Home Tin tức Doanh số 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất gần 144...

Doanh số 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất gần 144 nghìn tỷ đồng, tăng 54,6%

0

Trong 6 tháng đầu năm, Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop ghi nhận doanh số 143.900 tỷ đồng với 1,533 triệu sản phẩm giao thành công; tăng lần lượt 54,91% và 65,55% so với cùng kỳ năm ngoái…

Báo cáo Thị trường sàn bán lẻ trực tuyến nửa đầu năm 2024 do Metric công bố cho thấy thương mại điện tử Việt Nam đang tiếp tục phát triển ổn định với mức tăng trưởng mạnh mẽ cả về doanh số và sản lượng. Top 5 sàn thương mại điện tử có quy mô lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop đều đạt kết quả tích cực, phản ánh tiềm năng trong việc khai thác thị trường này.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop ghi nhận doanh số 143.900 tỷ đồng với 1,533 triệu sản phẩm giao thành công tới tay khách hàng, tăng lần lượt 54,91% và 65,55% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mức tăng trưởng này phản ánh sự phát triển bền vững của thị trường thương mại điện tử Việt Nam, đồng thời cho thấy khả năng tận dụng cơ hội của các doanh nghiệp khi sự dịch chuyển mua sắm từ offline sang online đang diễn ra mạnh mẽ.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ hai sàn TikTok Shop và Shopee. Xét về doanh số so với 6 tháng đầu năm 2023, TikTok Shop và Shopee tăng trưởng lần lượt 150,54% và 65,97%. Xét về sản lượng, con số tăng trưởng lần lượt là 242,15% và 25,67%.

Bên cạnh đó, TikTok Shop là sàn duy nhất có doanh số 6 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng dương so với 6 tháng cuối năm 2023, ở mức 24,49%. Trong khi đó, 3 sàn Lazada, Tiki và Sendo chứng kiến cả sản lượng và doanh số đều giảm. Về doanh số 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm ngoái, Lazada, Tiki và Sendo lần lượt tăng trưởng -43,81%, -48,55% và -70,56%. Xét theo sản lượng, những tỷ lệ này lần lượt là -37,12%, -51,37% và -62,74%.

Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, số lượng Shop Mall đã tăng 12,29% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy người tiêu dùng ngày càng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm từ thương hiệu chính hãng hoặc nhà bán có uy tín. Các nhà bán trên Shopee có doanh số cao chủ yếu đều sở hữu các kho hàng đặt tại Hà Nội và TP.HCM là hai trung tâm kinh tế hàng đầu với hệ thống logistics phát triển.
Metric dự báo trong quý 3/2024, thương mại điện tử sẽ tiếp tục ghi nhận những tín hiệu khả quan khi tổng doanh số trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam có thể đạt mức hơn 88 nghìn tỷ đồng với 944 triệu sản phẩm được bán ra. Tăng lần lượt hơn 23,2% và 23,1% so với quý 2/2024.

NGÀNH HÀNG LÀM ĐẸP, THỜI TRANG NỮ, SỨC KHỎE VÀ NHÀ CỬA DẪN ĐẦU

Trong các ngành hàng, làm đẹp, thời trang nữ và nhà cửa – đời sống tiếp tục dẫn đầu về doanh số và sản lượng trên cả 5 sàn thương mại điện tử. Trong đó, phân khúc giá rẻ dưới 200.000 đồng vẫn duy trì sức hấp dẫn mạnh mẽ, với thị phần tăng thêm 3% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo của Metric cũng cho biết, thương mại điện tử Việt Nam chứng kiến sự thống trị của các thương hiệu lớn thuộc ngành hàng điện thoại – máy tính bảng. Trong top 10 thương hiệu có doanh số cao nhất, có tới 4 thương hiệu thuộc ngành này, bao gồm những cái tên quen thuộc như Apple, Samsung, Xiaomi. Cá biệt, sản phẩm có giá trị cao như Honda lần đầu xuất hiện trong danh sách sản phẩm bán chạy trên online. Sự phát triển của hạ tầng logistics và các dịch vụ thanh toán trực tuyến đã tạo ra một môi trường thuận lợi, thúc đẩy xu hướng mua sắm này.

Theo phân tích của Metric, mùa tựu trường (cuối tháng 8 và đầu tháng 9) luôn là thời điểm vàng cho ngành hàng văn phòng phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Doanh số ngành hàng này trong hai tháng qua tăng mạnh do người dùng đổ xô mua sắm để chuẩn bị cho năm học mới. Các sản phẩm phổ biến được người Việt quan tâm là bút, sổ, giấy các loại, với mức giá phân khúc rẻ, dưới 50.000 đồng.
Theo báo cáo, thị trường FMCG (ngành hàng tiêu dùng nhanh) Việt Nam năm 2023 vẫn ảm đạm, với sức mua của người tiêu dùng chưa hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, người tiêu dùng đang sẵn sàng đầu tư nhiều hơn vào các ngành hàng và sản phẩm mang lại giá trị gia tăng như sức khỏe, dinh dưỡng và chăm sóc cá nhân.

Theo đó, thị trường FMCG trên các sàn thương mại điện tử năm 2023 và quý 1/2024 ghi nhận, các ngành hàng FMCG chiếm khoảng 33% tổng doanh thu trên sàn thương mại điện tử. Tổng doanh thu trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop) năm 2023 đạt 76,5 nghìn tỷ đồng với số lượng shop có phát sinh đơn hàng lên tới 307.719 shop. Tổng giỏ hàng trung bình của người mua đạt 328 nghìn đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ 2022.

Trong đó, ngành hàng đồ uống không cồn tăng trưởng đáng kể. Doanh thu ngành đồ uống không cồn trên sàn thương mại điện tử năm 2023 đạt 8,7 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 26,4% so với 2022. Sản phẩm trà và cà phê là những mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất, chiếm khoảng 60% doanh thu ngành. Dự báo, xu hướng được quan tâm: đồ uống thảo dược, đồ uống giảm cân, đồ uống tăng cường sức khỏe.

Ở ngành hàng chăm sóc cá nhân, các nhóm sản phẩm chủ lực như kem dưỡng da, xà phòng, sữa tắm vẫn duy trì tăng trưởng tốt. Doanh thu ngành chăm sóc cá nhân trên sàn thương mại điện tử năm 2023 đạt 12,9 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 24,8% so với 2022. Dự báo, xu hướng được quan tâm: sản phẩm chăm sóc da thiên nhiên, sản phẩm chuyên biệt cho từng loại da, sản phẩm chăm sóc cơ thể.

Theo dự báo của BMI – Công ty nghiên cứu thị trường, đánh giá chiến lược và rủi ro, từ năm 2023 đến 2027, chi tiêu cho thực phẩm dự kiến sẽ tăng trưởng đều đặn hàng năm và phân khúc thực phẩm tăng trưởng nhanh nhất được dự báo là trái cây tươi và trái cây bảo quản, với mức tăng trung bình hàng năm trên 11%.

Ngoài ra, chi tiêu cho thực phẩm dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng hàng năm đến năm 2027, được hỗ trợ bởi thu nhập hộ gia đình ngày càng tăng và các điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi. Phân khúc thực phẩm tăng trưởng nhanh nhất được dự báo là trái cây tươi và trái cây bảo quản.

Trong khi đó, từ năm 2023 đến 2027, chi tiêu cho đồ uống có cồn dự kiến sẽ tăng trung bình từ 10% đến 11% mỗi năm. Tiêu thụ đồ uống có cồn dự kiến sẽ tăng 4,6% trong năm 2023, đạt 4.2 tỷ lít. Trong giai đoạn trung hạn, tiêu thụ đồ uống có cồn dự kiến sẽ tăng trung bình hàng năm từ 3% đến 4%, đạt 4,9 tỷ lít vào năm 2027. Đặc biệt, chi tiêu cho đồ uống không cồn dự kiến sẽ tăng 9,4% trong năm 2023, đạt tổng chi tiêu 48,1 nghìn tỷ đồng. Từ năm 2023 đến 2027, chi tiêu cho đồ uống không cồn dự kiến sẽ tăng trung bình khoảng 9% mỗi năm, đạt tổng chi tiêu 69,4 nghìn tỷ đồng vào năm 2027.

Theo đánh giá của BMI, tăng trưởng mạnh mẽ trong chi tiêu thực phẩm và đồ uống sẽ được duy trì, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu và sự gia tăng thu nhập khả dụng. Ngoài ra, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng chú trọng đến sức khỏe, với sự gia tăng chi tiêu cho các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe.

NO COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here