Việt Nam”.
Chương trình đào tạo nghề TGA tại Việt Nam được thực hiện theo hệ thống và chuẩn mực đào tạo nghề hiện tại của Đức. Tại Việt Nam, Bosch đã đưa chương trình vào hoạt động từ tháng 11 năm 2013 với đầu tư ban đầu là 1 triệu đô la Mỹ (tương đương 760.000 euro).
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức, ông Sigmar Gabriel, phát biểu trong chuyến thăm trung tâm đào tạo nghề TGA của Bosch Việt Nam vào ngày 20-11-2014: “Mối quan hệ bền vững giữa Việt Nam và CHLB Đức đã mở đường cho việc nâng cao chuẩn về kỹ năng nghề tại Việt Nam. Sáng kiến như việc hợp tác giữa Bosch và LILAMA2 là một nỗ lực tiên phong và một ví dụ điển hình cho nhiều công ty và các trường dạy nghề khác tại Việt Nam.”
Tại châu Á, trước khi tiến hành chương trình TGA tại Việt Nam, Bosch đã thực hiện các chương trình đào tạo nghề kỹ thuật tương tự tại Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan. Ông Peter Tyroller, thành viên Hội đồng quản trị tập đoàn Bosch phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nhận định: Nhu cầu về chuyên viên có trình độ liên tục gia tăng tại châu Á do đầu tư của tập đoàn tại khu vực sẽ được duy trì ở mức cao trong những năm sắp tới. Do tăng cường khả năng nội địa hóa, Bosch đang phát triển tài năng địa phương để đáp ứng yêu cầu ngày càng gia tăng của hoạt động kinh doanh hiện đang tăng trưởng nhanh tại châu Á.
Hơn 6 năm kể từ khi Bosch chính thức hoạt động tại Việt Nam, công ty đã nâng lực lượng lao động lên khoảng 2.000 người và trở thành một trong những công ty công nghệ cao châu Âu lớn nhất tại Việt Nam. Bosch đã đầu tư 340 triệu đô la Mỹ (tương đương 260 triệu euro) vào nhà máy Gasoline Systems ở tỉnh Đồng Nai. Bên cạnh đó, công ty có hai trung tâm nghiên cứu và phát triển tại TPHCM chuyên về công nghệ phần mềm và kỹ thuật ô tô (các giải pháp mobility).
Ông Võ Quang Huệ, Tổng Giám đốc công ty Bosch tại Việt Nam, cho hay: “Chúng tôi đã thiết lập chương trình đào tạo kỹ thuật theo các chuẩn mực đào tạo nghề và thế mạnh sản xuất nổi tiếng của Đức nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng công nghệ cao cho lực lượng lao động địa phương. Bosch cam kết thúc đẩy việc cải tiến giáo dục trong nước và vui mừng góp phần tích cực vào việc phát triển hệ thống đào tạo nghề tại Việt Nam”.