Từ ngày 17 – 18/11, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị quốc tế thường niên lần thứ 4 năm 2016,với chủ đề ứng dụng công nghệ vật liệu nano.
Tại hội nghị, các nhà khoa học sẽ có nhiều tham luận quan trọng, như: vai trò công nghệ nano trong phát triển kinh tế trên nền tảng công nghệ cao , tình hình nghiên cứu về vật lý nano và công nghệ nano ở Việt Nam, hóa học cấu trúc nano giả tinh thể: sự chuyển hóa hóa học cấu trúc các tinh thể nano vô cơ (NCs) thông qua các phản ứng thay thế nguyên tố, hoạt động chống ung thư của nhũ tương nano chứa carvacrol trong việc ngăn ngừa tế bào ung thư phổi A549 ở người…
Diễn ra cùng với hội nghị còn có hoạt động kết nối doanh nghiệp, hợp tác nghiên cứu với các chủ đề: công nghệ nano từ vỏ trấu và ứng dụng sản xuất các loại sơn đặc biệt như: sơn kháng khuẩn, sơn chống cháy và sơn chống đạn; công nghệ tiềm năng và cơ hội kinh doanh cho Việt Nam.
Công nghệ nano là một trong những công nghệ tiên tiến, có phạm vi ứng dụng và tầm ảnh hưởng rộng lớn trong nhiều lĩnh vực như: y học, điện tử, thực phẩm, vũ trụ… Thời gian qua, Thành phố cũng đã đầu tư phát triển các sản phẩm từ công nghệ nano như pin mặt trời, dầu diesel sinh học, vi mạch bán dẫn, tế bào gốc, dược liệu…với kỳ vọng nội địa hóa công nghệ, tiến tới làm chủ công nghệ để tạo ra những sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao trên thị trường.
Tham dự hội nghị có sự tham gia của 28 diễn giả đến trình bày tham luận, trong đó có 11 diễn giả nước ngoài đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, là những quốc gia rất phát triển về công nghệ nano. Đặc biệt, Hội nghị quốc tế thường niên lần thứ IV năm năm 2016 có sự tham dự và trình bày tham luận của Giáo sư Munir Nayfeh (Đại học Illinois – Hoa Kỳ), là nhà phát minh của quá trình tạo hạt nano silicon phát quang RGB và nhiều công trình nghiên cứu có giá trị khoa học khác.
Đặc biệt, hoạt động kết nối doanh nghiệp và hợp tác nghiên cứuvề ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất được diễn ra vào ngày 18/11/2016, với sự góp mặt của các trường đại học, doanh nghiệp Việt Nam và thế giới: Sơn KOVA (Việt Nam), Công ty ZEON (Nhật Bản), Công ty Dynamic Co-Creation (Nhật Bản), Công ty Nanoglobe Pte – (Singapore), Trường Đại học Daegu (Hàn Quốc), Trường Đại học Quốc gia TP.HCM (Việt Nam), Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam.