Tiếp thị số tại Việt Nam được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ phát triển mạnh mẽ trong những năm tới, nhiều dự báo thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt giá trị 7,5 tỉ USD tới năm 2025 nên việc lựa chọn tiếp thị số được doanh nghiệp quan tâm vì tính tương tác và hiệu quả.
Tại ngày hội “AdDays in Vietnam” vừa diễn ra ở TP.HCM, 25 chuyên gia tiếp thị truyền thông số (digital marketing) nổi tiếng của Việt Nam, Indonesia, Nhật Bản, Thái Lan cùng một số chuyên gia đến từ châu Âu và Nam Mỹ đã đóng góp hơn 30 bài phát biểu và thuyết trình cho 800 khách tham dự cùng thảo luận. Các chuyên gia truyền thông tiếp thị số nhận định, trong nhiều năm qua, ngành truyền thông tiếp thị số đã phát triển mạnh tại các quốc gia thuộc châu Âu và Bắc Mỹ. Đa số các nguồn lực và nhân tài trong ngành tiếp thị số đều tập trung cho thị trường quốc tế, thay vì dành để phát triển thị trường bản địa tại châu Á. Do đó, thị trường số châu Á còn bỏ ngỏ và những giải pháp thực sự giúp thị trường này tăng trưởng đã và đang phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) kỳ vọng về tương lai của thương mại điện tử tại Việt Nam: Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam luôn ủng hộ cho các doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử. Một con số mơ ước là đến 2025, doanh số thương mại điện tử của các doanh nghiệp Việt Nam đạt 7,5 tỉ USD.
Lấy dẫn chứng về tiềm năng của thương mại điện tử tại Việt Nam có thể tăng từ 1,7 tỉ USD (năm 2016) lên 7,5 tỉ USD (năm 2025), ông Dũng dẫn số liệu thống kê cho biết, tính đến hết tháng 1/2017, Việt Nam có 50,05 triệu người sử dụng internet, 46 triệu người sử dụng mạng xã hội, 124,7 thuê bao di động. Các con số trên chiếm tỉ trọng rất lớn trong 94,93 triệu dân (xét trong cùng kỳ thống kê), tạo ra một thị trường tiếp thị số màu mỡ.
Ông Artyom Krawchenko, Đại diện ban tổ chức AdDays, nhận định: Việt Nam là thị trường tiếp thị số có tốc độ tăng trưởng cao nhất châu Á. Chúng tôi tin rằng, Việt Nam thậm chí còn có thể phát triển nhanh hơn nữa. Hầu hết các chuyên gia tiếp thị số tài năng ở Việt Nam đều muốn kiếm tiền từ thị trường nước ngoài, chứ không phải ở Việt Nam. Tôi nghĩ rằng điều đó cần xem xét lại. Họ nên đầu tư và đóng góp cho thị trường Việt Nam”.
Chuyên gia tiếp thị số Lê Đình Đạt thì cho rằng, tiếp thị số nội địa tại Việt Nam còn khiêm tốn chỉ mới đạt 29% nhưng đó là mức là cao nhất khu vực Đông Nam Á, thậm chí cao gấp nhiều lần một số nước có tỉ lệ chỉ dưới 10%. Điều này được ông Đạt giải thích là do đặc thù người dùng internet Việt Nam thường cập nhật tin tức từ những website trong nước. Song ông cũng cảnh báo các nhà phát hành phải nhanh chóng có sự thay đổi sao cho kịp thời thích ứng với sự chuyển dịch của xu hướng di động, mạng xã hội, quảng cáo hướng đối tượng,… để các nhà quảng cáo không chạy sang các dịch vụ quốc tế.
Theo ông Đạt, quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam bắt đầu phát triển từ năm 1994 dưới hình thức đặt banner quảng cáo; rồi tới năm 1996 có quảng cáo theo nội dung, ngữ cảnh. Thêm 2 năm sau đó, từ năm 1998, người ta bắt đầu thành lập những mạng lưới quảng cáo Ad Networks. Đến năm 2005, hình thức Ad Exchanges xuất hiện để ngoài việc xác định số lượng quảng cáo phải hiển thị và hiển thị bao nhiêu lần thì người ta còn muốn biết có bao nhiêu người xem quảng cáo, nam hay nữ, bao nhiêu tuổi, đến từ vùng miễn nào. Kể từ năm 2017, khi con người chia sẻ thông tin trên internet quá nhiều, nhà quảng cáo chuyển sang đẩy mạnh phân tích để chọn lọc đúng đối tượng mà quảng cáo hướng tới, hạn chế quảng cáo phân tán. Trong những thời kỳ tiếp theo, máy học, trí tuệ nhân tạo sẽ được sử dụng để thay thế con người trong việc phân tích, chọn lọc nơi quảng cáo. Tất nhiên, trong mọi giai đoạn, con người vẫn luôn đóng một vai trò quan trọng. Yếu tố nội dung, sáng tạo luôn luôn tồn tại. Xu hướng trí tuệ nhân tạo dù có phát triển nhưng cách thức dạy cho hệ thống đó vẫn đóng vai trò quan trọng bởi con người.
Khả năng thay đổi liên tục để thích ứng và tiềm năng hứa hẹn của marketing trực tuyến tăng trưởng chóng mặt trong những năm qua. Một thị trường toàn cầu đã được tạo lập với sự cạnh tranh trên cùng sân chơi của các “ông lớn” lẫn doanh nghiệp nhỏ. Xu hướng marketing trực tuyến được dự báo sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng quy mô doanh nghiệp và nâng cao nhận diện thương hiệu. Thông qua công cụ marketing trực tuyến, khách hàng có thể thu gọn mọi thứ trong tầm tay bởi các rào cản về mặt vật lý và giới hạn được hạn chế tới mức tối thiểu.