Sức mạnh hạ tầng và kinh nghiệm khai thác thị trường của các doanh nghiệp viễn thông là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp truyền hình cáp hiện nay mà đứng đầu là VTV không khỏi lo ngại về nguy cơ mất thị trường.
“Tố” đầu tư ngoài ngành để chặn bước tiến của DN viễn thông?
Không thể phủ nhận sức mạnh hiện nay của các doanh nghiệp truyền hình cáp như VCTV, HTV… chính là nội dung “của nhà trồng được”. Đây cũng chính là điểm yếu lớn nhất của các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, FPT, VNPT nếu tham chiến thị trường truyền hình cáp. Thế nhưng, để cung cấp dịch vụ truyền hình cáp đến các nhà thuê bao thì các doanh nghiệp viễn thông lại đang có ưu thế về truyền dẫn. Trong khi đó, để xây dựng mạng truyền dẫn phủ đến tận xã thì tốn rất nhiều công sức, tiền bạc và với thực lực của các công ty truyền hình cáp đang cung cấp dịch vụ thì đó là điều “bất khả thi”. Vì vậy, ngay khi doanh nghiệp viễn thông muốn nhảy vào lĩnh vực truyền hình cáp thì ngay lập tức VTV đã có công văn “tố” rằng việc các tập đoàn kinh tế Viettel, VNPT, FPT dự kiến đầu tư mới vào thị trường truyền hình cáp hiện nay là chưa phù hợp vì Nhà nước đang có chủ trương không để các Tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tư ngoài ngành.
Trước thông tin này, Bộ T&TT đã khẳng định, khuyến khích doanh nghiệp tận dụng hạ tầng có sẵn của mình cung cấp đa dịch vụ trên đó, kể cả truyền hình cáp, vì công nghệ đã hội tụ trên hạ tầng mạng. Bởi vậy, Viettel, FPT, VNPT có thể sử dụng hạ tầng mạng đó để cung cấp nhiều dịch vụ khác chứ không riêng gì truyền hình.
Như vậy, các doanh nghiệp viễn thông vào thị trường truyền hình cáp chính là tận dụng thế mạnh của mình chứ không có chuyện đầu tư ngoài ngành như VTV “tố”.
Bình luận về vấn đề này, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc FPT cho biết, truyền hình trả tiền tại Việt Nam thực ra “vẫn chưa mở đối với một số đối tượng”. Ông Bình nhấn mạnh, nếu không cho doanh nghiệp viễn thông nhảy vào lĩnh vực này thì việc tốn kém đầu tiên là xã hội. Bởi, khi các dịch vụ mạng hội tụ rất nhiều trên cùng một đường cáp, nếu doanh nghiệp chỉ cung cấp một dịch vụ trên đường cáp đó sẽ không thể tồn tại được. Mà như thế, nếu một đường truyền cho truyền hình, một đường cho điện thoại… thì hạ tầng cần phải xây rất nhiều đường, tức là cũng sẽ kéo theo sự chậm phát triển của thị trường. Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, đến thời điểm hiện nay, Viettel đã có 200.000 km cáp quang trên toàn quốc. Hiện độ phủ của cáp quang đến các hộ gia đình trung bình là cách khoảng 350 m, sắp tới Viettel sẽ rút ngắn khoảng cách xuống còn 200 m, thậm chí chỉ còn 100 m vào năm 2015. Điều này có nghĩa là cáp quang đã đến sát mỗi gia đình. Do đó, chi phí đầu tư truyền hình cáp, IPTV sẽ giảm đáng kể, chất lượng cao và đặc biệt có thể lan đến vùng sâu, vùng xa.