Home Tin tức Cú huých Covid-19 và hai làn sóng thương mại điện tử của...

Cú huých Covid-19 và hai làn sóng thương mại điện tử của Việt Nam

0

Dù chịu nhiều tác động tiêu cực do Covid-19 nhưng doanh nghiệp thương mại điện tử tích cực triển khai chuyển đổi số, số người tiêu dùng trực tuyến mới tăng lên… thúc đẩy ngành phát triển giai đoạn 2021-2025…

Năm 2020 Việt Nam đã trải qua hai đợt dịch Covid-19. Khi bắt đầu đợt dịch đầu tiên vào tháng 2, đã có những lo ngại dịch bệnh sẽ tác động lớn tới đà tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử cho năm này cũng như cả giai đoạn năm năm tiếp theo 2021 – 2025.

HAI LÀN SÓNG CỦA THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Báo cáo “Việt Nam: Thương mại điện tử tăng tốc sau Covid-19” của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) công bố ngay sau đợt dịch đầu tiên từ tháng 2 đến tháng 4 cho thấy sự xuất hiện làn sóng thương mại điện tử với hai tín hiệu quan trọng. Tín hiệu thứ nhất là người tiêu dùng trực tuyến tăng lên nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Tín hiệu thứ hai là số lượng thương nhân tham gia chuyển đổi số tăng mạnh.

Làn sóng thứ nhất của thương mại điện tử Việt Nam diễn ra trong giai đoạn bùng nổ đầu tiên của đại dịch Covid-19 từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2020. Làn sóng thứ nhất đã tạo đà cho sự phát triển tiếp theo của thương mại điện tử. Làn sóng thứ hai của thương mại điện tử diễn ra từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2021 trong đợt dịch Covid-19 thứ tư.

Từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2021, Việt Nam trải qua đợt dịch Covid-19 lần thứ tư và là một trong những đợt dịch bệnh nặng nề từ khi đất nước thống nhất. Toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch, bao gồm thương mại điện tử.

VECOM đã khảo sát nhanh gần 60 doanh nghiệp tiêu biểu liên quan tới thương mại điện tử thuộc năm lĩnh vực, bao gồm bán lẻ trực tuyến, logistics và hoàn tất đơn hàng, thanh toán, tiếp thị số, giải pháp kinh doanh số. Giai đoạn khảo sát từ tháng 6 tới tháng 9 năm 2021.

Kết quả khảo sát 4 sàn thương mại điện tử thuộc nhóm dẫn đầu Việt Nam cho thấy số lượng đơn hàng phát sinh trên sàn giai đoạn tháng 6 – 9/2021 đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 với tỷ lệ tăng trưởng trong khoảng từ 8% tới 50%. Thậm chí các đơn hàng tăng từ 8% đến 10% so với kế hoạch từ đầu năm.

38% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có tăng trưởng đơn hàng so với cùng kỳ năm 2020 (nguồn VECOM).

Kết quả trên tương đồng với xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển phát. Theo kết quả khảo sát 9 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chuyển phát, hầu hết các đơn vị đều có mức tăng trưởng đơn hàng ngang bằng hoặc cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, với mức tăng trưởng trung bình khoảng 12%.

Ngoài ra, những đặc điểm nổi bật của cả hai làn sóng là trong bối cảnh toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội bị trì trệ, kinh doanh thương mại điện tử bị tác động nghiêm trọng nhưng đông đảo thương nhân đã nỗ lực chuyển đổi số để nắm bắt cơ hội kinh doanh mới và người tiêu dùng trực tuyến tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng.

“Trong khó khăn nghiêm trọng, thương mại điện tử tiếp tục đứng vững và trải qua làn sóng thứ hai. Trong làn sóng này, cả hai đặc điểm về người tiêu dùng và thương nhân rõ ràng hơn làn sóng thứ nhất.” Đại diện VECOM đánh giá.

Thứ nhất, số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng lên và đông đảo người mua đã trở thành người tiêu dùng thông minh, thành thạo kỹ năng mua sắm trực tuyến hơn, thậm chí một bộ phận người tiêu dùng đã ưu tiên mua sắm trực tuyến so với mua sắm truyền thống.

Thứ hai, nhiều thương nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp thương mại điện tử, tích cực triển khai các hoạt động chuyển đổi số để thích nghi với đại dịch cũng như chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới” sau đợt dịch thứ tư.

Theo khảo sát, có tới 67% doanh nghiệp cho biết tỷ lệ nhân viên làm việc tại nhà chiếm trên 51%. Cùng với việc áp dụng mô hình làm việc từ xa, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh triển khai các ứng dụng và công cụ hỗ trợ cho hoạt động nội bộ; 35% doanh nghiệp đã thuê hệ thống hỗ trợ làm việc online chuyên nghiệp trong khi đó tỷ lệ này của năm 2020 là 21%.

Thời gian qua, các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Postmart, Voso… đã chủ động mở rộng phạm vi hoạt động để thu hút thêm nhà bán hàng mới với lĩnh vực kinh doanh đa dạng như hoạt động hỗ trợ giải cứu nông sản, vận chuyển logistic,… Hầu hết các doanh nghiệp thương mại điện tử cho rằng làn sóng thứ hai tạo đà cho sự phát triển của thương mại điện tử trong những tháng còn lại của năm 2021 và kỳ vọng về sự phát triển nhanh chóng cho cả giai đoạn 2021 – 2025.

DOANH THU TĂNG 40% CẬN TẾT

Nhu cầu mua sắm trên thương mại điện tử tiếp tục tăng cao trong những ngày cận Tết Nguyên đán. Trước thời kỳ cao điểm mua sắm online, sàn Tiki ghi nhận xu hướng và kết quả mua sắm Tết tích cực từ người tiêu dùng trên cả nước. Theo đó, doanh thu trên Tiki trong 4 tuần trước Tết tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt tập trung vào các ngành hàng điện tử và gia dụng. Đây được nhận định là xu hướng chuyển dịch tất yếu trong thời điểm dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.

Ngoài ra, không khí chuẩn bị đón Tết đang trở nên nhộn nhịp hơn khi các sản phẩm trang trí nhà cửa được chọn mua nhiều với số lượng khách hàng tìm kiếm các nhóm ngành hàng nội thất, trang trí nhà cửa, sửa chữa nhà cửa trên Tiki tăng trưởng đến 45%, tập trung vào các sản phẩm bàn ghế, giường tủ, tranh trang trí,… Bên cạnh đó, lượng đơn hàng TikiNOW giao nhanh 2H cũng có xu hướng gia tăng, phần nào thể hiện sự tất bật sắm sửa kịp thời trước Tết của người tiêu dùng.

Đại diện Tiki cho biết, sàn đã lên kế hoạch chuẩn bị hàng hóa đảm bảo cả về số lượng hàng hóa cũng như chất lượng sản phẩm. Cụ thể, ngành hàng tiêu dùng, Tiki tăng ít nhất 30% lượng hàng hóa so với Tết năm ngoái, tập trung vào các sản phẩm thiết yếu như thực phẩm khô, thức uống, sữa, gia vị… Đồng thời, sàn cũng phối hợp với đơn vị nhà bán chuẩn bị hàng hóa từ nhiều tháng trước, từ việc sản xuất, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm, thời trang, trang sức đến thiết kế, sản xuất bao bì mới, các giỏ quà mang đậm không khí Tết. Tiki sẽ duy trì dịch vụ giao hàng xuyên Tết tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.

Về thay đổi hành vi của người tiêu dùng, ông James Dong, Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam và Thái Lan, cho biết: 58% người tiêu dùng Việt cho rằng họ sẽ tiếp tục mua sắm hàng bách hóa trên nền tảng thương mại điện tử bởi sự tiện lợi và thói quen này sẽ vẫn duy trì với 53% thừa nhận rằng mua hàng bách hóa trực tuyến đã trở thành một phần trong cuộc sống của họ. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam cũng sẵn sàng chi tiêu trực tuyến nhiều hơn. Dữ liệu cho thấy tỷ lệ người tiêu dùng trực tuyến mua sắm trên 5 triệu đồng trong năm 2020 tăng lên đáng kể so với năm 2019.

Ông James Dong chia sẻ: Chiến lược Shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí) với nhiều hoạt động đa dạng trên nền tảng thương mại điện tử chính là “chìa khóa” giúp thương hiệu và nhà bán hàng tăng tương tác và xây dựng lòng tin với khách hàng. Ngoài ra, các yếu tố tạo dựng sự khác biệt cho các nền tảng thương mại điện tử như sức mạnh từ việc đầu tư bài bản vào hệ thống cơ sở hạ tầng logistics nội bộ, hay các sáng kiến vì xã hội và cộng đồng, mua sắm đa kênh (tận dụng cả kênh trực tuyến và truyền thống), sự đa dạng hóa phương thức thanh toán, đặc biệt xu hướng cá nhân hóa trải nghiệm của người dùng… sẽ là chìa khóa để thu hút sự chú ý và giữ chân người tiêu dùng.

Previous articleXu hướng tấn công khai thác lỗ hổng nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng ICT gia tăng năm 2022
Next articleViệt Nam là quốc gia mở bán Redmi Note 11 Series đầu tiên với giá từ 4,7 triệu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here