Home Di Động Asus Flow X13 – Quái vật ẩn mình

Asus Flow X13 – Quái vật ẩn mình

0

Asus Flow X13 hướng đến đối tượng game thủ nhưng lại có vẻ ngoài trông khá hiền hoà chứ không phô trương như các laptop gaming thông thường. Đúng nghĩa “chân nhân bất lộ tướng”, bên trong vẻ hiền hóa đó là một cấu hình cực khủng mà trái tim là CPU hàng đỉnh của AMD, Ryzen 9 5980HS.

Thiết kế đơn giản nhưng tinh tế

Asus Flow X13 phủ một một màu đen với khung máy được làm bằng hợp kim magie và được bọc lớp vân nổi để tăng độ ma sát giúp người dùng dễ dàng cầm nắm, hạn chế tối đa rủi ro trượt tay rớt máy.

Nhìn tổng thể, Asus Flow X13 trông khá hiền, theo phong cách đơn giản thanh lịch, giống một chiếc laptop doanh nhân văn phòng thông thường chứ không theo truyền thống hầm hố nổi bật của dòng ROG.

Xét về góc độ Laptop chuyên game thì kiểu thiết kế quá hiền có lẽ sẽ ít chiếm được cảm tình game thủ nhưng nhưng bù lại bạn có một chiếc máy rất mỏng nhẹ, cân nặng chỉ 1,35kg, rất tiện cho việc luôn mang theo bên mình; và lại hoàn toàn có thể dùng máy như một chiếc Laptop phục vụ các công việc đồ họa multimedia ở công sở cũng như sẵn sàng bật mode chiến đấu ở mọi nơi mà không phải e dè bị người khác chú ý.

Xoay gập 2 trong 1 – Đa năng đa dụng

Không chỉ là một chiếc Laptop thông thường, bạn có thể dễ dàng biến Asus Flow X13 thành một chiếc tablet giải trí hay nằm xem phim dễ dàng nhờ bản lề cho xoay 360 độ kết hợp cùng màn hình cảm ứng 4K 13,4 inch độ phân giải 3840 x 2400 (tỷ lệ 16:10)

Cạnh phải trang bị các cổng kết nối phổ biến như USB Type C, Type A, cảm biến vân tay tích hợp trên nút nguồn .

Cạnh trái là giắc âm thanh 3.5, cổng HDMI và một giao tiếp độc quyền của riêng hãng là ROG XG Mobile Interface (XGm) (xem thêm về cổng này bên dưới).

Cấu hình hơi lệch pha

Phiên bản mình thử nghiệm trang bị sẵn CPU AMD Ryzen 9 5980HS, RAM 32GB LPDDR4X nhưng card đồ họa chỉ là dòng phổ thông NVIDIA® GeForce® GTX 1650, chắc chỉ đủ để bạn chơi các game eSport nhẹ nhàng trên màn hình 13,4 inch độ phân giải 4K của máy. Và bên dưới là lý do Asus làm điều này

Sẵn sàng tiến hoá thành trạng thái siêu chiến binh

Điểm đặc biệt nổi trội của Asus Flow X13 so với các Laptop 13 inch mỏng nhẹ khác chính là giao tiếp độc quyền Asus ROG XG Mobile Interface – cổng giao tiếp XGm để gắn Box card đồ họa rời như trên hình.

Được biết giao tiếp XGm của Asus có băng thông tương đương PCI 3.0 X8, tức khoảng 8GB/s (64Gbps), cao hơn rất nhiều so với giải pháp eGPU dùng ThunderBolt 3 (40Gbps) nên sẽ phát huy được hiệu năng tối đa của các card đồ hoạ dòng cao hơn. Trong trường hợp của Flow X13 máy có thể kết hợp cùng card đồ hoạ NVIDIA RTX™ 3080, sẵn sàng cũng bạn chiến bất kỳ tựa game nào ở thiết lập đồ hoạ cao.

Tuy nhiên rất tiếc là trong tay mình thử nghiệm hiện tại chỉ có riêng chiếc Laptop Asus Flow X13, hãng vẫn chưa về kịp box đồ hoạ giao tiêp XGm nên mình chưa thể cho Flow X13 “tiến hoá” lên trạng thái chiến đấu cùng cực trong phạm vi bài viết này.

Thử nghiệm hiệu năng

Thử nghiệm game trên cấu hình lệch pha của Flow X13 thì chắc là không cần thiết vì NVIDIA® GeForce® GTX 1650 ra mắt đã lâu, không còn mới mẻ gì và chắc hẳn bạn cũng đã quá quen thuộc với hiệu năng của chiếc card này vì benchmark đã có rất nhiều trên mạng.

Không có Box đồ họa rời thì điểm mới nhất trên máy là con cưng của AMD Ryzen 9 5980HS vừa ra mắt gần đây. Vì vậy mình đã tập trung vào các phép thử sức mạnh CPU là chính, và hy vọng sắp tới Box đồ họa về mình sẽ bổ sung sau. Có lẽ mùa coin uptrend vầy thì chắc game thủ chúng ta phải còn đợi hơi lâu mới có card đồ họa xịn để chơi game.

Nói thêm một chút thì AMD Ryzen 9 5980HS là 2 trong số vi xử lý Laptop mạnh nhất của AMD ở thời điểm hiện tại (đứng đầu là Ryzen 9 5980HX). Tạm thời thì đối thủ Intel đang đuối sức nên AMD có thể nói vẫn chưa có đổi thủ ngang tầm cùng phân khúc.

Ryzen 9 5980HS sở hữu cấu trúc Zen 3 mới nhất, sản xuất trên tiến trình 7nm, 8 nhân 16 luồng, xung nhịp cơ bản 3.0 GHz và Max Boost lên đến 4,8 GHz trong khi mức TDP chỉ 35W.

Với công cụ Cinebench R23 quen thuộc, hệ thống đạt đến 11.863 điểm đa nhân và 1.474 điểm đơn nhân , một số điểm cực kỳ cao trong thế giới chip Laptop, thậm chí cao hơn cả phiên bản CPU TDP 45W của đối thủ Intel Core i9-10980HK cả phần đơn nhân lẫn đa nhân.

Ngoài ra, các dòng Laptop Ryzen thế hệ trước bị đối thủ Intel “bốc phốt” là chạy pin hiệu năng bị giảm mạnh nên mình cũng thử benchmark khi rút điện, chỉ dùng pin, kết quả hiệu năng đơn nhân không thay đổi, còn hiệu năng đa nhân thật sự có tuột nhưng chỉ khoảng 10%, không đáng kể, vẫn mạnh hơn chip đối thủ 45W khi cắm điện.

Kết quả 3DMark Time Spy CPU score của máy cũng rất cao, 8.748 điểm, dù có thua một chút so với Intel Core i9-10980HK nhưng nếu so với các CPU cùng dòng TDP 35W thì AMD Ryzen 9 5980HS vẫn ở ngôi vương.

Mình cũng thử chạy lại 3DMark TimeSpy khi chỉ dùng pin thì cũng tương tự như Cinebench, điểm số CPU cũng tuột nhưng chỉ tuột 8%, dù vậy thì điểm card đồ họa cũng tuột nên điểm tổng thể toàn hệ thống tuột khoảng 20%.

Mình cũng đo hiệu năng CPU với Geekbench 5.3.2, Ryzen 9 5980HS đã thể hiện rất tốt với điểm số rất cao. Nếu so với con chip Apple M1 của Apple đang đình đám hiện tại thì Ryzen 9 5980HS cũng cao hơn phần đa nhân tuy nhiên đơn nhân thì hiện tại Apple M1 vẫn ở vị trí vô địch. Ngoài ra thì đối thủ Intel cũng có phiên bản Intel Core i7-1165G7 cho điểm đơn nhân có phần nhỉnh hơn một xíu (không đáng kể, chỉ khoảng 2%) nhưng điểm đa nhân thì AMD hơn Intel rất nhiều vì Core i7-1165G7 không phải dòng chip cho Laptop Gaming. Nếu so với các dòng chip H cho gaming của Intel hiện tại thì AMD đang vượt mặt về điểm đơn nhân.

Ngoài ra mình cũng đo hiệu năng các thành phần của máy với công cụ PassMark Rating (PerformanceTest 10.0) để bạn tiện so sánh với các máy khác.

Ổn định xung nhịp

Trong suốt quá trình chạy benchmark, mình cũng theo dõi phần xung nhịp để xem liệu máy có bị hạ hiệu năng khi chạy nóng liên tục không. Kết quả dù nhiệt độ hoạt động hơi cao nhưng máy vận hành ổn định, xung nhịp CPU khi chạy đa nhân ổn định ở mức 3,7GHz mỗi nhân.

Với phép thử đơn nhân thì nhiệt độ hệ thống mát hơn nhiều và xung nhịp hoạt động ổn định ở mức lên đến quanh 4,6GHz.

Khi dừng chạy thì nhiệt độ hệ thống hạ xuống tức thì cho thấy hệ thống làm mát hoạt động tốt tuy nhiên thì quạt trong máy có vẻ hơi ồn ào. Ngoài ra thì lớp vỏ hợp kim cũng tham gia vào quá trình tản nhiệt nên sẽ phần nào mang lại trải nghiệm không tốt lắm cho bạn nếu bạn chơi game trực tiếp trên máy mà không dùng bàn phím rời.

Kết luận

Với cấu hình cực khủng nhưng “giấu” bên trong một thân hình mỏng nhẹ cùng màn hình 4K chất lượng cao, theo mình thì Asus Flow X13 không chỉ phù hợp để chơi game mà bạn hoàn toàn có thể dùng máy cho mục đích xử lý các công việc thiết kế đồ họa, dựng phim khi cần thiết.

Previous articleKhởi động cuộc thi lập trình trực tuyến lớn nhất khu vực Shopee Code League mùa 2
Next articleChiến lược tăng cường phòng thủ mạng trong khu vực APAC thời kì đại dịch

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here