Trong các lĩnh vực như cloud (điện toán đám mây), big data (dữ liệu lớn), mobility (di động), doanh nghiệp CNTT Việt Nam hoàn toàn có thể sánh với thế giới.
Việt Nam vào Top 10 nước gia công phần mềm tốt nhất
Microsoft cam kết phát triển công nghệ tại Việt Nam
Internet of things – Nền tảng hội tụ cho giao thông đô thị thông minh
Phát biểu trong Hội nghị phát triển gia công CNTT Việt Nam (VNITO) 2015 hôm 15/10, chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến cho rằng, xét về các lĩnh vực như cloud (điện toán đám mây), big data (dữ liệu lớn), mobility (di động), trình độ các công ty tại Việt Nam hoàn toàn có thể sánh vai với các đối thủ lớn trên thế giới.
Ông Tiến dẫn trường hợp FPT Software hợp tác với nhà mạng AT&T (Mỹ) để đưa các chương trình của nhà mạng này lên cloud, qua đó có khoảng 60 triệu người dùng tại Mỹ sử dụng các ứng dụng trên cloud này. Khoảng 800 kỹ sư Việt Nam hàng ngày đã làm việc với AT&T trong dự án. Để đạt được hợp đồng này, FPT Software phải cạnh tranh với các đối thủ lớn ở tầm thế giới.
Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến chỉ tay vào logo FPT bên cạnh logo các hãng lớn được chứng thực bởi Amazon – Ảnh: H.Đ
Một khách hàng khác của FPT Software là một công ty hóa chất rất lớn, có lịch sử 200 năm tại Mỹ, cũng ký một hợp đồng kỷ lục với FPT Software để đưa 7.000 database (dữ liệu) gồm hệ thống và các ứng dụng lên cloud.
Trong trường hợp khác, như cuộc khủng hoảng Ukraine – nơi xảy ra cuộc nội chiến giữa các phe trong năm 2014 – FPT Software cũng tham gia làm thay các doanh nghiệp này về lĩnh vực cloud khi các doanh nghiệp gặp khó trong lúc chiến tranh. Ông Tiến cũng ví dụ các trường hợp tương tự như nếu ở Philippines có bão, gây ảnh hưởng đến sự liên tục của công việc ở các công ty phần mềm trong lĩnh vực cloud hay mobility, thì các công ty Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia đảm bảo tính liên tục của công việc. Và trong phần trình bày của mình, ông Tiến dẫn một hình chụp trong đó logo FPT sánh ngang với các công ty lớn tầm cỡ quốc tế như NEC, Hitachi, Fujitsu… Đây là danh sách đối tác kỹ thuật mà Amazon chứng nhận.
Cũng theo ông Tiến, mặc dù Việt Nam chưa thể đạt được đến trình độ tạo ra nền tảng cloud (cloud maker) như các công ty lớn như Amazon, nhưng hoàn toàn có thể đảm đương tốt công việc vận chuyển cloud (cloud transporter), tức các công việc như ví dụ ở trên. Chủ tịch công ty sắp đạt 10.000 nhân viên cho rằng, những năm 2000 nhân sự kiện Y2K khiến Ấn Độ nổi lên như một cường quốc gia công phần mềm, thì nay ở giai đoạn mobility, cloud, big data, Việt Nam có thể tận dụng để trở thành Ấn Độ thứ hai.
Cũng trong hội thảo VNITO 2015, ông Hung Q. Nguyen – CEO kiêm chủ tịch công ty LogiGear – cho biết công ty thành lập tại Silicon (Mỹ) được khoảng 20 năm. Vào giai đoạn bong bóng các công ty dotcom bị vỡ năm 2000, LogiGear đã cắt giảm nhân sự và tìm kiếm các nguồn lực bên ngoài bằng cách outsourcing (thuê ngoài gia công), công ty vừa tìm hiểu thị trường Ấn Độ lẫn thị trường Việt Nam. Ở giai đoạn đầu, LogiGear lo lắng nhân sự tại Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu nhưng sau khi giao thử vài dự án, các kỹ sư Việt Nam đã làm rất tốt và LogiGear từ đó quyết định phát triển công ty tại Việt Nam. Từ vài nhân viên ban đầu, công ty đã phát triển được khoảng 800 nhân viên đến nay, trong đó có khoảng 200 nhân viên tại Đà Nẵng.
Ông Hung Q. Nguyen cho biết trình độ kỹ sư Việt Nam tại công ty ông rất tốt, hiện đã đảm đương các công việc từ phức tạp đến rất phức tạp, bao gồm các lĩnh vực như dầu khí, truyền hình, theo dõi mạng lưới… Chủ tịch LogiGear cho biết, ông rất tự hào về đội ngũ kỹ sư Việt Nam của công ty và biết ơn đất nước nơi ông đặt trụ sở gia công đã tạo điều kiện cho công ty phát triển.