Công ty an ninh mạng toàn cầu Kaspersky Lab và Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Quốc gia Việt Nam (NCSC) vừa ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) nhằm đưa ra các giải pháp cho những thách thức về an ninh thông tin trong nước, cũng như hỗ trợ nâng cao năng lực bảo mật mạng của chính phủ Việt Nam.
Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Quốc gia là cơ quan đóng vai trò trung tâm trong giám sát và hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp, chính phủ và hệ thống thông tin cơ quan nhằm đảm bảo an toàn thông tin; quản lý cơ sở dữ liệu thông tin và hệ thống kỹ thuật để đảm bảo an ninh mạng cho chính phủ và cơ quan hành pháp. Thông qua ký kết với Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Quốc gia, Kaspersky Lab mong muốn chia sẻ chuyên môn và kinh nghiệm về bảo mật đã tích lũy trong 21 năm qua, nằm trong nỗ lực giúp Việt Nam trở thành đất nước an toàn khi tham gia vào không gian mạng.
Ngoài ra, tuân thủ tính minh bạch như cho phép NCSC và các cơ quan có liên quan khác xem xét mã nguồn, cập nhật và kiểm tra các thành phần khác trong các sản phẩm Kaspersky Lab thông qua Trung tâm minh bạch tại Zurich, Thụy Sỹ; Chia sẻ thông tin và dữ liệu liên quan thông qua NCSC; Hỗ trợ lẫn nhau trong các cuộc điều tra tội phạm mạng theo hướng dẫn và giám sát của NCSC và các cơ quan liên quan.
Ông Maxim Frolov, Phó Chủ tịch Kinh doanh toàn cầu, Kaspersky Lab, chia sẻ: “Đảm bảo an toàn trong không gian mạng đòi hỏi sự tin tưởng lẫn nhau và sự hợp tác chặt chẽ giữa khối chính phủ và khu vực tư nhân. Chúng tôi rất vui khi được hợp tác với NCSC và cũng rất mong chờ để được thấy những lợi ích từ sự ký kết này sẽ mang lại cho công dân Việt Nam. Nỗ lực chung là cách tốt nhất để chống lại tội phạm mạng, bất kể biên giới và lãnh thổ. Chúng tôi chia sẻ chuyên môn, kiến thức và kỹ thuật của mình với thế giới vì chúng tôi tin rằng an ninh mạng cần có một cộng đồng. Chúng tôi hy vọng sẽ hỗ trợ Việt Nam theo cách tốt nhất có thể như chúng tôi đã và đang hợp tác với các chính phủ khác trên thế giới”.
Ông Stephan Neumeier, Giám đốc Điều hành Kaspersky Lab APAC, cho biết: “Luật An ninh mạng là bằng chứng cho thấy an ninh mạng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Chúng tôi tin rằng sự hợp tác toàn diện này giữa khu vực công và tư sẽ là một ví dụ điển hình về việc chia sẻ thông tin và chuyên môn giúp mang lại lợi ích cao cho cả hai khu vực. Thỏa thuận này đánh dấu một bước tiến mới trong hợp tác lâu dài mà hai bên hướng tới với các hoạt động cụ thể, hiệu quả và thiết thực hơn vì một môi trường mạng an toàn”.
Trong Quý 4/2018, đã có 992.952 cuộc tấn công trực tuyến xuất phát từ Việt Nam, theo số liệu từ Kaspersky Security Network, khiến Việt Nam trở thành nguồn phát tán mối đe dọa lớn trên thế giới. Về các cuộc tấn công trực tuyến, 21,5% người dùng phải đối mặt với các mối đe dọa. Về phát hiện lây nhiễm được cập nhật liên tục trên mỗi giây, Việt Nam luôn nằm trong top 3 các quốc gia bị lây nhiễm nhiều nhất.
Tại thời điểm Luật An ninh mạng vừa có hiệu lực, thỏa thuận nhằm tăng cường hơn nữa năng lực phát triển và xây dựng an ninh mạng trong khối chính phủ; vì đây là nơi đảm bảo sự an toàn và bảo mật cho khối công trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0.