Zalo đã cán mốc 100 triệu người dùng. Ứng dụng không chỉ đáp ứng nhu cầu liên lạc mà còn là công cụ hỗ trợ đắc lực cho cuộc sống hằng ngày và là nền tảng hiệu quả được các cơ quan nhà nước sử dụng để xây dựng chính quyền 4.0.
Đến tháng 5/2018, đã có hơn 20 tỉnh thành gồm Đà Nẵng, Đồng Nai, Tiền Giang, Thái Bình, Đồng Tháp, Quảng Ngãi… chọn Zalo để giải quyết các thủ tục hành chính và tương tác với người dân. Điều này không chỉ giúp xây dựng hình ảnh chính quyền năng động mà còn giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, nguồn lực của xã hội khi người dân chỉ cần ngồi tại nhà với một chiếc smartphone cũng có thể dễ dàng kiểm tra tình trạng hồ sơ, góp ý với các cơ quan nhà nước hoặc cập nhật những thông tin, chính sách, dự thảo luật mới nhất.
Bên cạnh đó, người dùng có thể dễ dàng như mua sắm hàng hóa trên Zalo Shop với những ưu đãi hấp dẫn, tra cứu xe bus phục vụ đi lại, tra cứu thông tin thời tiết, mua vé máy bay, tra cứu vệ sinh an toàn thực phẩm các cửa hàng ăn uống, cập nhật thông tin y tế, đặt lịch khám, thanh toán hóa đơn điện nước,…
Với doanh nghiệp, Zalo là kênh tiếp cận và tương tác với khách hàng rất hiệu quả. Hàng loạt các thương hiệu lớn như Sunhouse, Asanzo, Juno…đến từ nhiều ngành hàng khác nhau cũng đang triển khai các dịch vụ bán hàng trên nền tảng Zalo.
Sau cột mốc này, mục tiêu quan trọng của Zalo vẫn là tối ưu hóa sản phẩm để phục vụ nhu cầu liên lạc của người dùng Việt cũng như tiếp tục mang đến những tiện ích hữu dụng hơn cho cuộc sống hằng ngày. Ở khía cảnh sản phẩm, ngoài việc đảm bảo kết nối nhanh, ổn định, thời gian gần đây, Zalo cũng gây chú ý bởi những cải tiến nổi bật ở các tính năng có liên quan đến camera như cải thiện việc chia sẻ hình ảnh tốc độ cao, ra mắt tính năng video hiển thị trong 24h, tin nhắn ảnh tự huỷ, chụp ảnh, quay video clip đính kèm hiệu ứng, phát trực tiếp video trong nhóm… Các cải tiến đi kèm không chỉ gia tăng trải nghiệm mà còn xoá bỏ sự nhàm chán trong các cuộc hội thoại nhắn tin thông thường. Ngoài ra, Zalo cũng sẽ liên tục tích hợp các dịch vụ của bên thứ 3 lên nền tảng để phục vụ khách hàng.
Ngoài lãnh thổ Việt Nam, Zalo hiện đang là công cụ giao tiếp của cộng đồng người Việt khắp thế giới. Vào tháng 6/2016, Zalo bắt đầu phát hành phiên bản địa phương đầu tiên ở thị trường Myanmar và thu hút 2 triệu người dùng chỉ sau 4 tháng. Zalo đang là một trong ứng dụng giao tiếp phổ biến ở quốc gia này.