Công an TP. Hà Nội vừa cảnh báo xuất hiện thủ đoạn mua hoặc thuê lại tài khoản tài xế xe công nghệ để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…
Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP. Hà Nội), thông qua việc mua hoặc thuê lại các tài khoản tài xế đối tác của người khác trên mạng xã hội, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng những tài khoản này để nhận đơn ship hàng hóa có giá trị cao (điện thoại, máy tính xách tay, máy ảnh…) từ khách hàng, sau đó thực hiện hủy chuyến ship và chiếm đoạt những tài sản này một cách trái phép.
Đặc biệt, trong quá trình tiếp xúc nhận hàng từ khách đặt hàng, các đối tượng này thường đeo khẩu trang, che biển số và đội mũ bảo hiểm che kín mặt với mục đích che dấu diện mạo thật để tìm cách né tránh sự điều tra của các cơ quan chức năng.
Để kịp thời ngăn chặn các hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cơ quan công an khuyến cáo người dân khi sử dụng các app xe công nghệ cần kiểm tra kỹ thông tin tài xế, điểm đánh giá của khách hàng đối với tài xế.
Ngoài ra, khi tài xế đến nhận hàng cần yêu cầu bỏ khẩu trang để xác nhận thông tin tài xế phải khớp với thông tin hiển thị trên app (giao diện mặt, biển số xe…) thì mới giao hàng cho tài xế để thực hiện vận chuyển.
Bên cạnh đó, cần ghi rõ giá trị, nội dung của đồ vật cần vận chuyển; quay video clip lại quá trình giao nhận đồ vật cho tài xế để đối chiếu khi cần.
Người dân cũng lưu ý chỉ thực hiện việc đặt dịch vụ vận chuyển thông qua các ứng dụng gọi xe công nghệ chính hãng, không thỏa thuận sử dụng dịch vụ ngoài hoặc thanh toán theo yêu cầu của tài xế.
NĂM HÌNH THỨC MẠO DANH NGÀNH ĐIỆN LỰC ĐỂ LỪA ĐẢO
Gần đây, tình trạng giả danh nhân viên điện lực gọi điện thoại lừa đảo người dân; giả mạo các văn bản của Tập đoàn Điện lực Việt Nam lại tiếp tục diễn biến phức tạp. Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) tiếp tục khuyến cáo khách hàng sử dụng điện nâng cao tinh thần cảnh giác; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, không truy cập vào các đường link lạ để tránh bị chiếm đoạt tài sản.
Có 05 hình thức mà các đối tượng lửa đảo thường sử dụng để giả mạo nhân viên điện lực, giả mạo các văn bản của ngành điện nhằm chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Thứ nhất, giả danh nhân viên điện lực gọi điện, gửi tin nhắn yêu cầu thanh toán tiền điện gấp hoặc đe dọa cắt điện nếu không chuyển tiền ngay. Tiếp đó, đối tượng lừa đảo đề nghị khách hàng kết bạn qua Zalo, hướng dẫn tải app giả mạo EVNSPC (hình thức giống app thật) hoặc mã QR Code yêu cầu khách hàng thanh toán qua các kênh đó. Khi khách hàng click vào đường link tải app giả/hoặc QR Code sẽ bị chiếm quyền điều khiển thiết bị.
Thứ hai, giả mạo nhân viên điện lực để tư vấn lắp đặt, bảo trì thiết bị điện, thay công tơ điện và thu tiền không chính đáng.
Thứ ba, giả mạo thông báo nợ tiền điện: Gửi tin nhắn, email giả mạo EVNSPC với nội dung sai sự thật về hóa đơn chưa thanh toán.
Thứ tư, gửi tin nhắn hoặc email có đường link giả mạo trang web của EVNSPC, yêu cầu khách hàng nhập thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng.
Thứ năm, giả mạo văn bản/thông tư của Tập đoàn Điện lực Việt Nam – Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) về thay đổi hình thức thanh toán tiền điện yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin hoặc truy cập các đường link để cập nhật thông tin, từ đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Thời gian qua, EVNSPC đã liên tục khuyến cáo khách hàng cảnh giác trước các cuộc gọi, tin nhắn đến từ đối tượng không rõ danh tính. Tuy nhiên, với các chiêu thức lừa đảo tinh vi của kẻ xấu, nhiều người dân vẫn “dính bẫy”, bị chiếm đoạt số tiền lớn.
EVNSPC khẳng định, Tổng Công ty và các đơn vị thành viên không thu tiền điện qua Zalo và tin nhắn SMS. Để đảm bảo an toàn, EVNSPC khuyến nghị quý khách hàng hãy nâng cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi/tin nhắn lạ. Cụ thể:
EVNSPC chỉ sử dụng các kênh chính thức như website, ứng dụng CSKH, tổng đài chăm sóc khách hàng để thông báo các thông tin đến khách hàng. Do vậy, khi nhận được các thông tin về điện, khách hàng hãy kiểm tra kênh thông tin chính thức của EVNSPC.
Đặc biệt, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như số điện thoại, CCCD, tài khoản ngân hàng qua điện thoại, Zalo, SMS hoặc các website không rõ nguồn gốc; tuyệt đối không truy cập các đường link, không tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc do đối tượng lạ gửi đến.