Bộ Tài chính vừa trình Thủ tướng Chính phủ liên quan đến dự án bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), trong đó đề nghị áp thuế tiêu thụ đặc biệt với trò chơi trực tuyến – game online (GO).
Cần một chính sách quản lý tốt
Về mặt chính sách, GO là đối tượng nằm trong “Ưu tiên phát triển công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung” tại Nghị định 71/2007/NĐ-CP với “áp dụng mức ưu đãi cao nhất cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung theo quy định của pháp luật”.
Trong các quốc gia chọn GO làm ưu tiên phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… không có quốc gia nào đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với dịch vụ này. Ngược lại, các quốc gia ấy có hỗ trợ về thuế, về chính sách, đào tạo nhân lực… Sản lượng của ngành công nghiệp game online tại Hàn Quốc thậm chí còn vượt cả ngành công nghiệp ô tô, hơn 60% GO Trung Quốc phát hành tại quốc gia này là sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước sản xuất và xuất khẩu đi khắp các khu vực châu Á, châu Mỹ. Đến một nước nổi tiếng về mức độ an ninh và an toàn như Singapore cũng không áp dụng thuế này cho GO. GO Việt Nam do vậy, luôn cần một chính sách để phát triển công bằng và quản lý tốt.
Việc cần làm về mặt quản lý là cần triệt tiêu các GO “lậu” không cần mua bản quyền, không cần biết nội dung có gây hại cho xã hội không, không phải chịu bất kỳ khoản thuế nào. Số lượng game này được thống kê vào khoảng 224 game, và rất có thể còn nhiều hơn thế, đang thu lợi hàng tỷ đồng và khiến các NPH game tuân thủ pháp luật phải 2 lần thiệt thòi. Đó là chưa kể đến các game trên thiết bị di động, mà nhiều game về mặt hình thức là GO,vẫn đang được bán ra trên các cửa hàng ứng dụng online, thu lợi quảng cáo… mà không chịu sự chi phối nào. Trong bối cảnh ấy, thuế tiêu thụ đặc biệt ắt hẳn sẽ gây khó cho các doanh nghiệp game chân chính và làm gia tăng các GO lậu, gây thất thu cho ngân sách, khó khăn cho liên ngành quản lý.
Thuế TTĐB dành cho GO?
GO đối tượng đang bị đề nghị áp thuế tiêu thụ đặc biệt với hầu hết lý do tập trung vào tác động tiêu cực, có thể gây nghiện mặc dù cũng có tác dụng trong việc phát triển trí não trẻ em, là phương tiện giải trí hữu hiệu. Bên cạnh đó, một lý do lớn khác được nêu ra trong cuộc họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội về vấn đề này là loại hình kinh doanh game hiện nay là mặt hàng có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia.
Chuyện về mối liên hệ giữa việc phát triển GO và gia tăng bạo lực đã gây nhiều tranh cãi trước đây và vẫn chưa có nghiên cứu xã hội học đầy đủ để kết luận. Nhưng cũng không thể phủ nhận có những cá nhân với những lý do riêng đã sa vào việc nghiện game hay có những tội phạm cũng là người có chơi GO và khai nhận gây ra tội cũng vì game. Nhưng, game không hiển nhiên là hiểm họa, là tội ác.
Thuế đóng cho nhà nước của ngàn GO là hơn 668 tỷ đồng năm 2011, hơn 575 tỷ dồng năm 2012, hơn 565 tỷ đồng năm 2013 và 1.845 tỷ đồng trong 6 tháng đầu 2014. Ngoài ra, hiên còn có 8.000 lao động đang hoạt động trực tiếp và 10.000 lao động gián tiếp đang hoạt động trong ngành này. Những doanh nghiệp GO chân chính đang cố thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của họ, họ không đáng bị đối xử phân biệt vì những lý do chưa hoàn toàn rõ ràng.
Trong số 126 GO được cấp phép phát hành tại Việt Nam kể từ 2005 đến 8/2014 đã có đến 60 trò đóng cửa. Trong sự sàng lọc khắc nghiệt của thị trường các game Thuần Việt (được sản xuất tại và có các nội dung Việt Nam) được đầu tư công phu như Thuận Thiên Kiếm, 7554… đã phải đóng cửa vì chưa thích ứng thị trường, vì tập quán chơi game của người Việt. Thống kê cho thấy, 90% số lượng game online phát hành có giấy phép và đem lại doanh thu cho ngành là game được sản xuất tại nước ngoài rồi nhập khẩu hợp pháp về Việt Nam, được Việt hóa. Các game Việt tự sản xuất là nỗ lực và tiếp thu dần phản ứng của thị trường để hình thành một nền công nghiệp game Việt vững mạnh như định hướng phát triển ngành công nghiệp nội dung số thành một ngành kinh tế trọng điểm của chính phủ.
Mặt khác, các GO muốn có giấy phép và đươc phát hành chính thức tại Việt Nam phải trải qua sự kiểm duyệt chặt chẽ về mặt nội dung, hình ảnh, ngôn ngữ… để tuân thủ những quy định về mặt pháp lý, văn hóa, xã hội và chính trị tại đất nước Việt Nam của cơ quan quản lý. Việc ít ỏi game được cấp phép gần đây cho thấy quy trình chặt chẽ và khó khăn ấy. Việc số tiền thuế giảm qua từng năm phần nào cho thấy các game chính thức được cấp phép và phải chịu thuế đã ít dần. Phải cân nhắc đến từng chi tiết nội dung mình kinh doanh, phải chịu áp lực từ một thị trường rất khó dự đoán dễ mất trắng, phải chấp nhận các sản phẩm có vòng đời rất ngắn ngủi dù đầu tư lớn, các GO phát hành chính thức còn phải chi Licensce Fee (tạm dịch là phí bản quyền), bên cạnh đó là 20 đến 30% lợi nhuận trong quá trình hoạt động cho nhà sản xuất game.