Báo cáo tổng kết năm 2015 của Lazada vừa công bố đã gây bất ngờ với con số giao dịch trên di động qua mạng chiếm đến 60% doanh số toàn Công ty.
Mua sắm qua di động tại Sendo.vn, Zalora.vn, Thegioididong.com… cũng tăng nhanh chóng trong năm qua. Điều này cũng đễ hiểu khi thương mại điện tử trên nền tảng di động mang lại sự thuận tiện cho người tiêu dùng, thông qua đó việc mua sắm trực tuyến sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Theo khảo sát của một số sàn TMĐT, nếu như năm 2014 người tiêu dùng đang có thói quen xem hàng, khảo giá trên thiết bị di động nhưng khi quyết định mua sắm lại sử dụng máy tính (laptop, desktop), thì năm 2015 số lượng truy cập cũng như đơn hàng từ thiết bị di động ở một số doanh nghiệp TMĐT đã tăng mạnh. Điều này có được là do các hoạt động kích cầu mua sắm trên thiết bị di động cũng như những cải tiến của ứng dụng mà một số công ty hoạt động trong lĩnh vực TMĐT xây dựng trên smartphone.
Ông Trần Hải Linh, CEO Sendo.vn, cho biết tỷ lệ giao dịch trên smartphone của trang này đạt 45% trong năm 2015, kỳ vọng đạt được 65% trong năm 2016. Trước đó vào năm 2014, giao dịch trên mobile chỉ chiếm khoảng 15%.
Giữa năm 2015, trang bán hàng chuyên về thời trang Zalora cũng cho biết lượt truy cập trên di động chiếm khoảng 30% trong tổng truy cập đến trang zalora.vn.
Đánh giá tầm quan trọng của TMĐT, ông Linh cho biết xu hướng di động đang có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của TMĐT Việt Nam, và sẽ là nền tảng trong chiến lược TMĐT của Sendo năm 2016. Trong đó, phát triển Sendo App là mục tiêu chiến lược của Sendo.
Đại diện Zalora cũng chia sẻ, họ đã nhận ra sự phát triển của xu thế di động từ rất sớm và không ngừng đầu tư xây dựng ứng dụng trên điện thoại, đồng thời dự báo năm 2015 trở đi xu hướng TMĐT sẽ bùng nổ. Công ty đã cho ra mắt ứng dụng Zalora từ tháng 7/2013, tức sau hơn một năm thành lập tại Việt Nam.
Hiện Việt Nam đang có hơn 20 triệu người sử dụng smartphone, chiếm khoảng 24% dân số, chủ yếu tập trung ở độ tuổi từ 18-35. Số lượng người dùng smartphone nhiều, cộng với giá 3G rẻ (ít hơn 100.000 đồng/tháng) và mức độ phủ sóng rộng rãi của Wi-Fi miễn phí ở các đô thị lớn đã giúp cho người Việt có khả năng truy cập internet từ smartphone thường xuyên hơn, kéo theo mua sắm trên di động tăng mạnh.
Theo một nghiên cứu của Google gần đây cho thấy, tìm kiếm từ khóa trên Google đến từ smartphone và tablet tại Việt Nam (cũng như trong khu vực) tăng gấp đôi mỗi năm, trong khi số lượng này trên destop lại giảm từ 4-7%. Điều này chỉ ra được một xu hướng trong thói quen tiêu dùng đó là mọi thứ sẽ chú trọng nhiều vào tính di động hóa (mobility).
Nhìn chung, người tiêu dùng Việt hiện đang rất quan tâm đến mua sắm online, đặc biệt là hình thức mua sắm qua di động. Chia sẻ của một công ty bán hàng qua mạng cho biết, nếu như năm 2014, chỉ có 5% đơn hàng của Công ty đến từ smartphone, thì đến cưới 2015, con số này đã tăng lên hơn 30%. Nhiều khả năng trong năm 2016 tới, lượng đơn hàng đến từ phân khúc di động sẽ đạt được 50%.