Theo báo cáo về Văn minh, An toàn và Tương tác Trực tuyến 2018 của Microsoft, các hoạt động diễn ra trong không gian mạng đã trở nên tích cực hơn tại nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Đức, Pháp và Bỉ.
Cụ thể, chỉ số văn minh trực tuyến (Digital Civility Index – DCI) toàn cầu của năm vừa qua đã giảm 2 điểm, hiện đang ở mức 66%. Báo cáo được thực hiện tại 22 nước, bao gồm Việt Nam, đo lường nhận thức của những đối tượng ở độ tuổi thanh thiếu niên và người trưởng thành về mức độ ảnh hưởng của họ trước một số rủi ro trực tuyến trong 4 nhóm: danh tiếng, hành vi, tình dục và cá nhân. Trong thang điểm từ 0 đến 100, chỉ số này càng thấp càng cho thấy đáp viên ít trải qua những rủi ro trực tuyến đã nêu, đồng nghĩa với việc nhận thức về hành xử văn minh trực tuyến tại đất nước đó được đánh giá cao.
Việt Nam có chỉ số DCI là 71% – không đổi so với năm trước, xếp hạng thứ 15 trong số 22 nước tham gia nghiên cứu. Các đáp viên đến từ Việt Nam cũng cho biết 20% rủi ro bắt nguồn từ gia đình và bạn bè – tăng 6% so với năm trước, tuy nhiên, vẫn thấp hơn so với con số toàn cầu là 28%.
Theo báo cáo này, 03 rủi ro mà người Việt đối mặt nhiều nhất khi tham gia hoạt động trực tuyến đó là: (1) nhận những hình ảnh hoặc tin nhắn liên quan đến tình dục, (2) tin giả và (3) người lạ liên hệ để thu thập thông tin cá nhân.
Các rủi ro trong không gian mạng đã mang đến nhiều ảnh hưởng hơn cho người dùng mạng Việt Nam so với thế giới. Cụ thể, 63% người dùng cho biết họ cảm thấy đau đớn/ mất mát (về mặt cảm xúc, tâm lý và vật lý) vì những rủi ro trong không gian mạng, 8% cao hơn so với con số toàn cầu (55%). Những ảnh hưởng cụ thể được kể đến đó là: cảm thấy stress, mất ngủ, ít tin tưởng các đối tượng trực tuyến và ngoại tuyến hơn, ít tham gia các diễn đàn, mạng xã hội.
Nhằm khuyến khích những hành vi và thói quen ứng xử tích cực trên không gian mạng, Microsoft kêu gọi người dùng mạng:
• Thực hiện quy tắc vàng: tương tác với sự đồng cảm, yêu thương và lòng tốt, đối xử với cộng đồng mạng với sự tôn trọng.
• Tôn trọng sự khác biệt, các quan điểm khác nhau. Khi có sự bất đồng quan điểm, cần hành xử lịch sự, tránh gọi tên và tấn công cá nhân.
• Suy nghĩ trước khi phản hồi những điều bạn không đồng ý, và không đăng tải những điều có thể gây tổn thương người khác, ảnh hưởng danh dự hay đe doạ đến sự an toàn của họ.
• Lên tiếng cho bản thân mình và cho người khác bằng cách hỗ trợ những đối tượng của hành vi ngược đãi trực tuyến, báo cáo và lưu giữ chứng cứ của những hành vi đó.