Home Tin tức Hơn 800 phiên livestream bán nông sản OCOP thu về 100 tỷ...

Hơn 800 phiên livestream bán nông sản OCOP thu về 100 tỷ đồng

0

Tính đến quý IV/2023, đã có hơn 800 phiên phát trực tiếp gắn logo Chợ phiên OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) đã thu hút hơn 300 triệu lượt xem và mang về doanh thu hơn 100 tỷ đồng…

BÀI TOÁN LÂU DÀI TIÊU THỤ NÔNG SẢN

Ngày 21/10, TikTok phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp tổ chức sự kiện “Chợ phiên OCOP – Chiến dịch quảng bá nông đặc sản” tại Cần Giờ TP.HCM. Hoạt động tại Cần Giờ lần này cũng chính là dấu ấn tổng kết 6 tháng của hành trình Chợ phiên OCOP do TikTok phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Trung ương Đoàn thực hiện.

Khởi động từ tháng 4/2023 với mục tiêu mở rộng đầu ra cho đặc sản địa phương và nâng cao năng lực số cho các chủ thể OCOP, đến nay, hoạt động đã trải dài xuyên suốt 14 tỉnh thành từ Bắc Kạn, Sơn La, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Đồng Tháp, TP.HCM đồng thời sẽ tiếp tục mở rộng, nâng tầm quy mô trong giai đoạn tới.

Theo Ban tổ chức, tính đến quý IV/2023, đã có hơn 800 phiên live gắn logo Chợ phiên OCOP được thực hiện xuyên suốt 6 tháng qua, thu hút hơn 300 triệu lượt xem và mang về doanh thu hơn 100 tỷ đồng cho sản phẩm OCOP.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp nhấn mạnh, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh đã được Đảng, Chính phủ, xác định là giải pháp, là xu hướng tất yếu để các đơn vị sản xuất kinh doanh nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tồn tại và phát triển. Việc hợp tác với TikTok đóng vai trò quan trọng giúp giải bài toán lâu dài cho lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đồng thời, hợp tác góp phần củng cố và hiện thực hóa mục tiêu và định hướng của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đề cập đến tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ trong tiêu thụ nông sản, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho rằng, thông qua chương trình, hàng trăm chủ thể OCOP và nhà bán hàng nông nghiệp có cơ hội tiếp cận công nghệ và quảng bá nông sản trên nền tảng số. TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp, TikTok và các đơn vị liên quan để thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số, xúc tiến thương mại số cho các sản phẩm OCOP nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung.

Tại Chợ phiên OCOP, ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ đánh giá, ngày hội đã góp phần tăng thêm quảng bá sản phẩm OCOP của huyện Cần Giờ cho du khách. Với 18 sản phẩm OCOP, trong năm 2023, huyện đang gửi thêm 22 sản phẩm để công nhận OCOP, trong đó có sản phẩm về du lịch.

PHÁT TRIỂN KINH TẾ BỀN VỮNG, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp… là xu hướng tất yếu của phát triển kinh tế bền vững. Đây được xem là “chìa khóa” cho chiến lược phát triển kinh tế hài hoà với tự nhiên, hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường.

Nhằm chia sẻ thông tin, kiến thức và trải nghiệm thực tế về các mô hình và thực hành xuất sắc liên quan đến tài chính, kinh tế tuần hoàn, và kinh tế xanh – bền vững, ngày 21/10 vừa qua, Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và các doanh nghiệp thực hiện chuỗi hoạt động thăm quan, trải nghiệm “Tour trải nghiệm xanh”.

Theo đó, “Tour trải nghiệm xanh” được tổ chức với mong muốn thể hiện cam kết, đồng hành và thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tái chế trong cộng đồng và doanh nghiệp, mà Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đang hướng đến, và đã thực hiện nhiều hoạt động trong thời gian gần đây.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết: “Tour trải nghiệm xanh” không chỉ giới thiệu các mô hình kinh tế xanh, mà còn thúc đẩy sự hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp và cộng đồng. Từ đó, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc tạo ra cơ hội học hỏi và cải thiện môi trường và chất lượng cuộc sống.

“Phát triển bền vững đang là mục tiêu quan trọng của Việt Nam trong những năm qua và xu hướng tăng trưởng xanh với sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi các đơn vị, doanh nghiệp Việt Nam phải hành động nhanh, nếu không sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu”, bà Hạnh khẳng định.
Là một trong những doanh nghiệp được đánh giá mẫu mực về sử dụng tài nguyên tự nhiên một cách bền vững để sản xuất mật dừa và đóng góp vào nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, ông Phan Minh Tiến, CEO Công ty sản xuất mật dừa nước Việt Nam (Vietnipa) tại huyện Cần Giờ, chia sẻ: Dừa nước trồng 3-5 năm có thể khai thác được mật trong thời gian kéo dài đến 50 năm. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn góp phần giúp bảo vệ môi trường, chống xói mòn, sạt lở.

“Nhận thấy tiềm năng to lớn từ cây dừa nước và mong muốn tận dụng có hiệu quả tài nguyên bản địa, Vietnipa đã liên kết với hơn 10 hộ nông dân trên địa bàn trồng và thu hoạch hơn 10ha dừa nước, đạt chuẩn hữu cơ. Từ mật dừa nước, Vietnipa đã nghiên cứu và phát triển thành công các sản phẩm đường ăn kiêng hữu cơ. Trong tương lai, Vietnipa còn sẽ hướng đến mục tiêu cung cấp giải pháp làm ngọt hữu cơ, an toàn không chỉ cho người tiêu dùng Việt Nam mà còn hướng đến thị trường tiêu thụ chất làm ngọt lớn như Mỹ và EU”, ông Tiến cho hay.

Ngoài Vietnipa, Công ty Yến Đảo Cần Giờ cũng là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc thúc đẩy các giải pháp kinh tế xanh và bền vững liên quan đến sản xuất và thương mại sản phẩm yến.

Bà Phan Ngọc Diệu, Giám đốc Quản lý nhà máy Công ty Yến Đảo Cần Giờ cho biết, Cần Giờ có diện tích rừng ngập mặn ven biển rộng lớn, môi trường trong lành và khí hậu ôn hoà và cung cấp nguồn thức ăn dồi dào, chất lượng cho chim yến. Hiện nay, Cần Giờ đang có có hơn 500 nhà nuôi yến, với sản lượng bình quân 11-12 tấn/năm.

Hiện nay, Yến Đảo Cần Giờ thu mua yến của người dân để sản xuất, kinh doanh. Nguồn yến của Cần Giờ là nguồn yến xanh, yến sạch từ rừng sinh quyển nên chất lượng được đảm bảo, được nghiên cứu và kiểm định từ các chuyên gia của Đại học Công Thương TP.HCM. Yến Đảo Cần Giờ vừa là món quà thiên nhiên ban tặng, vừa kết hợp với du lịch xanh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

Previous articleHơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt bán trên Amazon
Next articleTP.HCM ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here