Sân bay Long Thành là một cảng hàng không quốc tế lớn bậc nhất toàn quốc, có khả năng phát triển thành một trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế.
Sân bay Long Thành hình thành và phát triển một cảng hàng không quốc tế trung chuyển có quy mô tầm cỡ trong khu vực nhằm phục vụ Chiến lược phát triển vận tải hàng không Việt Nam. Năm 2013, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đã đạt hơn 44,5 triệu hành khách, tăng 17,3% so với năm 2012. Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đánh giá Việt Nam sẽ là nước đứng thứ 3 trong 10 nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Theo xu thế phát triển chung của ngành hàng không, hiện nay, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã quy hoạch và đưa vào khai thác các cảng hàng không quốc tế lớn như Cảng hàng không quốc tế Suvarnabhumi-Thái Lan (100 triệu hành khách/năm), Kuala Lumpur-Malaysia (100 triệu hành khách/năm), Changi-Singapore (135 triệu hành khách/năm) đóng vai trò trung chuyển trong khu vực, nhằm thu hút các hãng hàng không và hành khách để tạo đà phát triển kinh tế cho quốc gia. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ là điểm kéo dài đường bay từ các trung tâm trung chuyển hàng không này.
Các quy hoạch giao thông đường bộ, đường sắt khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam hoàn toàn phù hợp đối với nhu cầu giao thông tiếp cận và kết nối giữa Cảng hàng không quốc tế Long Thành với TP.HCM (3 đường cao tốc: Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây; Bến Lức-Long Thành; Biên Hoà-Vũng Tàu; đường sắt: Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây). Hơn nữa, đảm bảo đủ diện tích quy hoạch (5.000 ha) để xây dựng một cảng hàng không quốc tế mới, hiện đại có công suất 100 triệu hành khách/năm, sân bay cấp 4F, cấu hình 4 đường cất hạ cánh; đảm bảo có khu vực dùng riêng cho một căn cứ quân sự lớn trong tương lai (1.000 ha).
Theo quy hoạch được duyệt, Cảng hàng không quốc tế Long Thành được phân kỳ đầu tư như sau:
– Giai đoạn 1: hình thành Cảng hàng không quốc tế trung chuyển, công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, nhằm hỗ trợ việc quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
– Giai đoạn 2: nâng công suất khai thác lên 50 triệu hành khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.
– Giai đoạn 3: nâng công suất khai thác lên 100 triệu hành khách/năm, 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Theo đó, quy mô đầu tư giai đoạn 1 sẽ đầu tư Nhà ga hành khách với công suất 25 triệu khách/năm, 2 đường cất hạ cánh với khái toán tổng mức đầu tư khoảng 165.000 tỷ đồng (7,8 tỷ USD). Trong đó, vốn nguồn gốc ngân sách Nhà nước (vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA…) giai đoạn 1 khoảng 85.000 tỷ đồng (trong đó vốn vay ODA là 47.859 tỷ đồng = 29,1%, do Tổng Cty Cảng Hàng không VN vay lại vốn ODA của Chính phủ và nhận tự hoàn trả, vốn ngân sách Nhà nước là 24.081 tỷ đồng = 14,6%).