Home Talk Ví điện tử sẽ phát triển do nhu cầu và quy mô...

Ví điện tử sẽ phát triển do nhu cầu và quy mô người dùng

0

Ngày 14/6/2017, Tập đoàn Đại Sứ Trẻ (Yeah1) đã ra mắt Ví điện tử WebMoney. Dịp này, Mobile Review đã phỏng vấn ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), Chủ tịch Yeah1.

Ông đánh giá như thế nào về thị trường Fintech tại Việt Nam?

Cách đây 2 năm, khi ngân hàng Nhà nước cấp phép cho các hoạt động thanh toán trung gian là tiền đề cho các doanh nghiệp Fintech. Đến nay, có khoảng 40 công ty đang tìm hướng đi, những khác biệt của mình để xâm nhập thị trường. Giai đoạn này là thời cơ chính mùi, trước sức ép từ thương mại điện tử nên các đơn vị Fintech buộc phải chuyển mình để đáp ứng thị trường.

Fintech phục vụ cho 3 thị trường chính: thương mại điện tử, banking, cung cấp những dịch vụ khác cho người dùng. Tại một số nước, Fintech đã phát triển rực rỡ như Singpore, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc… Tại nước ngoài, ví điện tử khi chuyển tiền vào thì có thể thực hiện rất nhiều dịch vụ khác nhau. Chẳng hạn ví điện tử Alipay, bạn có thể chuyển tiền, cho vay peer-to-peer, thanh toán, huy động vốn, thương mại điện tử,… và doanh số có thể lên đến hàng tỷ USD thông qua các hoạt động bán hàng như crazy-sale, flash sale, Black-Friday, ngày độc thân,… họ đã giải quyết khá nhiều các nhu cầu xã hội thông qua nền tảng công nghệ. Ví dụ Xiaomi họ có thể bán hàng trăm ngàn chiếc smartphone chỉ trong 1 ngày thông qua hình thức này thay vì mấy tram ngàn khách hàng phải xếp hàng thực hiện việc mua đó. Khi Fintech đạt đến giai đoạn phát triển cao sẽ giúp giải quyết rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Riêng tại Việt Nam thì gần như còn sơ khai, chỉ thanh toán một số dịch vụ cơ bản như thẻ game, thẻ điện thoại, trả tiền điện nước và gần đây là thanh toán vé tàu xe, vé xem phim,… Đối với thanh toán điện nước, chỉ thực hiện tại một số nơi do quy định khác nhau ở từng vùng miền và mức độ kết nối chưa sẵn sàng cũng là một rào cản cho Fintech. Đối với hình thức thương mại điện tử, thanh toán chủ yếu (trên 90% tại Việt Nam) vẫn là hình thức COD (Cash on Delivery – Thanh toán tiền khi giao hàng) do Fintech chưa sẵn sàng. Những dịch vụ thanh toán trung gian góp phần đảm bảo giao dịch được an toàn hơn, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển. Ví dụ, bạn lên mạng mua món hàng tại Biên Hòa, người bán hàng yêu cầu chuyển trước 10% nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu họ không giao hàng cho bạn. Chính những đơn vị thanh toán trung gian sẽ hỗ trợ việc xác nhận bạn đã chuyển khoản và đóng băng tài khoản một khi giao dịch có dấu hiệu lừa đảo. Một ví dụ khác, khi có một hoàn cảnh hiểm nghèo cần giúp đỡ thông qua hình thức crowd funding. Trong một vài tiếng có thể huy động mấy tỷ đồng. Nếu mình lập tổng đài, chuyển khoản internet-banking, chuyển khoản nhiều người cùng một lúc và khi đối soát rất có thể nhầm lẫn trong khi Fintech có thể giải quyết tốt cho bài toán này. Tại những nước phát triển, Fintech cũng giúp ích cho việc gọi, huy động vốn rất hiệu quả. Có thể nói, lĩnh vực Fintech rất là rộng và tiềm năng của nó rất lớn vì mang lại nhiều tiện ích.

Những vướng mắc các Fintech đang gặp phải hiện nay là gì?

Rào cản lớn nhất của Fintech chính là công nghệ. Về điểm này phải đánh giá cao, người Việt mình tạo ra nhiều sản phẩm; Vấn đề thứ hai là vốn. Việc phát triển một sản phẩm Fintech đòi hỏi doanh nghiệp phải tìm tòi giải pháp, thuê vài trăm lập trình viên, nhân lực rất lớn nên cần phải có nguồn tài chính mạnh. Đa phần doanh nghiệp Fintech Việt Nam tự mày mò đi lên từ quy mô nhỏ, do đó, phát triển sản phẩm thường chậm hơn những đối tác khác. Những sản phẩm thường chưa hoàn thiện nên làm xong chưa dám tung ra sợ bị đánh cắp ý tưởng, bị hack hệ thống,… Đối với những doanh nghiệp Fintech nhỏ thì lượng giao dịch hàng ngày có thể lên đến chục tỷ đồng nhưng nếu hệ thống bị hack giao dịch thì sẽ phá sản như chơi; Vấn đề thứ ba, kinh nghiệm phát triển sản phẩm. Sản phẩm cần đặc thù, đáp ứng nhu cầu thị trường;

Ngoài ra, vấn đề pháp lý làm sao hài hòa giữa tính pháp lý và sự phát triển của công nghệ. Có những nước tạo điều kiện cho Fintech phát triển, có những quy định sửa đổi với sự phát triển dựa theo nhu cầu xã hội. Những quy định pháp lý thường đi sau nhu cầu sáng tạo, đổi mới công nghệ. Ví dụ tại Việt Nam, Fintech thực hiện huy động vốn thì cơ sở pháp lý như thế nào? Những quỹ đầu tư, đơn vị quản lý quỹ, những công ty phát triển start-up họ có thể làm crowd-funding nhưng họ có thể quản lý quỹ hay không? Khó khăn nữa là các merchant (đối tác thương mại) chưa sẵn sàng cho việc kết nối.

Trong vòng 12 tháng tới, thị trường Fintech sẽ bùng nổ vì xu hướng thương mại điện tử phát triển do nhu cầu và quy mô của người dùng. Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam mới chỉ đạt hơn 4 tỷ USD và hơn 90% thông qua hình thức COD nên có rất nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Fintech. Với hơn 91 triệu dân và lượng người sử dụng smartphone rất cao như Việt Nam thì những “ông lớn” nước ngoài chắc chắn sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Tại các ngân hàng, xu hướng xây dựng những trang mua sắm internet-banking cũng đang phát triển. Nhu cầu chuyển tiền thanh toán quốc tế. Đứng trước những yêu cầu xã hội, áp lực cạnh tranh rất lớn nếu các doanh nghiệp Fintech không đáp ứng kịp sẽ phải dừng cuộc chơi.

Các kiến nghị và cần sự hỗ trợ nào từ cơ quan quản lý nhà nước?

Thị trường Fintech Việt Nam có thể chia làm 2 giai đoạn. Khi giai đoạn pháp lý chưa hình thành, hầu hết các doanh nghiệp Fintech chỉ chạy thử nghiệm, chưa dám đầu tư nhiều. Cho đến khi thông tư cấp phép hoạt động chính thức cho các doanh nghiệp Fintech của Ngân hàng Nhà nước thì các đơn vị thanh toán trung gian, thu chi hộ, ví điện tử mới lao vào đầu tư, phát triển dịch vụ như NganLuong ra mắt ví điện tử, Yeah1 ra mắt WebMoney, Payoo, Zalopay,…

Cơ chế hợp tác giữa các Fintech và ngân hàng hiện nay ra sao?
WebMoney hiện nay hợp tác với nhiều đối tác ngân hàng như HDBank, ABBank, KienLongBank,… sự hợp tác này giúp cho khách hàng dễ dàng thanh toán, nạp tiền di động Topup.

Khi các bank, Fintech triển khai đẩy mạnh áp dụng công nghệ số vào hoạt động dẫn đến tình trạng thừa nhân sự trong tương lai. Cách giải quyết vấn đề đó như thế nào?

Chắc chắn, xu hướng ngân hàng mô hình lifestyle triển khai tại các café, trung tâm thương mai và họ không cần mở rộng nhiều chi nhánh, thuê nhiều địa điểm, cần nhiều nhân viên. Thay vào đó, họ chỉ cần có trụ sở giao dịch chính, vài điểm giao dịch lớn và đầu tư nền tảng công nghệ tốt là có thể dễ dàng triển khai các dịch vụ cho khách hàng. Công nghệ cho phép ngân hàng, công ty Fintech đồng hành với khách hàng của mình mọi lúc mọi nơi.

Cám ơn và kính chúc ông thật nhiều sức khỏe!

Previous articleBảo vệ người dùng khỏi WannaCry
Next articleDigiworld trở thành nhà phân phối laptop Fujitsu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here