Với việc nhập 70% linh kiện của Trung Quốc, nhiều người tiêu dùng đang đặt dấu hỏi liệu các sản phẩm của Asanzo có phải là hàng Việt?
Liên quan đến cáo buộc các sản phẩm của tập đoàn Asanzo là hàng Trung Quốc “đội lốt” Việt Nam, ông Phạm Văn Tam – Chủ tịch Tập đoàn Điện tử Asanzo lên tiếng thừa nhận, 70% linh kiện tivi của Asanzo được nhập từ Trung Quốc và việc này không có gì là mới.
Ông Vương Thanh Long, Thạc sỹ Quản trị kinh doanh, chuyên gia về tư vấn chiến lược, Thương hiệu và Marketing, một doanh nghiệp đăng ký một thương hiệu Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam và được Cục Sở hữu Trí tuệ chấp nhận thì đó là thương hiệu Việt và thương hiệu đó được bảo hộ.
Theo đó, xuất xứ hàng hóa có phải hàng Việt Nam hay không phải được xem xét dựa trên Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8.3.2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa và Thông tư số 05/2018/TT-BCT ngày 03.4.2018 của Bộ Công Thương Quy định về xuất xứ hàng hóa đối với “hàng hóa có xuất xứ không thuần túy”. Theo đó, “tỷ lệ phần trăm giá trị” không thấp từ 30% trở lên thì hàng hóa đó được coi là có xuất xứ Việt Nam.
Trong vụ việc của Asanzo, ông Long đứng trên quan điểm ủng hộ hàng Việt khi doanh nghiệp làm đúng luật và làm ăn chân chính. Với những cáo buộc mà Asanzo đang vướng phải thì cần phải đợi kết quả điều tra từ cơ quan chức năng.
Còn theo ông Võ Văn Quang, chuyên gia về thương hiệu, Asanzo được đăng ký thương hiệu Việt thì đây là hàng Việt. Việc doanh nghiệp này nhập linh kiện từ Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác là không sai. Khi chúng ta đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì rất khó có thể nói một sản phẩm làm ra chỉ do một đơn vị, một quốc gia sản xuất từ A đến Z.
Asanzo đã “truyền thông quá khích”
Cũng theo chuyên gia này, Asanzo phạm phải một sai lầm trong truyền thông mà ông này gọi đó là “truyền thông quá khích”. Trong các chiến dịch quảng cáo của mình, Asanzo luôn tung hô câu khẩu hiệu “Đỉnh cao Công nghệ Nhật Bản”. Nhưng thực chất, công nghệ Nhật Bản trong sản phẩm của Asanzo chiếm bao nhiêu phần trăm để có thể gọi là “đỉnh cao” thì không ai rõ.
Có hợp tác với Nhật thì nói là hợp tác với Nhật, chứ không nên quảng cáo quá lên. Bởi một sản phẩm là sự tổng hoà của nhiều yếu tố. Quảng cáo cũng cần có sự tinh tế và quan trọng là phải đúng sự thật. Tôi nghĩ doanh nghiệp chỉ nên quảng cáo sản phẩm có “Công nghệ Nhật Bản”, bởi có công nghệ Nhật trong sản phẩm khác hoàn toàn với “Đỉnh cao Công nghệ Nhật Bản”, ông Võ Văn Quang phân tích.
Chuyên gia này cũng chỉ ra một thực tế đáng buồn, đáng nhẽ những lỗi sai này của doanh nghiệp phải do cơ quan chức năng mà cụ thể là Quản lý Thị trường phát hiện và xử lý, chứ không phải là để một đơn vị báo chí phanh phui thì cơ quan chức năng mới vào cuộc.
“Nhiều năm qua, Asanzo quảng cáo rầm rộ khắp trên các phương tiện truyền thông, tại sao không có một cơ quan chức năng nào thực hiện việc kiểm tra để phát hiện sai phạm và xử lý?”, chuyên gia này đặt câu hỏi.
Trước đó, ngày 21/6, báo Tuổi Trẻ đã đăng tải một loạt bài viết nghi vấn CTCP Tập đoàn Asanzo bốc tem nhãn Trung Quốc, dán tem Việt Nam, “đội lốt” hàng Việt. Ngay sau thông tin này, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã tước danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” mà hội trao cho doanh nghiệp trước đó.
Theo LaoDong/TuoiTre