Nhằm đáp ứng tốc độ mở rộng quy mô và tăng trưởng doanh số của mình, công ty Samsung Điện tử Việt Nam đã và đang nỗ lực tìm kiếm và đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp (DN) cung ứng Việt, giúp họ có đủ điều kiện để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới nói chung và Samsung nói riêng.
Công nhân đang kiểm tra thành phẩm tại nhà máy Phước Thành.
Sự phát triển như vũ bão của Samsung tại Việt Nam đã thu hút hệ thống gần 200 nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng đến từ 9 quốc gia. Trong đó, số lượng DN Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng linh kiện cho Samsung khoảng 63 DN, tuy nhiên số DN cung ứng trực tiếp (đại lý cấp 1) còn rất thấp, chỉ mới có 11 DN, bởi tiêu chuẩn của tập đoàn này đặt ra cho các đối tác khá cao. Thế nhưng, theo đại diện của Samsung, điều này không có nghĩa là các DN Việt không thể đáp ứng được. Chỉ cần thay đổi tư duy, chịu đầu tư và quyết tâm, các DN Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng công nghệ cao của Samsung.
Và ngược lại, Samsung cũng đã và đang nỗ lực hỗ trợ các DN này thông qua việc tìm kiếm, chọn lựa và đi khảo sát, đánh giá năng lực các DN Việt có tiềm năng tham gia chuỗi cung ứng linh kiện, từ đó và đưa chuyên gia từ Hàn Quốc sang trực tiếp hỗ trợ cho các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện để cải tiến quy trình sản xuất và hoàn thiện các tiêu chuẩn trong việc cung ứng sản phẩm, linh kiện cho các nhà máy của Samsung tại Việt Nam.
Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp
Cụ thể, từ tháng 9/2015 đến nay, Samsung cử chuyên gia hỗ trợ 9 DN Việt nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Trong cuộc khảo sát năng lực của Công ty Dây và Cáp điện Ngọc Khánh và công ty In và Bao bì Goldsun mới đây, Ban lãnh đạo Công ty Samsung đã quyết định hỗ trợ 2 DN này bằng cách cử các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm từ Hàn Quốc sang trực tiếp hỗ trợ cho hai công ty Ngọc Khánh và Goldsun trong thời gian 3 tháng để cải tiến quy trình sản xuất và hoàn thiện các tiêu chuẩn trong việc cung ứng sản phẩm, linh kiện cho các nhà máy của Samsung tại Việt Nam.
Ông Vũ Quang Khánh, chủ tịch Công ty Dây và Cáp điện Ngọc Khánh cho biết: “Với sự giúp đỡ của các chuyên gia Samsung từ Hàn Quốc trong việc tư vấn và phân tích những vấn đề mà chúng tôi cần khắc phục để cải tiến toàn diện hoạt động sản xuất, hiện năng suất sản xuất của nhà máy đã tăng lên 30%, và trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục thay đổi và rút kinh nghiệm để mức tăng đạt 50% đúng như kỳ vọng của công ty Samsung. Chúng tôi hoàn toàn tự tin có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn mà Samsung đề ra, để trở thành nhà cung ứng linh kiện cho tập đoàn”.
Công nhân nhà máy Ngân Hà đang kiểm tra công đoạn In
Khác với Ngọc Khánh, hiện mới được đánh giá là nhà cung ứng tiềm năng, công ty In và Bao bì Goldsun hiện đã là nhà cung ứng cấp 1 của Samsung. Doanh thu từ việc cung ứng sản phẩm cho Samsung chiếm 45% tổng doanh thu của Goldsun, đạt 36 triệu USD trong năm 2015. Ngay cả với những doanh nghiệp đã trở thành nhà cung ứng chính thức của mình, Samsung vẫn tiếp tục có những hỗ trợ để giúp các DN cải thiện quy trình sản xuất và đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tương tự, ngày 23/05/2016, đại diện công ty Samsung cùng đại diện Sở Công Thương đã đến thăm và làm việc tại 3 DN Việt tiêu biểu là nhà sản xuất và phân phối các linh, phụ kiện cho Samsung.
Ông Chu Mạnh Cường, Giám đốc công ty TNHH In bao bì Ngân Hà, chia sẻ rằng nhờ sự hỗ trợ của Samsung, Ngân Hà đã đẩy nhanh được quá trình cải tiến những tồn tại trong quy trình sản xuất của mình từ trước đến nay, nhất là vấn đề vệ sinh. Hiện nay, công ty đã xây dựng được quy trình đánh giá chất lượng và năng lực sản xuất, những chỉ số này sẽ được kiểm tra hàng tuần, hàng tháng để đánh giá tính hiệu quả của quy trình sản xuất. Nếu những chỉ số này không như mong đợi, Ngân Hà sẽ có thay đổi kịp thời để cải thiện hiệu quả sản xuất. Ông Cường cũng cho biết, chính nhờ sự hỗ trợ từ Samsung và sự cải tiến trong sản xuất của công ty đã được đẩy nhanh, mau chóng mang lại hiệu quả thiết thực cho sản xuất, người lao động và khách hàng.
Tại buổi khảo sát công ty TNHH Nhựa Phước Thành, ông Lee Sang Su, Tổng giám đốc Khu phức hợp điện tử gia dụng và công nghệ Samsung TPHCM (SEHC), chia sẻ: “Samsung hiểu rằng yêu cầu các nhà cung ứng tại Việt Nam phải thay đổi hoàn toàn theo đúng với quy trình sản xuất như của Hàn Quốc là điều khó. Tuy vậy, chúng tôi vẫn mong muốn rằng các DN Việt sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức để cải tiến sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động”.
Khác với Ngân Hà và Phước Thành, Minh Nguyên là công ty mới thành lập vào đầu năm 2016, chuyên sản xuất các sản phẩm ép nhựa cung cấp cho Samsung. Sản phẩm của Minh Nguyên là các linh kiện nhựa cao cấp, lắp ráp các sản phẩm về nhựa. Nhà máy Minh Nguyên đặt ngay khu CNC TPHCM, đối diện SEHC với diện tích 20.000m2 và sẽ mở rộng lên 50.000m2 vào năm 2017 với quy mô sản xuất 100 triệu sản phẩm/năm.
Ông Châu Bá Long, Tổng Giám đốc công ty Minh Nguyên, cho biết: “Với sự hỗ trợ của Samsung về quy trình để kiểm soát chất lượng, Minh Nguyên đã mạnh dạn đầu tư 1.600 tỷ đồng để xây dựng nhà máy, tập trung cung cấp linh kiện cho riêng Samsung. Chúng tôi đang cải tiến, nâng cao chất lượng sản xuất mỗi ngày. Hiện chúng tôi đang cho sản xuất thử sản phẩm, ngày 25/5 tới sẽ mời Samsung đến kiểm tra và 4/6 chúng tôi sẽ bắt đầu sản xuất sản phẩm theo đơn đặt hàng của Samsung. Dự kiến Minh Nguyên sẽ khánh thành và đi vào hoạt động chính thức từ tháng 7/2016.
Theo nhận xét của ông Lee Sang Su, cả 3 doanh nghiệp được khảo sát nói trên đều có cải thiện khá nhiều trước và sau khi nhận được sự hỗ trợ của Samsung. “Tôi mong rằng chúng ta không chỉ dừng lại ở đây mà cần phải không ngừng tiếp tục cải tiến về chất lượng và thời gian giao hàng, và phải cải tiến không ngừng nghỉ”, ông Lee nhấn mạnh.
Doanh nghiệp cung ứng Việt tăng nhanh
“Công nghệ, chất lượng, trách nhiệm, giá cả, giao hàng, môi trường, tài chính và luật pháp” – 8 tiêu chuẩn quan trọng nhất mà Samsung đặt ra với các nhà cung cấp, bao gồm cả Việt Nam lẫn nước ngoài. Trong đó, tuân thủ pháp luật và bảo vệ môi trường là hai yếu tố mà Samsung coi trọng nhất.
Đại diện Samsung cho rằng, ngay sau khi Samsung công khai các tiêu chuẩn này khi triển khai tìm kiếm nhà cung cấp cho khoảng gần 200 loại linh kiện khác nhau, không ít DN Việt Nam đã thốt lên rằng, đó là những điều kiện quá khắt khe mà DN Việt không thể đáp ứng được. Thậm chí, còn có quan điểm cho rằng, Samsung cố tình “làm khó” DN Việt.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng giám đốc Samsung Vina, đã khẳng định, sở dĩ có yêu cầu cao như vậy do Samsung là nhà sản xuất và cung ứng toàn cầu, nên cũng phải đáp ứng tất cả các điều kiện mà thị trường thế giới đặt ra. Vấn đề nằm ở chỗ, dù tiêu chuẩn khắt khe, vẫn có những doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được mà các DN kể trên là ví dụ điển hình. Con số này đang tăng dần lên.
Thật vậy, sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của Samsung nhằm tìm kiếm các nhà cung ứng Việt, con số các DN Việt tham gia chuỗi cung ứng của Samsung đã tăng lên mạnh mẽ. Từ 4 nhà cung ứng cấp 1 thuần Việt, hiện Samsung đã có 11 DN Việt là nhà cung ứng cấp 1, cùng 52 DN Việt là nhà cung ứng cấp 2. Như vậy, tổng số có 63 DN Việt Nam hiện đang tham gia chuỗi cung ứng của Samsung.
Tính đến thời điểm hiện tại Samsung Điện tử là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với ba nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh (SEV), Thái Nguyên (SEVT) cung cấp 33% tổng sản lượng điện thoại toàn cầu của Samsung. Từ quý 2/2016 khu tổ hợp Điện tử gia dụng Samsung tại TPHCM (SEHC) đã chính thức đi vào hoạt động, và được kỳ vọng không chỉ đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất TV và thiết bị điện tử gia dụng của tập đoàn trên toàn cầu, mà còn góp phần mở thêm nhiều cơ hội để các doanh nghiệp phụ trợ của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung.