Khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) đóng góp nhiều nhất vào doanh thu thanh toán toàn cầu, và các nhà phân tích dự báo doanh thu sẽ vượt 1 nghìn tỷ USD vào năm 2022 hoặc 2023.
Sự kiện Cybersecurity Weekend lần thứ 7 do Kaspersky tổ chức tập trung thảo luận chi tiết về thái độ, thói quen của người dùng dịch vụ thanh toán trực tuyến đang ngày càng gia tăng trong khu vực.
Thanh toán điện tử, một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế số, đã giúp nâng cao đời sống kinh tế và xã hội cho hàng tỷ người dân trên toàn cầu, đặc biệt là trong thời gian đại dịch. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) là khu vực đóng góp nhiều nhất vào doanh thu thanh toán toàn cầu, và các nhà phân tích dự báo doanh thu từ khu vực này sẽ vượt 1 nghìn tỷ USD vào năm 2022 hoặc 2023.
Trong bối cảnh thanh toán điện tử đang được ứng dụng ngày càng nhanh chóng và rộng rãi trong khu vực APAC, các công ty trong hệ sinh thái năng động này đang tìm cách tranh thủ cơ hội bằng cách mạnh mẽ mở rộng sang nhiều thị trường khác nhau, thông qua các giải pháp tiếp thị sáng tạo, với hy vọng rằng mỗi lần khách hàng click chuột sẽ trở thành một bước đi, dù nhỏ nhưng quan trọng tiến tới sự thống trị thị trường.
Để hiểu rõ hơn về yếu tố tác động đến hành vi của những người sử dụng thanh toán số trong khu vực và sự ứng dụng bảo mật trong xu hướng này, Kaspersky tổ chức buổi họp báo trực tuyến với chủ đề “Đánh dấu bước chuyển dịch của tiền tệ trong khu vực APAC”.
Công ty an ninh mạng toàn cầu tìm hiểu sự gia tăng của việc ứng dụng tiền điện tử và đi sâu phân tích các mối đe dọa mạng đi kèm với ứng dụng tiền mã hóa thông qua phần trình bày từ các nhà nghiên cứu hàng đầu và chuyên gia về lĩnh vực này đến từ Kaspersky. Sự kiện có sự góp mặt của lãnh đạo Kaspersky và các phóng viên đến từ 12 quốc gia trong khu vực.
Ông Chris Connell, Giám đốc điều hành Kaspersky khu vực APAC cho biết: “Nhu cầu ngày càng cao về thanh toán số đã thay đổi cách chúng ta thực hiện các giao dịch trực tuyến và trực tiếp. Hiện tại, các doanh nghiệp đang tiến hành số hóa hoạt động để tạo thêm doanh thu từ thanh toán điện tử trong bối cảnh người tiêu dùng sử dụng dịch vụ này ngày càng nhiều vì sự dễ dàng và tiện lợi mà nó mang lại.”
“Rõ ràng là nhu cầu về trải nghiệm thanh toán nhanh chóng, hiệu quả, với chi phí thấp sẽ khuyến khích hơn nữa đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này. Chúng tôi thấy điều đó đang được thể hiện thông qua sự nổi lên của công nghệ thanh toán theo thời gian thực.”, ông Chris Connell nói.
Trao đổi về chủ đề “Thế hệ các cuộc tấn công tài chính mới”, Vitaly Kamluk, Trưởng nhóm Nghiên cứu và Phân tích Toàn cầu (GReAT), Kaspersky khu vực APAC trình bày về đặc điểm của các cuộc tấn công tài chính có chủ đích, bao gồm mục tiêu chính và quy mô thiệt hại do các cuộc tấn công này gây ra.
Ông Kamluk nhắc đến vụ trộm Ngân hàng Bangladesh khét tiếng thực hiện bởi nhóm BlueNoroff, một nhóm tấn công có chủ đích, được cho là nhóm tấn công tài chính thuộc băng đảng Lazarus, một băng đảng có truyền thống thực hiện các vụ gián điệp mạng. Ông cũng chia sẻ thêm về việc nhóm này đã thay đổi như thế nào kể từ khi xảy ra vụ trộm gây xôn xao dư luận và hiện nay chúng đang chuyển hướng tập trung vào giá trị ngày càng tăng của tiền mã hóa ra sao.
“Nhiều năm trôi qua sau sự cố Ngân hàng Bangladesh, nhưng tổ chức SWIFT với các ngân hàng thương mại và các tổ chức khác trong ngành tài chính vẫn cẩn trọng theo dõi các vụ xâm phạm của BlueNoroff và những vụ trộm cắp từ các ngân hàng ít được bảo vệ trên toàn cầu. Do bị chú ý nhiều trong thời gian dài, cộng thêm những nỗ lực bổ sung để rửa tiền và che đậy dấu vết, hoạt động của BlueNoroff ngày càng trở nên kém hiệu quả. Đây là lúc chúng bắt đầu chuyển mục tiêu sang tiền mã hóa, khi giá trị của những đồng tiền này tăng vọt”, ông Kamluk cho biết.