Data Center của Viettel vừa mới khai trương ngày 10/4/2024, có công suất tiêu thụ điện lên tới 30 MW, với hơn 2.400 tủ rack và chỉ số PUE <1,5…
Tại Việt Nam, khi nói đến độ lớn hay quy mô của các DC, người ta thường đo bằng các chỉ số như diện tích mặt sàn hay số tủ rack. Thế nhưng, những con số này chỉ có ý nghĩa khi nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở các dịch vụ lưu trữ và tính toán cơ bản và có thể sử dụng các tủ rack có công suất 2-3kW.
Diện tích hay số tủ rack sẽ không thể hiện được hiệu năng của Data Center (DC) trong việc xử lý các tác vụ phức tạp như phát triển AI hay phân tích dữ liệu lớn. Thay vào đó, công suất hay năng lượng điện tiêu thụ tối đa tính theo MW trở thành tiêu chuẩn mới.
“Sở dĩ ở Việt Nam có cách tính quy mô theo số rack vì trước đây mỗi rack có công suất khá tương đồng với nhau”, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Viettel IDC, giải thích.
Điều này đã thay đổi với sự xuất hiện của các công nghệ như AI, học máy, dữ liệu lớn, đòi hỏi các hệ thống hiệu năng cao. Chẳng hạn, chỉ một GPU H100 của Nvidia, vi xử lý chuyên dụng để chạy các mô hình AI, tiêu thụ đến 700W. Một tủ rack với thiết kế cũ, công suất thấp, không thể đáp ứng việc vận hành hàng chục GPU này cùng lúc để xử lý các ứng dụng trí tuệ nhân tạo hoặc phân tích dữ liệu lớn.
“Một rack chạy AI có thể đòi hỏi công suất 50kW, có nghĩa là gấp mười mấy lần so với các rack thế hệ cũ”, ông Hoài Nam cho biết.
Trong khi đó, AI mới là động lực chính cho ngành công nghiệp dữ liệu. Gartner ước tính AI giúp chi tiêu đám mây toàn cầu tăng gần 22% vào năm 2023, do các doanh nghiệp có nhu cầu xử lý dữ liệu và phát triển ứng dụng AI.
Khi hiệu năng tính toán mới là điều các doanh nghiệp quan tâm, khái niệm diện tích mặt sàn hay số lượng tủ rack không còn mang nhiều ý nghĩa khi đo lường quy mô của một DC, thay vào đó là công suất. DC có số tủ rack là 1.000 nhưng mỗi tủ rack chỉ thiết kế công suất tiêu thụ điện khoảng 3kW thì sẽ có quy mô thực còn bé hơn nhiều so với 500 tủ rack nhưng công suất tiêu thụ mỗi tủ rack là 10kW.
Với các DC hiện đại trên thế giới, một rack không còn mức tiêu thụ 2-3kW mà được thiết kế về nguồn điện và tản nhiệt để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ có thể lên tới 50kW. Và độ lớn hay quy mô của một DC hiện giờ được đo bằng công suất điện có thể đáp ứng chứ không phải là số tủ rack hay diện tích mặt sàn.
Đây là lý do DC mới của Viettel IDC tại Hòa Lạc (Hà Nội) có khả năng đáp ứng công suất tiêu thụ điện lên tới 30MW là trung tâm có công suất lớn nhất Việt Nam, cao hơn gấp đôi so với DC thông thường trước đây, cho dù số rack và diện tích mặt sàn tương đồng.
Nếu tính theo công suất của các tủ rack thế hệ cũ, thì DC này có thể đáp ứng nhu cầu điện năng cho 10.000 racks. Tuy nhiên trên thực tế, Trung tâm dữ liệu Viettel Hoà Lạc có hơn 2.400 tủ rack, do các rack được thiết kế công suất cao, trung bình 10kW, để đáp ứng các nhu cầu về AI, Big Data. Một số rack có công suất lên đến 50kW.
Để có thể đáp ứng thiết kế mật độ cao này, DC phải được thiết kế dựa trên các công nghệ khác so với trước đây.
“Thông thường để đáp ứng công suất rack nhỏ là 3-5kW thì chỉ cần dùng tản nhiệt thổi sàn và sử dụng lồng ngăn lạnh. Điểm khác biệt của DC Viettel Hoà Lạc là sử dụng các rack công suất cao để đáp ứng nhu cầu tính toán hiệu năng cao cho AI, dữ liệu lớn, do đó hệ thống làm mát cũng phải sử dụng công nghệ giải nhiệt nước mới nhất, hiệu suất cao hơn giải nhiệt gió”, ông Nguyễn Mạnh Tùng, Trưởng ban dự án DC Viettel Hòa Lạc, cho biết. Cơ sở này sử dụng hệ thống làm lạnh ly tâm đệm từ, là giải pháp làm mát DC tiên tiến nhất, có hiệu suất sử dụng năng lượng cao hơn so với các hệ thống khác 40%.
Đây cũng là một trong những giải pháp công nghệ giúp DC Viettel Hoà Lạc đạt chứng nhận tín dụng xanh của HSBC. “Vấn đề lớn nhất quyết định DC có được chứng nhận xanh hay không là tiêu thụ năng lượng, và giải pháp là các hệ thống thiết bị hiệu suất cao, giảm tiêu hao nguồn trong khi đạt được hiệu năng cao”, ông Hoài Nam cho biết.
Với thiết kế mật độ cao, chính xác và tối ưu, DC này đáp ứng được các nhu cầu tính toán hiệu năng cao của khách hàng doanh nghiệp, trong khi chi phí năng lượng cần để thực hiện một khối lượng công việc giảm.
Hiệu quả này được thể hiện qua chỉ số PUE, tỷ lệ tổng năng lượng trên năng lượng của thiết bị công nghệ thông tin. PUE càng thấp càng cho thấy DC vận hành hiệu quả, không cần quá nhiều năng lượng để vận hành thiết bị tính toán. Trong khi ở Việt Nam, các DC có mức PUE 1,6 đến 1,7 thì DC Viettel Hoà Lạc dẫn đầu ngành với mức PuE 1,4 – 1,5.
“Với số đơn đặt hàng mà chúng tôi đang chứng kiến ngay tại DC này, có thể thấy các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam ngày càng có nhiều nhu cầu về tính toán hiệu năng cao. Khi chúng ta chuyển dịch 5G, các ứng dụng ngày càng thông minh hơn, nhu cầu người dùng cao hơn thì việc mở rộng hạ tầng trung tâm dữ liệu là bắt buộc”, ông Hoài Nam cho biết.
“Cũng vì thế mà các tiêu chuẩn về hạ tầng dữ liệu ngày càng phải tăng, sao cho hạ tầng này đạt được hiệu suất cao, bền vững, giảm tác động môi trường. Đây cũng là các cam kết của Viettel”.