Cục Thuế TP.HCM đang triển khai các giải pháp quản lý thuế theo hướng xác định doanh thu, thu nhập trên môi trường mạng, kinh doanh thương mại điện tử, các nền tảng số, mạng xã hội…
Cục Thuế TP.HCM đang triển khai các giải pháp quản lý thuế theo hướng xác định được doanh thu, thu nhập trên môi trường mạng. Do đó, tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh liên quan đến thương mại điện tử, trên môi trường mạng nên tự giác kê khai nộp thuế theo quy định.
Theo đó, các giải pháp chống thất thu chủ yếu tập trung truy vết các cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử; tổ chức, cá nhân cư trú trong nước có phát sinh thu nhập từ cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trên các nền tảng số (sản xuất nội dung số, ứng dụng số); các cá nhân kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, zalo…) và cung cấp dịch vụ thương mại điện tử,…
Riêng 6 tháng đầu năm nay, qua kiểm tra các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, đơn vị thuế TP.HCM đã xử lý truy thu và phạt số tiền 85 tỷ đồng.
‘‘Kết quả thu ngân sách nhà nước tuy không lớn nhưng đã góp phần đưa công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực thương mại điện tử dần vào nền nếp, tạo ra môi trường công bằng, bình đẳng trong kinh doanh trên địa bàn TP. HCM’’, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho hay.
Ngoài công tác tuyên truyền, đôn đốc nộp thuế, ông Dũng, cho biết, trong thời gian tới, Cục Thuế TP.HCM tiếp tục thực hiện chuyên đề chống thất thu ngân sách nhà nước lĩnh vực thương mại điện tử.
Thứ nhất, phối hợp với các ngân hàng thương mại xác minh thông tin các tổ chức, cá nhân có giao dịch chuyển tiền với các nền tảng mạng xã hội như Google, Facebook, YouTube, Tiktok… từ đó phát hiện, xác định các tổ chức cá nhân có thu nhập từ các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, thu từ hoạt động quảng cáo… để thực hiện quản lý thu và xử lý theo theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hóa cho các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử, nhất là các đơn vị giao nhận được uỷ quyền thu tiền khi giao hàng (hình thức COD). Qua đó, xác định được các tổ chức cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để quản lý thuế đối với các đơn vị này.
Các giải pháp chống thất thu chủ yếu tập trung truy vết các cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử; tổ chức, cá nhân cư trú trong nước có phát sinh thu nhập từ cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trên các nền tảng số (sản xuất nội dung số, ứng dụng số); các cá nhân kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, zalo…) và cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (dịch vụ lưu trú trực tuyến như AirBnB, Traveloka, Agoda…).
Cục Thuế TP.HCM đồng thời cũng sẽ tăng cường thanh tra kiểm tra các doanh nghiệp là chủ sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp hoạt động trung gian vận chuyển, trung gian thanh toán và các doanh nghiệp kinh doanh trên sàn thương mại điện tử thông qua khai thác dữ liệu trên Cổng thông tin thương mại điện tử của Tổng cục Thuế; tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động có liên quan đến thương mại điện tử theo chương trình kế hoạch đã đề ra.
Theo kế hoạch, trong 6 tháng cuối năm 2023, Cục Thuế TP.HCM sẽ thanh tra, kiểm tra 4 doanh nghiệp thương mại điện tử trọng điểm, đối chiếu với dữ liệu do cơ quan hải quan cung cấp để có biện pháp quản lý thu thuế hiệu quả các đối tượng này.
Bên cạnh đó, Cục Thuế TP.HCM cũng đối chiếu dữ liệu của các ngân hàng thương mại cung cấp để có được các khoản thu nhập phát sinh từ nước ngoài của các tổ chức, cá nhân trong nước do cung cấp dịch vụ cho Google, Apple, YouTube, Facebook hay Netflix… để xử lý truy thu thuế theo quy định. Hiện tại, các loại thông tin dữ liệu này đang được ngân hàng trên địa bàn cung cấp theo định kỳ.