Giữa tháng 10, thị trường viễn thông tiếp tục dậy sóng khi đồng loạt, 3 nhà mạng có thị phần khống chế là Viettel, VinaPhone, MobiFone chọn cùng thời điểm để tăng cước 3G gây bức xúc cho người dùng. Khi mà chất lượng chưa tăng, việc tăng cước khó thuyết phục với khách hàng. Ở yếu tố doanh nghiệp và quản lý nhà nước, nhà mạng cho rằng buộc phải tăng khi đang bán dưới giá thành. Làn sóng tranh cãi tiếp tục lan rộng trong câu hỏi hiện chưa có lời đáp: tăng hay giảm?
Tăng không chỉ 20%
Từ 0h ngày 16/10, mức cước được điều chỉnh theo chiều hướng tăng đáng kể ở những gói cước phổ dụng (gói không giới hạn), ở những gói cước theo lưu lượng khác, mức cước tăng cao hơn so với con số này. Ở những gói cước giữ nguyên giá gói, nhưng lưu lượng bị điều chỉnh thấp hơn gần 50%.
Cụ thể, ở loại hình truy cập internet thông qua USB 3G, Viettel (Dcom 3G) đã có 2 lần hiệu chỉnh (thông báo điều chỉnh từ 12/10). Hiệu chỉnh mới nhất cập nhật từ 18/10, thuê bao trả trước sẽ sử dụng gói cước Laptop Easy và chịu phí thuê bao 10.000 đồng/tháng cho 50MB miễn phí, vượt mức này, cước là 200 đồng/MB, so với cách tính cũ (60 đồng/MB và không phí thuê bao), thì mức tăng Viettel là hơn 333%. Thuê bao trả sau gói Dmax (không giới hạn lưu lượng và hạ băng thông sau khi sử dụng hết dung lượng tốc độ cao) từ mức cước 100.000 đồng/tháng, tăng lên 120.000 đồng/tháng, giữ nguyên dung lượng miễn phí là 1.5GB.
MobiFone (Fast Connect) thêm 3 gói cước không giới hạn lưu lượng mới là FCU70, FCU200 và FCU300. Riêng gói FCU120 là chuyển đổi từ FCU cũ. Ngoài ra, gói FC0 được tăng cước từ 2,93 đồng/50Kb thành 9,77 đồng/50Kb, mức tăng tương đương Viettel.
VinaPhone (Ezcom), thêm gói cước mới là MAX200. Riêng gói EzMax50 được chuyển thành gói MAX, mức cước tăng từ 50.000 đồng thành 70.000 đồng/30 ngày, tăng 40%. Gói EzMax100 thành MAX100, giữ nguyên dung lượng miễn phí 1.2GB. Gói EZ0 ngừng cung cấp, thay vào đó hai gói EZ50 (50.000 đồng/30 ngày) và EZ120 (120.000 đồng/30 ngày) khi vượt mức dung lượng miễn phí, sẽ bị tính cước là 200 đồng/MB. So với mức xài thông thường của EZ0 (không phí thuê bao) cũ, người dùng vừa phải bị phí thuê bao, vừa phải trả vượt khung tương đương mức tăng mà Viettel áp dụng. Gói cao hơn, dung lượng miễn phí bị điều chỉnh, từ 5GB thành 3G cho gói Max200, từ 2.3GB còn 1.3GB cho gói Max100.
Ở loại hình Mobile Internet (truy cập internet trên điện thoại di động), 3 nhà mạng đều áp dụng tăng gói cước không giới hạn dung lượng, giới hạn băng thông từ 50.000 đồng thành 70.000 đồng/30 ngày, tức tăng 40%. Thuê bao sinh viên – học sinh cũng tăng từ 35.000 đồng lên 50.000 đồng, tức tăng hơn 40%. Với những gói cưới không giới hạn băng thông, mức cước cũ 5 đồng/10KB cũng được điều chỉnh thành 75đ đồng/50KB. Cách tính mới theo block tính 50KB, thì đã tăng 300%.
Trong khi đó, tân binh mới ở mảng 3G, Vietnamobile cho biết sẽ không tăng cước 3G trong bối cảnh các đối thủ cùng tăng. Mạng này cũng là nhà mạng có tốc độ 3G cao nhất hiện nay là 21Mbps và không cung cấp gói cước không giới hạn lưu lượng, nhưng lại có cách tính gói khá rẻ, chỉ 4.5 đồng/kb. Ví dụ như gói cước D25, khách hàng được sử dụng 500 MB dữ liệu trong vòng 30 ngày chỉ với 25.000 đồng. Gói D40 mang đến cho những khách hàng có nhu cầu sử dụng dữ liệu cao 1,5 GB chỉ với 40.000 đồng trong 30 ngày. Gói USB50 áp dụng mức 5GB chỉ với 50.000 đồng.
Nhìn mức cước trên, dễ thấy các nhà mạng đang dần đi vào cách thức buộc khách hàng phải trả phí khi sử dụng 3G, từ nhu cầu thấp đến cao. Bởi việc không có những gói cước 0 đồng/tháng, nhà mạng đang ép khách hàng sử dụng dịch vụ phải trả tiền với lưu lượng đi kèm khá hạn chế. Cụ thể, Dcom là 10.000 đồng/tháng, Ezcom là 50.000 đồng/tháng. Chỉ riêng MobiFone vẫn còn duy trì gói cước này. Tuy nhiên, nhìn chung, nếu sử dụng gói cước xài nhiêu trả nhiêu, khách hàng buộc phải trả giá cao hơn 300% so với những gói cước có sẵn (75 đồng/50kb), bởi nếu dùng gói cước, họ chỉ trả vượt gói 25 đồng/50kb.
Vấn đề tăng cước sẽ chẳng làm cho người dùng khó chịu khi chất lượng chưa tăng, mà trên đỉnh điểm, đó chính là việc nhà mạng hạ băng thông quá mức cần thiết cho nhu cầu bình thường với những gói không giới hạn lưu lượng. Theo đó, khi hết lưu lượng miễn phí, họ sẽ bị nhà mạng bóp băng thông xuống còn 32Kbps/32Kbps. Với tốc độ này, thua cả thời kỳ dial, sẽ rất khó để sử dụng cho nhu cầu bình thường. Điều này vô tình làm cho người dùng cảm thấy nhà mạng đang buộc người dùng phải xài 3G nếu có tốc độ cao. Và người dùng sẽ chẳng thể truy cập được gì với tốc độ này.
Tăng cước, chất lượng chưa tăng?
Trả lời cho câu hỏi vì sao tăng cước 3G, hầu hết 3 nhà mạng đều cho rằng, để phù hợp với quy định không bán dưới giá thành. Bên cạnh đó, nhà mạng cũng cần để tái đầu tư mạng lưới để mang chất lượng tốt với khách hàng.
Đứng về khía cạnh doanh nghiệp, đối tác, cũng cần thông cảm khi trong bối cảnh, dù là thu nhập người dân Việt Nam chưa thể cao bằng với các nước, nhưng trang thiết bị, vật tư nhà mạng đều nhập từ nước ngoài và có giá tương đương nhau. Khi cung cấp dưới giá thành, nhà mạng sẽ khó tránh lỗ lũy kế để đầu tư lại.
Trao đổi với người viết, bà Nguyễn Thu Hồng, đại diện truyền thông VinaPhone, cho biết theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2013, VinaPhone sẽ tăng cường thêm gần 3.000 trạm thu phát sóng, trong đó có đến 2.500 trạm 3G trên toàn mạng. Số lượng trạm 3G bổ sung lần này sẽ tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và một số khu vực trọng điểm khác, nơi có mật độ người dùng các dịch vụ băng rộng đông đảo và mạnh nhất. Khi đó, tổng số lượng trạm thu phát sóng của VinaPhone trên toàn mạng là hơn 33.000 trạm, trong đó, tại các tỉnh phía bắc, lắp đặt mới hơn 1.000 trạm, phát triển tại TP.HCM khoảng hơn 600 trạm phủ sóng 3G cho phép phủ sóng dày đặc đến hầu hết mọi địa điểm trên cả nước.
“Đặc biệt, kế hoạch nâng cấp mạng vô tuyến 3G (dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2013) sẽ đẩy tốc độ truy cập mạng 3G của VinaPhone lên chuẩn HSPA+ hay còn gọi là 3,5G (tốc độ tải xuống 21Mbps, tốc độ tải lên 5.76Mbps) tăng gấp 3 lần so với thời điểm bắt đầu cung cấp dịch vụ này vào tháng 10/2009”, bà Hồng chia sẻ thêm.
Theo tìm hiểu của người viết, cho tới thời điểm này VinaPhone đang có khoảng 11.000 trạm BTS 3G, đây là nỗ lực lớn của VinaPhone vì để phát triển được một trạm BTS vô cùng khó. Dự tính đến cuối năm 2013, VinaPhone nỗ lực tập trung tăng cường các trạm BTS tại các tỉnh thành phố lớn Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, Đắk Lắk, Quảng Bình phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng, qua đó đẩy mạnh chất lượng cung cấp tương đồng với việc tăng cước.
Đại diện MobiFone, ông Nguyễn Đăng Nguyên, Phó tổng giám đốc MobiFone cho biết chắc chắn MobiFone sẽ phải tập trung nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mạnh cho mạng 3G vì đây là đầu tư chiến lược của MobiFone. Tại các thành phố lớn, mạng 3G của MobiFone đã được đầu tư mạnh và sắp tới sẽ tăng cường đầu tư cho 3G đi xuống các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, chúng tôi phủ sóng 3G đến 98% khu vực có dân cư. MobiFone đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ cơ bản hoàn thành việc phủ sóng 3G rộng khắp tại Việt Nam. Theo đó, MobiFone sẽ đầu tư thêm từ khoảng 10.000 đến 12.000 trạm thu phát sóng 3G, đầu tư phủ kín tất cả những khu vực dân cư và phủ sóng tốt ngay cả trong các tòa nhà cao tầng”, ông Nguyên bộc bạch.
Vẫn theo ông Nguyễn Đăng Nguyên, về chỉ tiêu chất lượng dịch vụ 3G, MobiFone đặt mục tiêu sẽ phải cao hơn tiêu chuẩn chất lượng của Bộ TT&TT ban hành như tỷ lệ thành công chất lượng cuộc gọi, tỷ lệ rớt mạng, tốc độ băng thông… MobiFone cũng đang nghiên cứu đưa ra các gói cước chuyên biệt cho những có nhu cầu dùng 3G có chất lượng tốt với ưu tiên về băng thông luôn được đảm bảo.
Đại diện Viettel, ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Kinh doanh, Tập đoàn Viettel trong tọa đàm 3G trên báo Bưu Điện Việt Nam cho biết, riêng đối với 3G, sau khi được cấp phép, Viettel là đơn vị đầu tư hệ thống hạ tầng lớn nhất, đến tháng 9/2013, Viettel đã có hơn 26.000 trạm phát sóng 3G. Đối với thông tin chất lượng từ khách hàng phản ánh, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư, tăng thêm trạm phát sóng tại các vùng lõm để giúp khách hàng thuận tiện hơn khi dùng 3G.
Điều này cho thấy, nhà mạng đang rất nỗ lực để tăng chất lượng đến người dùng, nhưng chính những gì mà họ đã thực hiện khi giảm cước lần trước năm 2012.
Nỗ lực giảm cước, bao giờ?
Với động thái tăng khá tích cực từ nhà mạng, thì việc giảm cước e ra khó cho việc sử dụng đại trà, nhất là với những gói cước phổ thông. Bên cạnh đa dạng gói cước mới sau khi tăng cước, vẫn có những gói cước mới mà so với gói cước cũ, được xem là khá thuận tiện hơn nhiều, dù là chỉ áp dụng cho một vài phân khúc nhỏ.
Cụ thể, VinaPhone giảm cước 80% cước cho người dùng khi có nhu cầu sử dụng 3G cao (500.000 đồng/tháng). Nếu sử dụng thêm gói tích hợp thuê bao trả sau (hiện có MobiFone và VinaPhone áp dụng), khách hàng được tăng thêm 20% gói cước. MobiFone áp dụng mức tối đa cho gói FC10 và FC50 là 500.000 đồng/tháng, cho việc sử dụng 3G không giới hạn. Hiện, Viettel chưa có quy định này, Vietnamobile thì dùng càng nhiều thì mức cước càng giảm theo từng mức dung lượng cụ thể.
Riêng MobiFone, nhờ ra gói cước mới FCU70 cho loại hình Fastconnect, nhà mạng này đã ghi điểm cho người dùng bởi đây là gói khá tiết kiệm so với nhu cầu người dùng trước đó. Cụ thể, trước ngày tăng cước 16/10, MobiFone chỉ có một gói cước duy nhất là FCU, giá cước 120.000 đồng/30 ngày cho 600MB lưu lượng miễn phí. Sau ngày tăng cước, gói FCU70 cùng dung lượng nhưng chỉ có giá 70.000 đồng/30 ngày, giảm hơn 41%. MobiFone cũng là đơn vị tiên phong áp dụng giảm cước 50% cho các đối tượng phóng viên, báo chí khi sử dụng các gói cước dữ liệu.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đình Chiến – Phó Tổng Giám đốc MobiFone chia sẻ: “Giá cước 3G MobiFone đang cung cấp cho khách hàng thấp hơn 50% so với giá thành dịch vụ. Chúng tôi hy vọng, với sự điều chỉnh này, MobiFone sẽ có thêm điều kiện để tái đầu tư, phát triển mạng lưới, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu sử dụng dịch vụ 3G liên tục tăng của khách hàng”.
Điều này cho thấy lộ trình tăng cước khả năng sẽ được các nhà mạng tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Tất nhiên, đồng nghĩa với hành động này là tăng chất lượng dịch vụ tới khách hàng để người dùng thấy rằng 3G đang thật sự rất tiện ích và ý nghĩa trong cuộc sống.
Minh Định