Có 49% tổ chức đầu tư cho an toàn thông tin dưới 5% trong tổng nguồn vốn dành cho công nghệ thông tin; 59% tổ chức dự kiến thuê ngoài (out-source) các dịch vụ về bảo mật…
Hội thảo trực tuyến An toàn Thông tin trong Chuyển đối số, những thách thức và cơ hội mới ngày 23/10.
Thông tin khảo sát do Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA) – Chi hội phía Nam thực hiện. Hội thảo An toàn Thông tin trong Chuyển đối số, những thách thức và cơ hội mới ngày 23/10 do VNISA phía Nam phối hợp cùng Bộ Thông tin Truyền thông – Cục An toàn Thông tin, UBND TP.HCM – Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM đồng tổ chức trực tuyến.
AN TOÀN KHÔNG GIAN MẠNG TRỌNG TÂM CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh vai trò của an toàn thông tin trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, đồng thời nêu rõ mọi tổ chức và cá nhân đều có vai bảo đảm an toàn mạng Internet nước nhà.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số, an toàn, an ninh mạng, cách ứng xử tốt nhất để vượt qua những mất mát bởi Covid-19 là đẩy nhanh và toàn diện quá trình phát triển công nghệ, chuyển đổi số quốc gia. Các sự cố sẽ luôn xảy ra song cách thức vượt qua sự cố thế nào mới là quan trọng.
Chính phủ đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Sắp tới là Chiến lược quốc gia về kinh tế số và xã hội số và Chiến lược An toàn không gian mạng quốc gia. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu trên, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng: “Việt Nam cần có một nền tảng an toàn không gian mạng đủ mạnh, sẵn sàng ứng phó trước mọi thách thức. An toàn không gian mạng sẽ là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số”.
Nhằm bảo đảm an toàn không gian mạng quốc gia, Việt Nam sẽ phát huy sức mạnh của toàn thể xã hội, với quan điểm xuyên suốt an toàn không gian mạng cho tất cả (“Cybersecurity for All”), không ai bị bỏ lại phía sau. Mọi tổ chức, cá nhân đều có vai trò và trách nhiệm bảo đảm an toàn môi trường sống mới – môi trường mạng. Trong đó, cơ quan quản lý nhà nước giữ vai trò điều phối, gắn kết, chia sẻ thông tin.
Thời gian qua, Việt Nam đã tăng trưởng nhanh trên bảng xếp hạng quốc tế. Theo Báo cáo Chỉ số an toàn không gian mạng toàn cầu (GCI) năm 2020, Việt Nam xếp hạng thứ 25 trong 194 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 25 bậc so với đánh giá công bố năm 2018, xếp thứ 7 trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Từ kết quả trên, Thứ trưởng nhận định, Việt Nam bước đầu có một nền móng tốt về an toàn không gian mạng nhưng vẫn còn những hạn chế cần được giải quyết. Việt Nam sẽ tập trung phát triển 3 mục tiêu chính: bảo đảm không gian mạng quốc gia an toàn, kiên cường và vững chắc; tạo lập niềm tin số, xây dựng môi trường không gian mạng Việt Nam văn minh, lành mạnh; tự chủ công nghệ và phát triển, làm chủ thị trường an toàn thông tin.
Và Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức chiến dịch phổ cập dịch vụ an toàn thông tin cơ bản cho người dân như các dịch vụ, ứng dụng an toàn không gian mạng trên nền tảng di động cho người dân.
AN TOÀN THÔNG TIN CÓ CHẤT LƯỢNG HƠN
Tại hội thảo, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đánh giá cao sự góp sức của Hiệp hội, Chi hội và các doanh nghiệp an toàn thông tin trong việc bảo đảm an toàn không gian mạng cho thành phố. Năm nay số lượng đơn vị tham gia khảo sát của Chi hội an toàn thông tin phía Nam tăng lên, chứng tỏ hoạt động công nghệ thông tin và an toàn thông tin tại thành phố đã có chất lượng hơn.
Hơn nữa trong và sau đại dịch, người dân TP.HCM và cả nước phải quen với học tập và làm việc từ xa, ngày càng có nhiều hoạt động phụ thuộc vào công nghệ. Ông Thắng đánh giá việc này là đáng mừng nhưng cũng là thách thức lớn đối với an toàn thông tin. Do vậy, thành phố và cả nước phải làm quen với hoàn cảnh chưa bao giờ có: vừa thích nghi với đại dịch vừa phát triển kinh tế. Ngành an toàn thông tin cũng phải đặt trong bối cảnh đó để phát triển bền vững.
Báo cáo của Chi hội VNISA phía Nam về bức tranh tổng thể an toàn thông tin của khu vực phía Nam cũng như tình hình an toàn thông tin chung của Việt Nam và thế giới: tình hình bị tấn công mạng năm 2020 và 2021 tương tự nhau.
Cụ thể, có 20%-24% các tổ chức chưa ghi nhận việc bị tấn công mạng; 26%-28% các tổ chức ghi nhận là không bị tấn công mạng; 31%-32% các tổ chức đã có theo dõi đầy đủ khi bị tấn công. Từ đó, các chuyên gia cũng cảnh báo và khuyến nghị thiết thực với các cơ quan, doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra song song với những nỗ lực phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam và trên toàn cầu.
Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM thừa nhận tình trạng an toàn thông tin khi làm việc, hội họp trực tuyến như lộ thông tin do chia sẻ tập tin qua hội họp, có người tham gia họp không theo kế hoạch. Tình trạng này nếu như năm 2020 chiếm 82% thì năm 2021 chỉ còn 20% và giảm đáng kể.
“Phải xem dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, nguồn nguyên liệu của nền kinh tế số và cần tổ chức, bảo vệ. Đặc biệt, dữ liệu công dân khai báo trên các ứng dụng Tiêm chủng, Sổ sức khỏe điện tử mà Thành phố và Bộ Y tế, Bộ Thông tin và truyền thông triển khai trong thời gian qua. Nguồn tài nguyên mới này giúp chính quyền giao tiếp, phục vụ người dân tiếp cận thông tin và dịch vụ tốt hơn”, bà Trình cho hay.
VNISA phía Nam kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho an toàn thông tin cá nhân, nền tảng vững chắc áp dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (Machine Learning), chuyển đổi số; Xây dựng cơ chế phối hợp tạo một mặt trận thống nhất Nhà nước – Doanh nghiệp, Trung ương – Địa phương sẵn sàng trong phát hiện xử lý sự cố và xây dựng tiềm lực an toàn thông tin.
Ngoài ra, cần có định hướng của nhà nước với chuyển đổi số thông qua một kiến trúc đơn giản, dễ hiểu để huy động mọi nguồn lực của xã hội cùng tập trung đạt được mục tiêu; Có cơ chế chính sách khuyến khích phát triển nguồn lực an toàn thông tin; và định kỳ khảo sát hiện trạng an toàn thông tin trên phạm vi cả nước để hoạch định chính sách và chiến lược phát triển an toàn thông tin.
Về phía doanh nghiệp, VNISA phía Nam cũng kiến nghị: Tiếp tục nâng cao nhận thức an toàn thông tin cho người sử dụng, lãnh đạo, chủ doanh nghiệp; Đầu tư kinh phí, nguồn lực, đào tạo cho an toàn thông tin; Xem xét thuê dịch vụ ngoài chuyên nghiệp; Đánh giá và giám sát an toàn thông tin định kỳ. Bên cạnh đó, nắm vững và coi an toàn thông tin là một trụ cột cho chuyển đổi số; Phối hợp tốt với cơ quan bảo vệ pháp luật, các tổ chức chuyên ngành trong ứng cứu sự cố an toàn thông tin…