Doanh thu lĩnh vực an toàn thông tin mạng trong quý 1/2024 đạt 804 tỷ đồng, lợi nhuận 54 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ doanh thu sản phẩm nội địa so với nước ngoài đạt 46% và nộp ngân sách nhà nước 41 tỷ đồng…
Tại hội nghị giao ban Quản lý nhà nước quý 1/2024 với các Sở Thông tin và truyền thông ngày 11/3, báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, doanh thu lĩnh vực an toàn thông tin mạng ước đạt 804 tỷ đồng, tăng 46,8% so với cùng kỳ năm 2023 (548 tỷ đồng); tỷ lệ doanh thu sản phẩm nội địa so với nước ngoài đạt 46% và nộp ngân sách nhà nước ước đạt 41 tỷ đồng, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2023 (31,8 tỷ đồng).
Lợi nhuận đạt 54 tỷ đồng, tăng 22,72% so với cùng kỳ 2023 (44 tỷ đồng).
Ngoài ra, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng là 132, tăng 5% so với cùng kì năm 2023 (126 doanh nghiệp); Đồng thời, số lao động làm việc trong lĩnh vực này là 3.881 người, tăng 11,1% so với cùng kì năm 2023 (3.492 người).
Cũng trong quý 1/2024, số vụ tấn công mạng 1.812 cuộc, giảm 38% so với cùng kỳ 2023 (2.921 cuộc). Số IP botnet tính đến tháng 2/2024 là 432.437 địa chỉ, tăng 13% so với cùng kỳ tháng 2/2023 (382.606 địa chỉ).
Bên cạnh đó, tổng số chứng thư số công cộng đã cấp tính đến hết tháng 2/2024 là 7.916.979 chứng thư số tăng 34,26% so với cùng kỳ năm 2023 (là 5.896.657 chứng thư số); tổng số chứng thư số công cộng đang hoạt động tính đến tháng 2/2024 là 3.126.968 chứng thư số tăng 56,97% so với cùng kỳ năm 2023 (là 1.992.024 chứng thư số). Trong đó, số chứng thư số chuyên dùng Chính phủ đang hoạt động tính đến tháng 2/2024 là 695.268 chứng thư số tăng 29,6 % so với cùng kỳ năm 2022 (là 536.145 chứng thư số).
Về nhiệm vụ trọng tâm quý 2/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ xây dựng, ban hành Sổ tay Hướng dẫn bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; Xây dựng văn bản Hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin cấp bộ, tỉnh; Xây dựng văn bản bổ sung các chỉ tiêu an toàn thông tin tại Công văn 1552/BTTTT-THH về hướng dẫn kỹ thuật triển khai Đề án 06.
Đồng thời, Bộ cũng xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Chiến lược An toàn an ninh mạng quốc gia đến hết năm 2024; Xây dựng Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021 – 2025” đến hết năm 2024.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy; Xây dựng Thông tư về công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài; công nhận chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài.