Lúc 9 giờ tối ngày hôm qua (27/7/2017), AMD đã chính thức ra mắt dòng vi xử lý cho phân khúc phổ thông là Ryzen 3, chính thức tuyên chiến với Core i3 của đối thủ Intel. Vậy hiệu năng thực tế của Ryzen 3 có tiếp tục làm điêu đứng đối thủ như 2 đàn anh Ryzen 7 và Ryzen 5 gần đây không ?
Bên trong hộp gồm tản nhiệt Wraith Stealth và CPU đựng trong 2 lớp bao bì quen thuộc như 2 đàn anh
Trước tiên mình xin sơ lược những điểm mạnh của dòng Ryzen 3 vừa ra mắt. Vâng, AMD lại một lần nữa đã đưa ra một sự thay đổi lớn trong lĩnh vực CPU khi trang bị 4 nhân thật chứ không phải chỉ 2 nhân 4 luồng như đối thủ cho phân khúc vi xử lý phổ thông. Điều đó có nghĩa là bạn có thể đạt được hiệu suất to lớn hơn trong khung giá thấp nhất. Vâng, hiệu suất cao cho mức giá thấp!
Mời bạn cùng xem qua những đánh giá nhanh phần thông số cũng như hiệu năng benchmark trên phiên bản Ryzen 3 1200 mà mình mượn được.
Về mặt cấu trúc bên trong, Ryzen 3 1200 hoàn toàn giống với phiên bản 8 nhân gồm 2 CCX, nhưng chỉ với 4 lõi được kích hoạt (mỗi CCX 2 lõi) và tắt chế độ SMT (tạm gọi là siêu phân luồng) vì AMD không muốn “giậm chân” lên Ryzen 5 của chính họ.
So sánh AMD Ryzen 3 1200 với Intel Core i3 7100
Sơ lược qua bản thông số trên có lẽ phần nào bạn cũng nhận ra được ưu nhược điểm của mỗi sản phẩm. Core i3 7100 sở hữu mức xung nhịp cơ bản cao hơn hẳn nên sẽ phần nào lợi thế khi xử lý đơn nhân. Ngược lại Ryzen 3 có mức xung nhịp thấp hơn nhưng lại sở hữu số nhân thật gấp đôi đối thủ nên hứa hẹn sẽ có khả năng xử lý đa luồng tốt hơn.
Một điểm nổi bật nữa của Ryzen 3 1200 so với đối thủ là sở hữu mức cache lớn hơn nhiều, giúp CPU ít phải xuống RAM lấy dữ liệu hơn vì đã có sẵn trên cache (loại bộ nhớ tốc độ cao hơn rất nhiều lần so với RAM) nên độ phản hồi về mặt lý thuyết sẽ có phần nhanh hơn.
Lý thuyết là vậy, nhưng hiệu năng thực tế thế nào, mời bạn cùng xem qua những kết quả mà MobileReview đã đánh giá bằng những công cụ benchmark hiệu năng CPU quen thuộc.
Đúng như dự đoán, kết quả trên công cụ Cinebench R15 cho thấy AMD Ryzen 3 1200 có phần yếu thế ở phép thử đơn nhân so với đối thủ Intel Core i3 7100 nhưng lại thắng khoảng 11% ở phép thử đa luồng.
Điều này cũng xảy ra tương tự với công cụ Geekbench 4. Một lần nữa Intel Core i3 7100 thắng thế ở xử lý đơn nhân (15%) và thua Ryzen 3 1200 14% khi chạy đa nhân
Với công cụ Passmark đo hiệu năng tổng thể CPU thì Ryzen thắng thế hoàn toàn với khoảng cách khá thuyết phục 18,6%
Cấu hình thử nghiệm
Bo mạch chủ Gigabyte GA-AX370 Gaming 5, RAM GSKILL TRIDENT Z RGB 16GB (2x8GB) F4-3200C16D-16GTZR, Samsung 960 EVO M.2 256GB + ổ Seagate 4TB, Card đồ họa AMD RX 480 8GB.
Khả năng chơi game
Nói về khả năng chơi game thì thực chất các hệ thống PC dựa vào card đồ họa là chính, tuy nhiên CPU cũng cần phải đủ mạnh ở mức tương ứng.
Với công cụ benchmark của game Final Fanstasy XIV, điểm số cho thấy CPU hoàn toàn đủ sức gánh vác.
Phép thử 3DMark Sky Diver cũng cho thấy Ryzen 3 1200 hoàn toàn thừa sức đáp ứng các game tầm trung
Tuy nhiên qua đến phép thử 3DMark Fire Strike thì CPU Ryzen 3 1200 đã không còn đủ sức, cho thấy hệ thống với Ryzen 3 1200 chỉ thích hợp với các game tầm trung trở xuống chứ không thể chiến game các game bom tấn hạng nặng
Phép thử 3DMark Time Spy cũng cho thấy điều tương tự
Với các game thực tế do thời gian mượn sản phẩm quá ngắn nên mình không kịp chạy nhưng theo kinh nghiệm nhìn các điểm benchmark thì bạn hoàn toàn có thể chiến tốt các game tầm trung như Battlefield 1, GTA 5, …
Kết luận
Trong cùng phân khúc giá thì AMD Ryzen 3 1200 có lợi thế hiệu năng hơn rõ rệt so với đối thủ Intel Core i3 7100. Tuy nhiên do không có đồ họa tích hợp nên Ryzen 3 sẽ là lựa chọn tốt, tối ưu cho các game thủ ráp PC với card đồ họa rời cho chơi game chứ không tối ưu nếu dùng làm máy văn phòng.
Ưu điểm:
- Hiệu năng tốt so với đối thủ
- 4 nhân thật chạy đa nhiệm/ chơi game tốt hơn
Nhược điểm:
- Không có đồ họa tích hợp nên không tối ưu nếu ráp máy dùng văn phòng