Các hãng hàng không đã lên tiếng phản ứng vì có nguy cơ phải đổi lịch bay của cả triệu hành khách khi thi công mở rộng đường lăn, bãi đậu sân bay Tân Sơn Nhất.
Sau khi hội đồng điều phối giờ hạ, cất cánh tại các cảng hàng không sân bay VN thông báo kết luận về thời gian thi công mở rộng đường lăn và bãi đậu tại sân bay Tân Sơn Nhất, các hãng hàng không đã lên tiếng phản ứng vì có nguy cơ phải đổi lịch bay của cả triệu hành khách.
Theo kết luận này, từ ngày 10-4 đến 25-6 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ bị giới hạn 25 lần cất hạ cánh/giờ, giảm ít nhất năm lần cất hạ cánh/giờ so với thông thường.
Các hãng hàng không cho rằng việc giảm số lần cất hạ cánh này đồng nghĩa với việc họ phải cắt giảm hàng loạt chuyến bay, mất doanh thu, cảng hàng không mất cơ hội thu phí sân bay và hàng triệu hành khách sẽ bị hoãn, hủy chuyến.
Thời điểm thi công vẫn chưa quyết và có thể sẽ lùi dần thời gian thi công về tháng 8 nếu không thỏa hiệp được. Phương án xấu nhất là buộc phải dời đến mùa này sang năm.
Đại diện một hãng hàng không cho biết họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn do lịch bay đã được mở bán từ vài tháng trước, “tiền vé cũng thu về rồi, lịch bay của khách đã công bố”.
Theo giải thích của hãng hàng không này, giờ hạ, cất cánh được cấp dựa vào lịch bay cùng mùa năm trước, mùa hè năm ngoái bay bao nhiêu chuyến thì hè năm nay sẽ được ưu tiên phân bổ như vậy, sau đó mới phân bổ đến các chuyến tăng thêm.
Trong khi đó, so với mùa này năm ngoái, các hãng hàng không như Jetstar Pacific (JP), VietJet Air (VJA) đều tăng thêm máy bay để khai thác: JP thời điểm này năm ngoái chỉ có năm máy bay giờ lên 10 chiếc, VJA có 15 chiếc giờ lên 23 chiếc.
Đại diện một hãng hàng không cho rằng nên lùi khoảng thời gian thi công sang tháng 8-2015 vì mùa hè là mùa cao điểm phục vụ học sinh, sinh viên đi thi, người dân đi du lịch, nghỉ mát, còn nếu buộc phải sửa chữa thì nâng số lần cất, hạ cánh lên hơn con số 25 lần/giờ mới đảm bảo bớt thiệt hại cho họ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, cục trưởng Cục Hàng không VN (CAA) kiêm chủ tịch hội đồng điều phối giờ hạ, cất cánh Lại Xuân Thanh thừa nhận hội đồng này cũng rất “đau đầu” về việc thay đổi giờ hạ, cất cánh khi thi công công trình này vì ảnh hưởng rất lớn đến các hãng hàng không.
Hiện tần suất trung bình khai thác ở sân bay Tân Sơn Nhất là 30 lần cất hạ cánh/giờ có thể sẽ phải hạ thấp còn 25 lần cất hạ cánh/giờ.
Chỉ tính riêng chênh lệch này trong vòng 12 giờ hoạt động (từ 6g-18g mỗi ngày), các hãng sẽ thiếu hụt tổng cộng 60 chuyến bay, nếu chỉ tính loại máy bay cỡ trung bình Airbus A320 với 180 ghế mỗi ngày có hơn 10.000 khách bị ảnh hưởng.
Trong khi đề xuất hạn chế việc cất hạ cánh ở đường băng 25L lại diễn ra trong khoảng thời gian cao điểm kinh doanh của các hãng hàng không, đặc biệt là các đường bay nội địa với số lượng khách đi lại tăng vọt so với thời gian thấp điểm.
Trả lời câu hỏi vì sao không dời thời gian thi công sang tháng 8 khi đã hết mùa cao điểm của kinh doanh hàng không nội địa, ông Thanh cho rằng không thể trễ như vậy vì thời gian này rơi vào giai đoạn mùa mưa, ảnh hưởng thi công công trình.
CAA đang tính toán thế nào để vẫn tiếp tục làm trong mùa cao điểm nhưng khắc phục được việc hạn chế kinh doanh của các hãng hàng không. “Chúng tôi giao phòng vận tải hàng không nghiên cứu, thảo luận với các hãng hàng không phương án thay đổi giờ hạ, cất cánh chứ không loại hẳn hoàn toàn ra khỏi lịch bay” – ông Thanh nói.
Không thể không làm?
Trong hôm nay (31-3), phòng vận tải hàng không gặp đại diện các hãng tiếp tục bàn cách điều phối giờ hạ, cất cánh cho hợp lý theo hướng sẽ đưa lịch bay của các hãng vào khung giờ thấp điểm này.
Trước đó, theo kết luận của hội đồng điều phối giờ hạ, cất cánh, phòng vận tải hàng không xây dựng phương án và điều phối lại giờ hạ, cất cánh của các hãng hàng không nội địa trên cơ sở giới hạn khả năng khai thác ở mức 25 lần cất, hạ cánh/giờ.
Hội đồng điều phối giờ hạ, cất cánh đã giao Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) lập phương án thi công, phương án khai thác tối ưu, huy động nguồn lực để việc thi công ảnh hưởng ít nhất đến việc khai thác của các hãng hàng không, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm từ ngày 25-4 đến 4-5, dịp lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện phòng vận tải hàng không CAA cho biết trên thực tế không phải lúc nào sân bay Tân Sơn Nhất cũng đạt hiệu suất khai thác 30 lần cất hạ cánh/giờ mà vẫn có những khung giờ chỉ còn khoảng 20 lần cất hạ cánh/giờ.
Trong thời gian dự kiến thi công, các hãng hàng không khai thác tại sân bay Tân Sơn Nhất trong khung giờ từ 9g-11g và từ 14g-19g đạt mức 32 lần cất, hạ cánh/giờ. Riêng giai đoạn từ ngày 25-4 đến 4-5 các hãng hàng không đăng ký giờ hạ, cất cánh lên đến 35-36 lần cất, hạ cánh/giờ nhưng chưa được sự chấp thuận của phòng vận tải hành khách.
Trong khi đó, ông Lại Xuân Thanh cho biết công trình này liên quan đến phần đất rộng 7,6ha được Bộ Quốc phòng giao Bộ GTVT để làm thêm đường lăn hai chiều và bãi đậu máy bay, giúp tăng năng lực khai thác của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất nên không thể không làm để giải tỏa tình trạng quá tải ở sân bay.
Bởi theo thống kê của CAA, hiện nay do không có điểm đậu và đường lăn, thời gian lăn trung bình của một chuyến bay từ điểm đậu đến khi cất hoặc hạ cánh là 18 phút, khiến thời gian của cả chuyến bay quá lâu.
Cũng theo ông Lại Xuân Thanh, quá trình thi công chỉ hạn chế việc cất, hạ cánh đường băng 25L nhưng khi làm đường lăn, bắt buộc các hãng hàng không không được cất hạ cánh.
Tuy nhiên, do các hãng hàng không rất khó xin được giờ hạ, cất cánh ở các sân bay quốc tế, nên việc thay đổi giờ hạ, cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ chỉ dồn vào các đường bay quốc nội trong khi các chuyến bay quốc tế không thay đổi.
Thu xếp không để xảy ra xáo trộn
Đại diện ACV cho biết dự án sửa chữa, cải tạo và mở rộng đường lăn, bãi đậu máy bay sẽ bao gồm mở rộng đường lăn E6 và W7, mở rộng bãi đậu máy bay gần đài chỉ huy Tân Sơn Nhất. Đây là khu đất Bộ Quốc phòng vừa bàn giao cho Bộ GTVT để có thể mở rộng khoảng 21 vị trí đậu máy bay, giải quyết tình trạng ách tắc của sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo vị này, sở dĩ kéo dài thời gian thi công vì phải tuân thủ theo quy định về thời gian thi công từng hạng mục để đảm bảo an toàn kỹ thuật của hàng không quốc tế (tạm hiểu là phải đảm bảo bao nhiêu giờ sau khi thi công lớp bêtông này mới tiếp tục làm lớp mới – NV) chứ không thể tập trung làm liên tục vì không đảm bảo kết cấu, an toàn.
Tuy nhiên, vị đại diện ACV cho rằng khi thi công, các hãng hàng không sẽ gặp khó khăn nhưng không thể không khắc phục được. Nếu cần thiết, hãng hàng không và quản lý bay vẫn có thể phối hợp bố trí để chuyến bay đó cất, hạ cánh bình thường.
Ông Võ Huy Cường – phó cục trưởng CAA kiêm phó chủ tịch hội đồng điều phối giờ hạ, cất cánh – cũng khẳng định CAA và ACV đã có kinh nghiệm khi đóng cửa đường băng 25R để thi công, vì vậy sẽ đảm bảo được việc rà soát toàn bộ lịch bay đề xuất của các hãng hàng không, giảm bớt thiệt hại cho các hãng.
Trước mắt CAA cam kết sẽ không đóng cửa, đảm bảo nhu cầu đi lại tăng cao của các hãng hàng không trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 phục vụ hành khách sắp tới, kể cả yêu cầu tăng chuyến của các hãng hàng không trong thời gian này.
Theo ông Cường, sau khi hoàn tất dự án này, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ xóa bỏ được tình trạng thắt nút cổ chai, chắc chắn giảm được ít nhất 50% thời gian máy bay di chuyển từ điểm đậu ra đến đường cất cánh.
Bên cạnh đó sân bay sẽ có thêm nhiều chỗ đậu máy bay, tạo thêm thuận lợi cho hãng. “Các hãng hàng không sẽ giảm được thời gian lăn của máy bay, tiết kiệm nhiên liệu, giảm tỉ lệ chậm hủy chuyến, tăng thời gian quay đầu phục vụ của máy bay” – ông Cường khẳng định.
Mất hơn 1.500 tỉ đồng doanh thu
Đại diện một hãng hàng không cho biết nếu chỉ còn cất/hạ cánh tối đa được 25 lần/giờ, nghĩa là mỗi giờ giảm 5-7 chuyến bay so với hiện nay, tính trung bình mỗi ngày 12 tiếng hoạt động sẽ có khoảng 80 chuyến bị cắt giảm, tương đương hơn 10 máy bay phải nằm đất và hơn 10.000 hành khách không bay được.
Tính ra, suốt thời gian thi công công trình sẽ có hơn 1 triệu khách có thể không bay được. Đặc biệt, trong thời gian dự kiến thi công, lượng khách đi máy bay cao hơn 20-30% so với các tháng thấp điểm. Do đó thi công đường lăn không chỉ khiến các hãng hàng không mà ngay cả sân bay cũng thất thu lớn.
Hiện mỗi hành khách đi máy bay nộp 120.000 đồng lệ phí sân bay, mỗi ngày sân bay mất 12 tỉ đồng. Còn trong thời gian thi công, các hãng hàng không cũng sẽ mất khoảng 1.500 tỉ đồng doanh thu, chưa kể thuế VAT.