Trong năm 2016, Chính phủ đã cấp phép cho công nghệ 4G. Công nghệ này được mong đợi sẽ được sử dụng diện rộng tại Việt Nam trong thời gian tới. Việt Nam tiếp tục được dự báo là thị trường top 3 thế giới về tốc độ phát triển lượng tiêu thụ smartphone 3G/4G và có sự phát triển rất ấn tượng về smartphone 4G.
Viettel sẽ phủ sóng 4G trên toàn quốc vào Quý 1/2017
Thiết bị di động rẻ
Các chuyên gia viễn thông đều thừa nhận rằng, cho đến thời điểm hiện nay, giá thiết bị 4G và 3G đã tương đương nhau nên người dân không có trở ngại gì trong việc sở hữu 1 chiếc smartphone 4G. Năm 2008, khi mà thu nhập bình quân/người của Việt Nam chỉ bằng một nửa bây giờ nhưng mật độ 85% – 90% người dùng 2G, tức là gần như phổ cập. Giá của thiết bị 2G lúc ấy cũng khoảng 1 triệu đồng. Bây giờ, máy điên thoại 4G cũng chỉ khoảng 40 – 50 USD, GDP/người cũng cao gấp đôi năm 2008, việc phổ cập là hoàn toàn khả thi. Cùng với việc triển khai dịch vụ viễn thông di động 4G trên cả nước, các nhà mạng đang triển khai nhiều chương trình nhằm thu hút người dùng về phía mình. Nhiều khả năng, cuộc đua trên mặt trận 4G giữa các nhà mạng đang diễn ra không kém phần khốc liệt với nhiều dịch vụ triển khai, nhiều gói cước ưu đãi và chăm sóc khách hàng.
Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam và Đông Dương, cho biết: Sự bùng nổ của smartphone đã qua giai đoạn phát triển nhanh nhất. Tuy nhiên, trong vòng 5 năm tới, vẫn có khoảng 8,5 tỷ smartphone được tiếp tục sản xuất và cơ hội cho các nhà sản xuất vi xử lý di động cho smartphone vẫn là 50 tỷ USD. Có lẽ các thông tin về việc 4G được cấp phép và thử nghiệm của các nhà mạng đã thúc đẩy thị trường người tiêu dùng chuyển sang smartphone có hỗ trợ 4G. Tỷ lệ smartphone 4G vào cùng kỳ năm ngoái chiếm chỉ 15%, và hiện tại là 65% ở tất cả các phân khúc.
Hiện nay, IoT đang ở giai đoạn khởi đầu tại Việt Nam, nhưng các lĩnh vực tiềm năng như thành phố thông minh, y tế di động, giáo dục trực tuyến đều cần nền tảng LTE để phát triển. LTE cũng sẽ là cơ hội lớn cho các nhà sản xuất thiết bị di động, thiết bị thông minh – sẽ có một làn sóng đổi mới thiết bị di động trong thời gian tới. Các thiết bị di động sẽ chuyển dần sang hỗ trợ cho LTE. Dự báo đến 2020, khoảng 85% thiết bị di động tại Việt Nam sẽ sẵn sàng cho LTE.
Ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, cho biết: Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc phổ cập được băng rộng di động có một ý nghĩa rất lớn. Tư duy truyền thống của các mạng di động trên thế giới là công nghệ mới thường có vùng phủ rất hẹp, thường họ chỉ phủ ở khu vực trung tâm rồi mới lan tỏa dần ra các khu vực khác, còn Viettel suy nghĩ khác, nghĩa là ngay từ ban đầu vùng phủ 4G của Viettel sẽ là rộng khắp. Viettel sẽ triển khai 4G như đã từng làm với với mạng 2G, với mục tiêu phổ cập dịch vụ băng rộng di động (mobile broadband).
Trong nhiều lĩnh vực kể cả viễn thông, hầu hết các công ty đều định giá đắt đối với các sản phẩm công nghệ mới nhằm mục tiêu “hớt váng”. Nhưng theo ông Sơn, Viettel lại tư duy khác, công nghệ mới cần được phổ cập cho số đông. Vì thế, giá thành sẽ rẻ nhờ lợi thế quy mô. Với 4G, giá cước sẽ rẻ hơn 3G, đồng thời Viettel cũng sẽ tạo ra các gói cước linh hoạt để khách hàng được sử dụng với mức chi phí hợp lý.
Chuyển đổi miễn phí SIM 4G
Nhu cầu sử dụng dữ liệu di động của người tiêu dùng Việt Nam đã và đang phát triển rất nhanh. Nếu như 5 năm trước, nhu cầu về dữ liệu di động hầu hết chỉ là đọc báo mạng, thì giờ đây người dùng có nhu cầu xem hoặc chia sẻ video HD ngay lập tức trên mạng xã hội, công nghệ mới như VR (thực tế ảo), game tương tác… Có thể khẳng định, người dùng cần một mạng di động công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu người dùng đang tăng rất nhanh.
Từ khi chính thức thử nghiệm dịch vụ 4G tại ba thành phố lớn trên cả nước là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM từ 1/7/2016 đến nay, MobiFone thống kê đã có hơn 1 triệu thuê bao tiến hành đổi SIM 4G và sử dụng dịch vụ 4G. Đặc biệt, chiến dịch “Đổi SIM 4G – Ưu đãi bất ngờ” cùng với chương trình khuyến mại “Cùng săn lộc vàng, Rộn ràng đón Xuân” nhân dịp Xuân Đinh Dậu đã thu hút một lượng lớn khách hàng chuyển sang dùng 4G nhà mạng này.
Viettel đã đầu tư tài nguyên và phát sóng hơn 190 trạm BTS mới; bổ sung tài nguyên phần cứng cho gần 2.200 trạm, tối ưu và nâng cấp cấu hình cao cho hơn 14.000 trạm tại tất cả tỉnh/thành phố trên toàn quốc. Đối với các khu vực diễn ra lễ hội, sự kiện lớn, tòa nhà, chung cư tập trung đông người, Viettel đã chuẩn bị 74 lượt xe thu, phát sóng lưu động. Đặc biệt, với hàng chục nghìn trạm BTS 4G được triển khai trên cả nước, trong đó tập trung tại khu vực, địa điểm quan trọng, đông dân cư, khách hàng Viettel đã đổi SIM 4G có thể trải nghiệm dịch vụ data tốc độ cao hơn 3G từ 7 – 10 lần thời gian qua. Dự kiến, Viettel cũng sẽ chính thức cung cấp dịch vụ 4G trên toàn quốc ngay trong quý 1/2017.
Anh Nguyễn Xuân Thành, Công ty Điểm tin Công nghệ, chia sẻ: “Do đặc tính công việc thường xuyên online và live-stream Facebook, tiếp thị số, tôi đã chuyển đổi sang SIM 4G cho 2 mạng VNPT Vinaphone và Viettel. Đến nay, cả 2 nhà mạng này đều đáp ứng tốt cho công việc của tôi, chất lượng đường truyền ổn định và độ phủ sóng cũng khá tốt. Chi phí mỗi tháng cho cả 2 nhà mạng khoảng 150 ngàn/tháng. Khi hết gói cước, chỉ cần nhắn tin là có thể mua thêm dung lượng data dễ dàng.”
Ngoài dịch vụ di động, Viettel triển khai đồng loạt các giải pháp đảm bảo chất lượng mạng ở tất cả các hệ thống dịch vụ như nâng cấp tổng đài, đường truyền cho dịch vụ có dây (cố định, truyền hình, internet); bổ sung dung lượng cho các tuyến truyền dẫn; rà soát và triển khai hệ thống nguồn điện, điều hòa, máy phát điện cho các tổng trạm, nhà trạm; tối ưu các hệ thống công nghệ thông tin; đảm bảo vật tư, thiết bị dự phòng,…
“Tôi cho rằng 4G sẽ đem lại cơ hội lớn cho Việt Nam. Nhiều thống kê trên thế giới cho thấy nếu tăng trưởng băng rộng khoảng 10% thì GDP của quốc gia đó sẽ tăng khoảng 1%. Nếu như ước mơ đem băng rộng đến tất cả các hộ gia đình Việt Nam bằng cáp quang sẽ khó khăn bởi thiết bị kết nối, giá kết nối và chúng ta cần phải có thời gian để làm điều đó. Thế nhưng, với 4G chúng ta có thể nhanh chóng phổ cập băng rộng di động đến hầu hết người dùng di động và sẽ thúc đẩy GDP và sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, môi trường về viễn thông và công nghệ thông tin phát triển không kém gì các cường quốc trên thế giới.”, ông Hoàng Sơn, Phó tổng giám đốc Viettel.
“Các nhà mạng hiện nay đang triển khai mạng 4G trên băng tần 1800MHz. Tuy nhiên, để thật sự mang đến trải nghiệm 4G, các nhà mạng cần có công nghệ gộp sóng mang (CA) và phải có băng tần. Nhà nước cần có kế hoạch đấu giá các băng tần khác như 2600MHz, 2300MHz.”, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam và Đông Dương.